1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thổ Nhĩ Kỳ nã pháo đáp trả Syria

(Dân trí) - Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua 3/10 đã nã pháo đáp trả vào các mục tiêu ở Syria sau khi đạn pháo từ bên kia biên giới giết chết 5 người Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có 1 phụ nữ và 3 trẻ em.

 
Vụ nã pháo từ Syria đã gây hoảng loạn và giận dữ tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Vụ nã pháo từ Syria đã gây hoảng loạn và giận dữ tại Thổ Nhĩ Kỳ.

 

Vụ nã pháo từ Syria vào Thổ Nhĩ Kỳ có vẻ như là do quân chính phủ Syria thực hiện, khi giao tranh với các phần tử nổi dậy. Đạn pháo đã rơi trúng thị trấn biên giới Akcakale của Thổ Nhĩ Kỳ.

 

Đây là lần đầu tiên Thổ Nhĩ Kỳ đáp trả đạn pháo được bắn từ bên biên giới Syria trong suốt 18 tháng xung đột tại đây.

 

Thổ Nhĩ Kỳ cũng yêu cầu Hội đồng bảo an Liên hợp quốc có “hành động cần thiết” để ngăn chặn “sự hiếu chiến” của Syria. Yêu cầu được đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Liên hợp quốc Ertugrul Apakan đưa ra trong lá thư gửi chủ tịch đương nhiệm của Hội đồng 15 thành viên, đại sứ Guatemala Gert Rosenthal.

 

Trong khi đó, đại diện của NATO đã triệu tập một cuộc họp khẩn ở Brussels theo yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên của liên minh quân sự này.

 

NATO sau đó ra tuyên bố cho biết khối này “tiếp tục sát cánh cùng Thổ Nhĩ Kỳ và yêu cầu ngừng ngay những hành động hiếu chiến như vậy đối với một đồng minh của nhóm, và kêu gọi chính quyền Syria chấm dứt vi phạm trắng trợn luật quốc tế”.

 

Các đại sứ NATO cũng đánh giá cao sự kiềm chế của Thổ Nhĩ Kỳ đối với vụ việc.

 

Trong khi đó, chính phủ ở Ankara dự kiến hôm nay sẽ yêu cầu quốc hội phê chuẩn hoạt động quân sự xuyên biên giới ở Syria, báo chí Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin.

 

Trước đây, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến vào miền bắc Iraq để truy tìm chiến binh người Kurd đóng tại đó.

 

“Vụ tấn công bất thường”

 

Biên giới Thổ Nhĩ Kỳ đã từng bị nã đạn từ bên kia biên giới Syria nhiều lần trong suốt cuộc nổi dậy chống chính quyền Tổng thống Assad, song vụ việc hôm thứ tư là nghiêm trọng nhất.

 

Văn phòng Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip ra tuyên bố cho biết: “Lực lượng vũ trang của chúng tôi ở biên giới đã phản ứng ngay đối với vụ tấn công bất thường này”.

 

“Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không bao giờ để những vụ khiêu khích như thế này của chính quyền Syria chống lại an ninh quốc gia của chúng tôi mà không có lời đáp trả”, tuyên bố cho biết.

 

Trong khi đó, Syria cho biết đang tìm hiểu nguồn gốc vụ nã pháo nhằm vào Akcakale. Bộ trưởng Thông tin Syria Omran Zoabi cho biết, “Syria gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình các nạn nhân, tới bạn bè của chúng tôi, những người dân Thổ Nhĩ Kỳ”.

 

Sẽ có giao tranh giữa Thổ Nhĩ Kỳ-Syria?

 

Vụ việc đẩy căng thẳng vốn đã âm ỉ giữa hai nước lên một mức mới. Đây là lần đầu tiên công dân Thổ Nhĩ Kỳ bị giết hại do đạn pháo từ bên kia biên giới Syria. Và đây là lần đầu tiên Thổ Nhĩ Kỳ đáp trả, bằng cách nã pháo vào những mục tiêu có chọn lọc bên trong Syria.

 

Ankara rõ ràng là đang tìm kiếm sự ủng hộ của NATO và đã giành được sự ủng hộ bằng lời nói của họ. Tuy nhiên, vào thời điểm này, chắc chắn những ủng hộ bằng lời này không thể chuyển thành một cuộc can thiệp quân sự chung đối với cuộc khủng hoảng Syria hay hay sự ủng hộ cho các hành động thù địch song phương.

 

Cả hai nước đều có lòng tự tôn dân tộc mạnh mẽ. Syria đã không xin lỗi sau vụ lực lượng không quân nước này bắn hạ một máy bay chiến đấu Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 6, khiến 2 phi công thiệt mạng.

 

Giờ đây mọi sự phụ thuộc vào cách thức phản ứng của Damascus đối với vụ nã pháo đáp trả của Thổ Nhĩ Kỳ.

 

Nhiều giờ sau vụ đáp trả, vẫn chưa có thông tin nào từ phía Syria về quy mô cũng như thiệt hại và thương vong của vụ nã pháo.

 

Giới chuyên gia cho rằng nếu cả hai bên đều không muốn “giao đấu” thêm, thì vụ việc có thể sẽ trôi đi, và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nguôi giận, giống như những sự việc thỉnh thoảng vẫn xảy ra giữa biên giới Li-băng và Israel.

 

Nhưng vụ việc sẽ đầu độc thêm mối quan hệ vốn đã thù địch giữa hai nước, khoét sâu thêm hận thù và giới chuyên gia cho rằng sẽ có ngày hận thù này bùng phát.

 

Vũ Quý

Theo BBC