Thử bom hạt nhân mạnh nhất từ trước tới nay, ông Kim Jong-un muốn gì?
(Dân trí) - Sau khi Triều Tiên tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch cho tên lửa đạn đạo liên lục địa, việc “đoán ý” của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng được quan tâm không kém những phân tích yếu tố kỹ thuật.
Vụ thử hạt nhân cuối tuần trước của Triều Tiên đã phần nào cho thấy bước tiến đáng kể trong chương trình phát triển hạt nhân của quốc gia này. Tuy nhiên, 6 năm kể từ khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền, đến nay một trong những điều thách thức nhất với các chuyên gia phân tích về Triều Tiên đó là “giải mã” động cơ thực sự của nhà lãnh đạo này.
Giới tình báo Mỹ từng đột nhập vào hệ thống của cơ quan tình báo Triều Tiên. Tuy nhiên, những thứ họ tìm được phần lớn là thông tin về vận hành hơn là ý đồ của Bình Nhưỡng.
Trong khi đó, trong những tuyên bố chính thức của mình, Triều Tiên luôn nói rằng họ muốn được công nhận như một thành viên đầy đủ của cộng đồng quốc tế, được phát triển kinh tế cùng chương trình hạt nhân. Ngoài ra mục đích lâu dài của họ là thống nhất hai miền.
Tuy nhiên, những tuyên bố đó cũng không thể giải thích được tham vọng hạt nhân thậm chí lớn hơn cả lớp cha ông của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Từ lâu đã có luồng ý kiến cho rằng, tham vọng phát triển hạt nhân của Triều Tiên gắn liền với mong muốn bảo vệ chế độ trong bối cảnh bị cô lập. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều người trong chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump tỏ ra hoài nghi về quan điểm đó.
Họ cho rằng, mục đích thực sự của ông Kim Jong-un có thể là để đe dọa Mỹ với việc sớm đưa Mỹ vào tầm ngắm của tên lửa Triều Tiên.
“Ông ấy (Kim Jong-un) muốn chứng tỏ khả năng của mình trong việc đặt một thành phố của Mỹ vào tầm tấn công hạt nhân. Đó là động cơ thôi thúc ông ấy. Và có lẽ ông ấy gần đạt được mục đích đó”, Michael Morell, cựu phó giám đốc CIA, nhận định với hãng tin CBS.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un quan sát vụ thử tên lửa bắn qua Nhật Bản hôm 29/8. (Ảnh: KCNA)
Một giả thuyết khác được đưa ra đó là Bình Nhưỡng muốn chia cắt giữa Mỹ với các đồng minh như Hàn Quốc, Nhật Bản - những nước luôn tự hỏi liệu Mỹ có thực sự bảo vệ họ, hay liệu Tổng thống Trump có thực sự ngừng xoay trục sang châu Á hay không.
“Nếu Mỹ phải lựa chọn giữa San Francisco và Seoul, họ sẽ chọn San Francisco”, Andrei Lankov, chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Kookmin, nhận định. Với nhận định đó, ông Lankov cho rằng, Triều Tiên có thể khuấy động một cuộc xung đột ở Hàn Quốc, sau đó họ có thể đưa ra tối hậu thư với Mỹ rằng: “Nếu người Mỹ can dự, họ sẽ phải lãnh một cuộc tấn công trả đũa của Triều Tiên”.
Nhưng cũng có thể, ông Kim Jong-un muốn dùng sức mạnh hạt nhân để giúp Triều Tiên có vị thế đàm phán ngang bằng nguyên thủ của Mỹ hay Trung Quốc. Một số chuyên gia phân tích cho rằng, điều mà Triều Tiên mong muốn nhất đó là được công nhận và được tôn trọng.
Hoặc tất cả các giả thuyết này đều đúng.
Thomas Wright, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Lowy (Sydney), cho rằng có vẻ như những tính toán của ông Kim Jong-un là rất lâu dài. "Ông ấy tin rằng các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa sẽ làm thay đổi cán cân sức mạnh trong khu vực và buộc Mỹ rút khỏi Hàn Quốc”, ông Wright nói.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn hãng tin Sputnik, Phó giáo sư Howard Stoffer thuộc trường Đại học New Haven, nhận định: “Tôi cho rằng ông Kim Jong-un đã đoán biết được cách phản ứng của thế giới. Ông ta là một người lí trí và biết điều gì có thể làm trong những giới hạn nhất định và có thể đẩy mọi việc đi xa đến đâu”.
Minh Phương
Theo NYTimes, Sputnik