1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Thổ Nhĩ Kỳ "ngày càng cô đơn"

Hết thời hạn 48 tiếng đồng hồ theo tối hậu thư được đưa ra trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn không chịu rút quân về nước. Vì vậy, ngày 11-12, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã buộc phải viện đến sự hỗ trợ của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) với hy vọng Ankara sẽ phải “nể” mà nghe theo.

Trong bài phát biểu trên truyền hình tối 11-12, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi cho biết ông đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ phải rút quân ngay lập tức khỏi vùng lãnh thổ phía Bắc nước này và nhấn mạnh, chính quyền Baghdad không cần sự hỗ trợ của bộ binh nước ngoài trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

 
Thổ Nhĩ Kỳ "ngày càng cô đơn" - 1

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan (phải) bắt tay Masoud Barzani, thủ lĩnh của chính phủ người Kurd tại phía Bắc Iraq trong cuộc gặp hôm 9-12. (Ảnh: Xinhua)

Ông Haider al-Abadi nói: “Chúng tôi đã cho quốc gia láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ khoảng thời gian nhất định để họ rút quân. Thời hạn này đã hết nhưng chúng tôi vẫn bỏ ngỏ cánh cửa đối thoại, nói chuyện một cách hòa bình và xây dựng”. Cũng theo lời của Thủ tướng Iraq thì trưa 11-12, ông đã đề nghị Bộ Ngoại giao soạn thảo một công văn gửi lên LHQ để nói về vấn đề Thổ  Nhĩ Kỳ đưa quân trái phép vào gần thành phố Mosul của nước này. Trong thư, ông Haider al-Abadi đã yêu cầu các quốc gia thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ phải có hành động tức thì và gây sức ép buộc Ankara rút quân bởi đây là hành động đi trái với các nguyên tắc quốc tế, Hiến chương LHQ và vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Iraq.

Đại sứ Iraq tại LHQ Mohamed Al Alhakim đã thay mặt chính phủ Iraq trình công văn này lên Đại sứ Mỹ tại LHQ Samantha Power, người đang giữ vị trí Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an LHQ trong tháng 12 này. Đại sứ Mohamed Al Alhakim còn nhấn mạnh, sự hỗ trợ Iraq trong việc đào tạo binh lính, sử dụng công nghệ và vũ khí hiện đại trong cuộc chiến với IS phải được đặt trên những thỏa thuận song phương và đa phương, cũng như việc tôn trọng đầy đủ chủ quyền quốc gia và hiến pháp của Iraq và phải phối hợp với lực lượng vũ trang của nước này.

Một quan chức cấp cao trong Hội đồng Bảo an LHQ cho biết, nhiều khả năng các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an sẽ xem xét công văn này trong cuộc họp vào tuần tới bởi cuộc họp vừa qua đã rất căng thẳng trước những tranh cãi giữa Nga -Mỹ về vấn đề Ukraine nên không thể đưa ra thêm một vấn đề nào nữa.

Đáp lại những yêu cầu từ phía Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn khăng khăng không rút quân. Hôm 11-12, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nói, việc rút binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ khỏi Iraq vào lúc này là “không thể được” và rằng nhóm binh sĩ đến Iraq không vì mục đích chiến đấu… Chưa hết, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlud Cavusoglu thì cho biết, chính Thủ tướng Iraq đã “năm lần bảy lượt” khẩn thiết yêu cầu Ankara “trợ giúp hiệu quả hơn” để chống IS.

Ông Mevlud Cavusoglu cho rằng, việc chính quyền Baghdad thay đổi quan điểm với Thổ Nhĩ Kỳ là bởi “có thế lực khác trong khu vực kích động”. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ còn biện minh rằng, giờ đây không chỉ có chính phủ Iraq mà nhiều nhóm, tổ chức khác ở Iraq cũng cầu cứu tới Ankara trong cuộc chiến chống IS nên Thổ Nhĩ Kỳ chỉ thảo luận với những nhóm này chứ không nói chuyện với Baghdad. Nguồn tin từ hãng Reuters cho hay, vào ngày 21-12 tới, đại diện Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có cuộc gặp với đại diện Mỹ và đại diện đội quân người Kurd ở Iraq.

Theo nhận định của giới phân tích, sau vấn đề với Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đang tiếp tục dùng lá bài Iraq để thể hiện vai trò của mình tại khu vực Trung Đông. Nhà báo Dexter Filkins từng đoạt giải Pulitzer ở Mỹ cho rằng, việc điều động quân đội với trang thiết bị hạng nặng tới gần thành phố Mosul của Iraq là một trong những toan tính “tranh quyền đoạt lợi” của Tổng thống Tayyip Erdogan.

Còn theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tigris ở Thổ Nhĩ Kỳ, ông Mehmet Kaya, động thái nói trên của Ankara nhằm ngăn ngừa người Kurd ở Iraq đi theo đảng PKK, một lực lượng chính trị đòi độc lập cho người Kurd ở khu vực biên giới và bị Ankara liệt vào danh sách khủng bố.

Đây còn là một nỗ lực nhằm khoét sâu mâu thuẫn, khoảng cách giữa cộng đồng người Kurd tự trị ở Iraq với chính quyền trung ương nước này. Tuy  nhiên, như bình luận viên của nhật báo Hurriyet, ông Burak Bedkdil, chính sách đối ngoại này của Tổng thống Tayyip Erdogan chỉ khiến Thổ Nhĩ Kỳ “ngày càng cô đơn”.

Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang triển khai 1.200 lính bộ binh, 500 lính bộ binh cơ giới với nhiều xe tăng, xe bọc thép và pháo ở khu vực Bamarni, gần thành phố Mosul của Iraq. Đó là chưa kể con số 400 lính đặc nhiệm đóng quân tại thị trấn biên giới Kanimasi cùng 25 xe tăng. Từ năm 2014, Thổ Nhĩ Kỳ đã mở trại huấn luyện Bashiqa ở ngoại ô Mosul cho đội quân người Kurd, đồng thời mở thêm hai căn cứ nữa ở Soran và Qalacholan thuộc khu tự trị người Kurd ở miền Bắc Iraq.

Theo Gia Nam

Công an nhân dân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm