1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thỏa thuận đình chiến Geneve: Khoảng lặng trước tâm bão ở Syria

Mỹ đã đạt được Thỏa thuận đình chiến ở Geneve nhưng rất có thể nó sẽ trở thành phiên bản mới của Minsk 1, tất yếu sẽ dẫn tới Minsk 2.

Nga-Mỹ đạt thỏa thuận đình chiến ở Syria

Ngày 21-2, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thông báo đã đạt được thỏa thuận với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov về chấm dứt chiến sự ở Syria. Tuy nhiên, ông cũng cho biết rằng, hai bên mới chỉ đạt được những thỏa thuận sơ bộ, trên những vấn đề có tính chất nguyên tắc.

"… Chúng tôi đã đạt thỏa thuận sơ bộ về những điều kiện căn bản cho lệnh ngừng bắn ở Syria, có thể bắt đầu hiệu lực ngay trong vài ngày tới" - Ngoại trưởng Kerry cho biết khi phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Jordan.

Ông John Kerry cho biết thêm, thực ra hai bên vẫn còn những câu hỏi chưa tìm được đáp số chung và bày tỏ hy vọng rằng, các vị Tổng thống Nga và Hoa Kỳ sẽ tiến hành đàm phán trong thời gian ngắn tới để đạt được thỏa thuận toàn thể cho Hiệp định sơ bộ.

Một ngày trước đó, nguồn tin từ phái đoàn của lực lượng đối lập Syria đang tham gia cuộc đàm phán hòa bình ở Geneve cũng cho biết rằng, đại diện 2 phái đoàn Nga và Hoa Kỳ đã đạt được thỏa thuận chấm dứt bạo lực ở Syria và đang trình các văn bản lên cấp cao hơn phê duyệt.

Theo nguồn tin, tài liệu "sẽ có hiệu lực trong vòng một tuần sau khi được thông qua" này quy định rằng, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS và nhóm khủng bố Dzhebhat en-Nusra (al-Nisra Front - tức Mặt trận al-Nusra - chi nhánh al-Qaeda ở Syria) đã bị loại trừ khỏi phạm vi thỏa thuận.

Thỏa thuận ngừng bắn ở Syria đã được Nga và Mỹ nhất trí thông qua nhưng điều đó không đồng nghĩa với hòa bình
Thỏa thuận ngừng bắn ở Syria đã được Nga và Mỹ nhất trí thông qua nhưng điều đó không đồng nghĩa với hòa bình

Vớ thông báo này, tiếng súng vẫn không tắt hẳn ở Syria bởi kể cả khi thỏa thuận có hiệu lực, Nga và Syria vẫn có quyền tấn công các khu vực kiểm soát của tổ chức khủng bố IS và al-Nusra, cùng các nhóm phiến quân liên kết hay tuyên thệ trung thành với chúng.

Cũng giống như ở Ukraine, vận mệnh của đất nước Syria lại tiếp tục do các cường quốc quyết định, có khác chăng là các thỏa thuận Minsk được ký kết sau những đàm phán trong khuôn khổ “Bộ tứ Normandy”, giữa Nga và Liên minh châu Âu, còn thỏa thuận Geneve là Moscow và Washington.

Rất nhiều ý kiến chuyên gia đã cho rằng, thỏa thuận Geneve cũng có kết cục giống thỏa thuận Minsk 1, chỉ là khoảng lặng trước tâm bão, là chặng nghỉ để các bên “xốc lại lực lượng cho trận đánh mới” và tất yếu sẽ dẫn tới Geneve 2, tương tự như cũng đã từng có Minsk 2.

Sở dĩ các chuyên gia phân tích đưa ra nhận định như vậy bởi những nguyên nhân cơ bản sau đây:

Bối cảnh Geneve và Minsk tương tự như nhau

Tháng 9-2014, chính quyền Kiev và phe ly khai Donbass tiến hành đàm phán ở thủ đô của Belarus và đạt được thỏa thuận Minsk 1 diễn ra trong bối cảnh quân đội Ukraine liên tiếp nhận thất bại nặng nề trên chiến trường, đặc biệt là sau các trận đánh ở sân bay Donetsk và “nồi hơi” Ilovaisk.


Thỏa thuận Geneve đứng trước nguy cơ tan vỡ giống như “Minsk 1”

Thỏa thuận Geneve đứng trước nguy cơ tan vỡ giống như “Minsk 1”

Trận Ilovaisk được gọi là “Nồi hầm 1” bởi quân đội Ukraine bị các lực lượng vũ trang của Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng (DPR) vây chặt, thảm bại tại địa danh này và được lực lượng ly khai Donetsk cho phép thoát ra ngoài bằng “hành lang an toàn” do họ lập ra.

Đó chính là trận đánh quyết định dẫn tới việc Thỏa thuận Minsk 1 được ký kết vào ngày 14-9-2014, cũng giống như trận Debaltseve (được mệnh danh là “Nồi hầm 2”), dẫn tới việc ký Thỏa thuận Minsk 2 ngày 12-2-2015.

Tình hình Syria hiện nay cũng tương tự như miền đông Ukraine tháng 8 - 2014, chỉ khác nhau ở địa vị người chiến thắng và người thất bại.

Nếu như ở Ukraine thì quân chính phủ bị vây hãm thì ở Syria, các nhóm khủng bố và phiến quân đang bị lực lượng ủng hộ chính quyền Assad như quân đội, lực lượng người Kurd và dân quân dòng Shia, lực lượng Hezbollah vây chặt ở Aleppo và Raqqa.

Nếu như ở Ukraine, quân chính phủ còn có “hành lang an toàn” thì ở Syria khủng bố và phiến quân không còn đường thoát, bởi Thổ Nhĩ Kỳ không có gan để chúng chạy sang làm lộ bộ mặt đen tối của Ankara. Còn chạy sang Iraq thì Mỹ giấu mặt ở đâu?

Các nhóm phiến quân được phương Tây và các nước Ả Rập dòng Sunni hậu thuẫn chỉ được chon một trong hai phương án: Hoặc là hòa, hoặc là chết. Do đó đương nhiên là Mỹ phải ký ngay thỏa thuận ngừng bắn ở Geneve để cứu “con nuôi”, sau đó tìm kế sách khác.

Bởi vậy, thỏa thuận Geneva chỉ là bước hòa hoãn tạm thời của Mỹ và đồng minh và không sớm thì muộn nó cũng sẽ bị phá vỡ như Thỏa thuận Minsk 1.

Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia không để yên cho Syria

Hiện nay, quân đội Syria đang giành lợi thế áp đảo trên chiến trường và có cơ hội tái chiếm cả Aleppo và Raqqa, giải phóng hoàn toàn đất nước, Syria sẽ cơ bản trở về hiện trạng trước khi nội chiến nổ ra năm 2011, chính quyền Assad sẽ ngày càng vững chắc.

Trong khi đó, người Kurd sẽ có công lao rất lớn trong cuộc chiến chống IS và phiến quân đối lập, nâng cao vị thế trước cộng đồng quốc tế, đồng thời củng cố vững chắc 3 khu tự trị ở Afrin, Kobani (thuộc tỉnh phía bắc Aleppo) và Cezero ở tỉnh đông bắc al-Hasakah.

Nếu IS bị quét sạch, người Kurd sẽ có công lao rất lớn.

Mỹ và đồng minh Ả Rập sẽ không bao giờ để Nga và chính quyền Alawite của Assad giành thắng lợi một cách dễ dàng như thế. Còn Ankara cũng không thể chịu nổi khi người Kurd Syria có được vị thế lớn, thành lập khu tự trị giáp biên giới phía nam của mình và bắt tay với người Kurd Thổ Nhĩ Kỳ (PKK).

Do đó, Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia đưa ra tuyên bố về việc sẽ tung bộ binh vào Syria “chống khủng bố”. Chính quyền Ankara thậm chí còn phát ngôn rằng, họ có quyền đưa quân vào Syria chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS, nhưng thực chất là đánh người Kurd và quân đội Syria.

Tuy nhiên, hiện IS đang bị quân đội Syria và lực lượng ủng hộ bao vây chặt ở Raqqa, còn Thổ Nhĩ Kỳ muốn đưa quân đánh người Kurd ở Aleppo nhưng ở đó không có IS mà chỉ có al-Nusra và Quân đội Syria tự do (FSA) cùng một số nhóm phiến quân khác.

Do đó, đổ quân vào Syria vào thời điểm hiện nay là rất bất lợi, ngay cả Mỹ cũng không cho phép chính quyền Erdogan được làm càn. Do đó, một thỏa thuận ngừng bắn hiện nay là cơ hội lớn nhất để Mỹ và đồng minh có thời gian vạch kế hoạch can thiệp vào Syria.

Dự kiến trong khoảng lặng của Thỏa thuận đình chiến, Mỹ và đồng minh sẽ “tái cơ cấu” phiến quân và IS ở 2 tỉnh Aleppo và Raqqa, tạo cớ cho Thổ Nhĩ Kỳ xâm nhập và đánh người Kurd ở Aleppo, còn Saudi Arabia có thể xâm nhập vào tỉnh al-Hasakah và Raqqa.

Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ quyết tâm can thiệp quân sự vào Syria.

Ngoài ra, Mỹ và các nước Ả Rập dòng Sunni sẽ tăng cường cung cấp tài chính, trang bị, vũ khí cho các nhóm phiến quân để tiếp tục chiến đấu giành lại thế chủ động trên chiến trường, trước quân đội trung thành với Tổng thống Assad.

Mỹ rút máy bay ném bom rải thảm khỏi Syria và Iraq

Vừa qua, trang tin Military.com dẫn lời Tư lệnh Bộ Chỉ huy Các lực lượng không quân Mỹ, trung tướng Charles Brown cho biết, Hoa Kỳ sẽ rút các máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer khỏi các phi vụ không kích ở Iraq và Syria trong thời hạn “không xác định”.

Máy bay ném bom B-1B với tốc độ siêu âm (khoảng 1.448 km/h) và khả năng mang theo tới 57 tấn vũ khí các loại được đặc biệt đánh giá cao trong thời gian thực hiện nhiệm vụ ném bom tại Syria và Iraq, do khả năng mang tải đạn lớn trên quãng đường dài.

Viên tướng Mỹ cho biết, không quân nước này sẽ mất đi một phần tính cơ động, vì không có loại máy bay nào có khả năng mang nhiều đạn dược như B-1B, tuy nhiên họ đã có kế hoạch dùng máy bay khác thay thế nó trên chiến trường Syria và Iraq.

Không quân Mỹ không giải thích lí do tại sao loại máy bay ném bom hiệu quả nhất này ngừng tham gia chiến dịch không kích chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS, nhưng có chuyên gia cho rằng, đó là sự thay đổi trong phương thức tác chiến của Mỹ.

Việc điều chuyển loại máy bay có khả năng ném bom rải thảm này cho thấy, các vụ không kích lớn, trên diện rộng sẽ chấm dứt, nhường chỗ cho các loại máy bay ném bom có khả năng hỗ trợ tấn công mặt đất cho bộ binh, trên bình diện hẹp, lực lượng đan xen.

Hiện nay, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS và Dzhebhat en-Nusra (tức Mặt trận al-Nusra, chi nhánh al-Qaeda ở Syria) bị loại khỏi danh sách các tổ chức “đối lập ôn hòa”, nên cả Nga và Mỹ vẫn có thể tiếp tục không kích chúng sau khi thỏa thuận có hiệu lực.

Chiến dịch không kích sẽ càng thuận lợi do tất cả các nhóm phiến quân khác sẽ án binh bất động, Mỹ và Nga có thể tập trung không kích lớn khi địa bàn của al-Nusra chủ yếu ở Aleppo và IS tập trung binh lực lớn ở Raqqa, tạo điều kiện để quân đội Syria và lực lượng người Kurd tập trung đánh tan khủng bố.

Thế nhưng, Mỹ lại rút loại máy bay ném bom khủng khiếp nhất của mình khỏi chiến trường. Đây là dấu hiệu cho thấy, nếu chiến sự xảy ra, Mỹ sẽ “có đồng minh chiến đấu dưới mặt đất”, do đó cần có những loại máy bay ném bom hạn chế và điều khiển chính xác.

Điều đó cũng cho thấy, sẽ có khả năng can thiệp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia vào Syria là khá cao hoặc Mỹ không muốn diệt nốt IS và al-Nusra để chúng củng cố lực lượng đối phó với quân đội Syria. Như vậy, thỏa thuận Geneve có thể sẽ nhanh chóng bị phá vỡ.

Nga tăng cường máy bay trinh sát, nắm động thái chiến trường

Một nguyên nhân khác là Nga đã tăng cường thêm một máy bay trinh sát, tác chiến điện tử Tu-214R đến Syria. Tại sao trước thềm ngừng bắn Nga lại tăng cường khả năng trinh sát chiến trường?

Chiếc máy bay này được tăng cường rất khẩn cấp nên đã bay thẳng từ nhà máy Kazan sang Syria. Điều này cho thấy, ngay từ khi xác định thỏa thuận ngừng bắn Geneve sẽ được ký kết, Nga đã tăng cường công tác trinh sát, nắm bắt các động thái của khủng bố và phiến quân trên chiến trường.

Trước đó Nga cũng đã điều sang Syria loại máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không Beriev A-50 (NATO: Mainstay) và máy bay trinh sát điện tử tầm xa Il-20M nhằm cảnh báo sớm đường không và chỉ huy-điều phối các hoạt động của máy bay chiến đấu; tình báo điện tử, giám sát mặt đất từ trên không…

Sự tăng cường thêm máy bay trinh sát và tác chiến điện tử thế hệ mới của Nga sẽ giúp khả năng trinh sát, giám sát chiến trường Syria trở nên toàn diện hơn, hỗ trợ đắc lực cho quân đội Syria trong việc nắm được bức tranh toàn cảnh về chiến trường và ra những quyết định tác chiến chính xác.

Theo quan điểm của chuyên viên quân sự Nga Dmitry Litovkin, sự xuất hiện của những máy bay tiên tiến này tại Syria gắn với bối cảnh thỏa thuận ngừng bắn có thể được thiết lập “tạm thời” và các nhóm khủng bố bắt đầu bố trí lại các căn cứ và điều chuyển binh lực.

Ông Litovkin nhận xét, một khi công bố lệnh ngừng bắn, chắc hẳn cũng sẽ bắt đầu có sự dịch chuyển lớn của các nhóm khủng bố và các hoạt động bổ sung thêm vũ khí, đạn dược và trang thiết bị quân sự xuyên biên giới của một số quốc gia nước ngoài cho chúng.

Vị chuyên gia này khẳng định, trên thực tế, lệnh ngừng bắn là những gì mà các nhóm khủng bố và phiến quân Syria nhắm tới, vì chúng cần những khoảng nghỉ để xốc lại lực lượng, bổ sung vũ khí, trang bị. Do đó, Nga cần phát hiện và ngăn chặn kịp thời những hành động kiểu này.

Với những dấu hiệu như trên, rất có thể ở Syria sẽ tái hiện hình ảnh tan vỡ rồi tái ký của các thỏa thuận ngừng bắn Ukraine, do Mỹ và đồng minh sẽ không từ bỏ ý định lật đổ Tổng thống Assad. Ngừng bắn không có nghĩa là Hòa bình sẽ đến dễ dàng với người dân Syria.

Theo Thiên Nam

Đất Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm