1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

LHQ cảnh báo hậu quả do căng thẳng biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ

(Dân trí) – Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cảnh báo tình trạng căng thẳng hiện nay ở biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng, đồng thời cho rằng quốc gia Li-băng cũng đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc xung đột 19 tháng qua ở Syria.

Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon tại Diễn đàn Dân chủ Thế giới ở thành phố Strasbourg của Pháp.

Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon tại Diễn đàn Dân chủ Thế giới ở thành phố Strasbourg của Pháp.

 

Phát biểu khai mạc Diễn đàn Dân chủ Thế giới diễn ra ở thành phố Strasbourg của Pháp, Tổng thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Ban Ki-moon cho rằng sự leo thang xung đột giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực biên giới chung và tác động của cuộc khủng hoảng Syria tới Li-băng là "cực kỳ nguy hiểm".

“Tình hình ở Syria đã leo thang tới mức cực kỳ nguy hiểm. Nó không chỉ đe dọa nghiêm trọng sự ổn định tại các nước láng giềng của Syria mà còn hòa bình và sự ổn định cho toàn khu vực”, ông nói.

Người đứng đầu LHQ cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc các thế lực bên ngoài tiếp tục cung cấp vũ khí cho các lực lượng ở Syria.

“Tôi thực sự quan ngại về số lượng vũ khí tiếp tục được tuồn vào Syria. Những nước cung cấp vũ khí cần phải chấm dứt ngay hành động này”, TTK kêu gọi. Ông cũng cho rằng “lối thoát duy nhất cho cuộc khủng hoảng” là các bên phải nhanh chóng tìm ra một “giải pháp chính trị”.                                                                                                                                                                                                                                   

“Mọi hành động quân sự chỉ càng làm phức tạp thêm tình hình. Tôi yêu cầu tất cả các bên liên quan từ bỏ sử dụng vũ lực và tiến tới một giải pháp chính trị. Chỉ như vậy mới có thể thoát khỏi tình hình hiện nay”, ông nói, đồng thời cho biết đặc phái viên quốc tế về Syria, ông Lakhdar Brahimi, sẽ quay lại khu vực trong tuần này.

Syria và Thổ Nhĩ Kỹ nã pháo ngày thứ 6 liên tiếp

TTK Ban Ki Mun đưa ra cảnh báo trên trong bối cảnh khu vực biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục chứng kiến các vụ nã pháo trả đũa lẫn nhau trong ngày thứ 6 liên tiếp khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn trả Syria sau khi một quả đạn pháo từ Syria bắn sang tỉnh biên giới Hatay vào lúc 3 giờ chiều (19h00 tối qua theo giờ Việt Nam).  

Khói bốc lên từ quả đạn pháo bắn từ Syria sang Thổ Nhĩ Kỳ vào chiều qua.
 

Khói bốc lên từ quả đạn pháo bắn từ Syria sang Thổ Nhĩ Kỳ vào chiều qua.


Trước đó một ngày, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã bắn trả một loạt đạn pháo sang lãnh thổ Syria để trả đũa vụ nã pháo vào thị trấn biên giới Akcakale trước đó.

Trong khi đó, tình hình tại biên giới chung giữa Syria và Lebannon cũng căng thẳng không kém với các vụ bắn phá liên tục từ phía Syria, kèm theo không ít hoạt động xâm nhập lãnh thổ trái phép và bắt cóc người tị nạn ở khu vực biên giới chung.

Tình hình căng thẳng ở biên giới Syria với hai nước láng giềng đang khiến nhiều người lo ngại về nguy cơ bùng phát xung đột, động thái có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh lan nhanh ra toàn khu vực Trung Đông, đặc biệt khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Gul cảnh báo Ankara sẽ làm mọi việc để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.

“Những viễn cảnh tồi tệ nhất đang diễn ra ở Syria. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đang tham vấn với quân đội về cách thức ứng phó với các vụ tấn công từ Syria. Những gì cần làm chúng tôi đã làm rồi và chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy”, Tổng thống Abdullah Gul khẳng định.

Ông cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế nhanh chóng đưa ra giải pháp cho tình hình tại Syria với nhận định sự sụp đổ của chính quyền Damascus là điều “không tránh khỏi”.

“Sớm muộn cũng sẽ có một sự thay đổi hay chuyển đổi ở Syria… Cộng đồng quốc tế cần phải hành động trước khi Syria có thể rơi vào một giai đoạn mới tồi tệ hơn”, Tổng thống Abdullah Gul nói với các phóng viên ở Ankara.

Hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai nhiều đơn vị quân đội và vũ khí tới dọc đường biên giới dài 900 km với nước láng giềng ở phía Nam.

Chiến sự tiếp diễn tại Syria

Trong khi đó, chiến sự tiếp diễn trên toàn lãnh thổ Syria trong ngày 8/10 làm ít nhất 61 người thiệt mạng.

Trong số này, khoảng 20 người chết trong cuộc tấn công lúc rạng sáng của quân đội Syria nhằm vào thị trấn Karak al-Sharqi thuộc tỉnh Daraa ở miền Nam. Đây là ngày thứ ba liên tiếp quân chính phủ tiến hành chiến dịch bố ráo tại thị trấn này nhưng vẫn chưa giành lại được quyền kiểm soát từ các tay súng nổi dậy.

Thị trấn Karak al-Sharqi hoang tàn sau các vụ đụng độ giữa quân chính phủ và phe nổi dậy.
 

Thị trấn Karak al-Sharqi hoang tàn sau các vụ đụng độ giữa quân chính phủ và phe nổi dậy.

 

Tại tỉnh Idlib ở Tây Bắc, các tay súng đã tấn công một chốt kiểm soát ninh ở làng Zaayniyeh làm 5 binh sĩ thiệt mạng và bắt đi 3 sĩ quan, trong đó có một người mang quân hàm chuẩn tướng.

Ngoài ra, các tay súng đối lập cũng chiếm giữ tuyến đường nối giữa vùng Jisr al-Shughur với làng Darkush ở biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.

Còn tại các thành phố Aleppo và Homs, bạo lực cũng đã diễn ra tại nhiều địa điểm làm hàng chục người thương vong. Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria có trụ sở tại Anh cho biết quân đội chính phủ đã sử dụng cả máy bay chiến đấu, xe tăng và đạn pháo trong cuộc tấn công tổng lực tại hai quận Qusayr và Old của thành phố Homs.

“Đã xảy ra các cuộc tấn công hạng nặng và đụng độ quyết liệt tại quận Qusayr nhưng các tay súng vẫn chống cự được với hỏa tiễn của quân chính phủ”, một thành viên của tổ chức trên cho biết.

Trong khi đó, ở thủ đô Damascus, quân đội đã tiến hành lục soát từng nhà ở khu vực ngoại vi phía Đông để truy tìm các phần tử chủ chiến.

“Cuối tuần vừa rồi đã xảy ra một vụ tấn công nhằm vào chốt an ninh ở vùng Barzeh làm một số binh sĩ thiệt mạng. Vì vậy các binh sĩ chính phủ mới tiến hành vụ lục soát này”, một người dân cho biết.

Đức Vũ
Tổng hợp