Thủ lĩnh bị tiêu diệt trong "cuộc đột kích như phim", IS sẽ đi về đâu?
(Dân trí) - Nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng có thể sẽ "án binh bất động" trong một thời gian ngắn, sau khi thủ lĩnh bị tiêu diệt trong một "cuộc đột kích như phim" của Mỹ ở Atmeh, Syria.
Bị đặc nhiệm Mỹ dồn vào đường cùng, thủ lĩnh IS Abu Ibrahim al-Hashimi al-Qurashi đã cho nổ tung quả bom tại khu nhà ở của mình ở tỉnh Idlib thuộc vùng tây bắc Syria, giết chết bản thân và các thành viên trong gia đình, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em, các quan chức Mỹ cho biết.
Theo trang tin Conversation, đây không phải là lần đầu tiên lực lượng Mỹ nhắm vào kẻ đứng đầu các tổ chức khủng bố, cũng không phải là lần đầu tiên họ thành công. Vụ việc xảy ra chỉ 2 năm sau khi al-Qurashi kế nhiệm cố thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi, người cũng bị tiêu diệt trong một cuộc đột kích của Mỹ tại Syria.
Al-Qurayshi là ai?
Abu Ibrahim al-Hashimi al-Qurayshi là bí danh của Amir Muhammad Sa'id Abdal-Rahman al-Mawla, người đã trở thành thủ lĩnh IS vào năm 2019 sau khi người tiền nhiệm Abu Bakr al-Baghdadi thiệt mạng trong một cuộc đột kích của Mỹ ở Syria.
Al-Qurayshi sinh năm 1976 tại Mosul, miền bắc Iraq. Có rất ít thông tin về al-Qurayshi cho đến tháng 9/2020, thời điểm có tin cho rằng y từng bị lực lượng Mỹ bắt giữ và thẩm vấn ở Iraq vào đầu năm 2008.
Các báo cáo thẩm vấn chiến thuật được phân loại từ thời kỳ đó mô tả al-Qurayshi là một học giả mới tốt nghiệp và có những sự thăng tiến vượt bậc trong hàng ngũ IS. Al-Qurayshi khai rằng, y tham gia IS vào năm 2007 sau khi hoàn thành bằng thạc sĩ về nghiên cứu Quranic tại Đại học Mosul, Iraq.
Ngay sau khi gia nhập tổ chức cực đoan này, al-Qurayshi trở thành cố vấn luật Shariah của nhóm, một nhân vật tôn giáo có địa vị quan trọng, ở Mosul và sau đó là phó "wali" hay "thủ lĩnh trong bóng tối" của thành phố trước khi bị bắt vào đầu năm 2008.
Cũng theo các báo cáo thẩm vấn, trong thời gian bị Mỹ giam giữ, al-Qurayshi tỏ ra hợp tác trong các cuộc thẩm vấn và thậm chí còn cung cấp tên của ít nhất 20 thành viên nhóm IS ở Iraq vào thời điểm đó. Sự phản bội này xảy ra vào thời điểm các thành viên trong nhóm đang bị quân đội Mỹ và liên quân giết hoặc bắt giữ với số lượng lớn.
Không có nhiều thông tin về các hoạt động của al-Qurayshi trong thập niên tiếp theo sau khi y được trả tự do. Nhưng y được cho là đã thúc đẩy việc bắt cóc, tàn sát và buôn bán người thiểu số thuộc tôn giáo Yazidi ở tây bắc Iraq, đồng thời chỉ huy một số hoạt động khủng bố trên toàn cầu của tổ chức này khi từng là cấp phó của al-Baghdadi ít nhất kể từ năm 2018.
Việc y trở thành thủ lĩnh IS đã gây tranh cãi trong giới thánh chiến nhất là sau khi có thông tin al-Qurayshi đã bán đứng các thông tin của nhóm cho Mỹ trong thời kỳ bị bắt giữ.
Vì vậy, al-Qurayshi hầu như chỉ hoạt động ẩn dật. Điều này giúp y tránh được cuộc săn lùng do Mỹ dẫn đầu nhưng cản trở khả năng mở rộng mạng lưới và danh tiếng toàn cầu.
IS sẽ ra sao?
Cái chết của al-Qurayshi trong cuộc đột kích do đặc nhiệm Mỹ thực hiện ở Syria hôm 2/2 đã giáng một đòn mạnh mẽ vào nhóm khủng bố cũng như đánh dấu chiến thắng cho những nỗ lực chống khủng bố của Mỹ.
Vụ việc xảy đến vào thời điểm bấp bênh đối với IS khi phải đối mặt sức ép liên tục từ lực lượng Mỹ và đồng minh. Trong khi đó, quá trình chuyển đổi của tổ chức từ một phong trào tập trung vào Iraq thành một cuộc nổi dậy toàn cầu với các chi nhánh rải rác khắp Trung Đông, châu Phi và châu Á vẫn còn tương đối mới mẻ.
Các cuộc tấn công gần đây của IS nhằm vào nhà tù Hasakah ở đông bắc Syria và các nơi khác trên khắp Iraq đã ám chỉ rằng nhóm này đang có nhiều tiến triển hơn trong việc xây dựng lại năng lực của mình trên khắp các vùng đất trung tâm truyền thống hơn.
Nhưng cái chết của al-Qurayshi làm dấy lên những lo ngại về việc ai sẽ kế nhiệm ông ta cũng như cho thấy rạn nứt trong hàng ngũ IS. Sau khi nắm quyền, al-Qurashi bị một số thành viên IS bất đồng chính kiến mô tả là "kẻ vô danh", trong khi những thành viên khác hoài nghi về tư cách lãnh đạo, đặc biệt là sau khi Mỹ công bố báo cáo thẩm vấn y vào tháng 9/2020.
Một số chuyên gia cho rằng, al-Qurashi bị thuộc cấp phản bội, dẫn đến Mỹ có thông tin để tổ chức cuộc đột kích.
Giờ đây, IS có khả năng chỉ định người kế nhiệm al-Qurashi dựa trên cân nhắc của hội đồng shura, ban lãnh đạo cấp cao của nhóm, như từng làm sau khi al-Baghdadi bị tiêu diệt. Người kế nhiệm al-Qurashi có thể được bổ nhiệm trong vài ngày hoặc vài tuần tới, được đặt bí danh để giấu danh tính.
Các thành viên IS và lãnh đạo các chi nhánh toàn cầu của nhóm này sẽ phải thề trung thành với thủ lĩnh mới nhưng nhân vật này có thể không xuất hiện trước công chúng trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm.
Chiến dịch của Mỹ còn nhiều tranh cãi
Việc tiêu diệt những kẻ cầm đầu các nhóm khủng bố là một phần quan trọng chiến dịch chống khủng bố được nhiều quốc gia sử dụng, trong đó có Mỹ. Tuy nhiên, các chuyên gia chống khủng bố chưa đồng thuận về mức độ hiệu quả của hoạt động này.
Một số người cho rằng, việc tiêu diệt một thủ lĩnh khủng bố sẽ làm hạn chế năng lực hoạt động và làm rối loạn nhóm này, khiến chúng khó thực hiện các cuộc tấn công hơn và thậm chí có thể dẫn đến sụp đổ tổ chức. Một số nghiên cứu cho thấy trong các tình huống thích hợp, việc tiêu diệt thủ lĩnh của một nhóm vũ trang khiến các thành viên ít tấn công bạo lực hơn và tăng cơ hội đánh bại nhóm nổi dậy.
Tuy nhiên, các chuyên gia chống khủng bố khác nhấn mạnh việc hạ sát thủ lĩnh có thể khiến những thành viên khác được phân quyền nhiều hơn và gia tăng hành vi bạo lực bừa bãi. Chiến thuật này thường được coi là kém hiệu quả hơn với các nhóm có cấu trúc lãnh đạo và thực hiện kế nhiệm tốt như IS hay al-Qaeda.
Trên thực tế, IS vẫn sống sót sau khi nhiều lãnh đạo bị tiêu diệt nhờ việc bổ nhiệm người kế nhiệm và vẫn được nhiều địa phương ủng hộ mạnh mẽ. Trong ngắn hạn, cái chết của al-Qurashi có thể khiến IS tạm lắng nhưng sẽ không sớm sụp đổ. Nhóm này có thể kích hoạt các cuộc tấn công trả đũa nhằm gửi một tín hiệu về sự quyết tâm giữa các thành viên và để duy trì sự phù hợp trong bối cảnh thánh chiến toàn cầu.
IS và mối đe dọa toàn cầu
Trở lại đầu năm 2019, Mỹ và các lực lượng đồng minh đã đẩy lùi IS thành công so với thời đỉnh cao của lực lượng này vào năm 2014-2016, khi nhóm kiểm soát các khu vực rộng lớn của Iraq và Syria.
IS gần đây chuyển chú ý sang các chi nhánh nổi tiếng khác ở vùng cận Sahara của châu Phi và Afghanistan. Sự thay đổi này làm nổi bật cách IS duy trì liên kết: nếu nhóm bị suy yếu ở các thành trì tại Iraq và Syria, các chi nhánh ở nơi khác như châu Phi và châu Á có thể duy trì tham vọng về một nhà nước caliphate toàn cầu của nhóm.
Các vụ tấn công gần đây ở Syria và Iraq cho thấy chiến lược hồi sinh của IS tiến xa hơn nhiều so dự đoán của nhiều nhà quan sát. Tại những nơi khác, IS tham gia các cuộc tấn công chống chính quyền địa phương và các nhóm đối thủ. Điều này bao gồm các mối đe dọa dai dẳng từ IS Tây Phi ở khu vực Hồ Chad và IS Trung Phi ở Congo và Mozambique.
Thật vậy, châu Phi đã sẵn sàng trở thành một chiến trường quan trọng của IS trong tương lai. Trong khi đó tại Afghanistan, nhánh ISIS-K theo đuổi chiến lược tương đối thành công sau nhiều năm thất bại dưới tay liên minh do Mỹ dẫn đầu. ISIS-K thách thức chính quyền mới của Taliban và tranh giành quyền kiểm soát các tỉnh ở đông bắc.
Cái chết của al-Qurashi không có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động của các chi nhánh IS, nhiều nhánh trong số này sử dụng chiến lược dựa vào nguồn lực địa phương và liên minh với các nhóm khác.
Mặc dù cuộc tấn công mới nhất của Mỹ có thể khiến IS tạm thời không mở rộng hoạt động nhưng lịch sử cho thấy nhóm này sẽ có thể thúc đẩy các cuộc tấn công trong khu vực và thiết lập lại sự hỗ trợ của các nhánh trên khắp thế giới.