1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thổ Nhĩ Kỳ lên tiếng khi bị cáo buộc gây nguy hiểm cho quân Mỹ ở Syria

Đức Hoàng

(Dân trí) - Thổ Nhĩ Kỳ lên tiếng sau khi phía Mỹ nói rằng chiến dịch quân sự Ankara thực hiện ở Syria đang gây nguy hiểm cho binh sĩ Washington đồn trú tại đây.

Thổ Nhĩ Kỳ lên tiếng khi bị cáo buộc gây nguy hiểm cho quân Mỹ ở Syria - 1

Các tiêm kích của Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh minh họa: Reuters).

Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar ngày 25/11 tuyên bố, Ankara sẽ không gây nguy hiểm đến tính mạng của lực lượng các nước đồng minh thuộc NATO khi tiến hành chiến dịch quân sự ở Syria và Iraq.

Cuối tuần trước, Thổ Nhĩ Kỳ đã điều động máy bay không kích các mục tiêu của lực lượng dân quân người Kurd tại 2 quốc gia láng giềng với cáo buộc những binh sĩ trên là phần tử khủng bố.

Lầu Năm Góc hôm 23/11 đã cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ "đe dọa trực tiếp tới sự an toàn của nhân sự người Mỹ" đang đóng quân ở Syria. Mỹ cho biết, họ vẫn duy trì lực lượng ở Syria để phối hợp cùng với lực lượng dân quân người Kurd ở nước này (YPG) nhằm chống lại tổ chức khủng bố IS.

Bộ Quốc phòng Mỹ cảnh báo, "các hành động quân sự thiếu phối hợp đe dọa chủ quyền của Iraq" và kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ giảm leo thang ngay lập tức để "đảm bảo an toàn và an ninh cho nhân viên cam kết thực hiện sứ mệnh đánh bại IS".

Một nguồn thạo tin nói với truyền thông Mỹ rằng, một vụ không kích của Thổ Nhĩ Kỳ tuần qua đã đánh xuống mục tiêu chỉ cách 300m so với nơi mà quân Mỹ đồn trú ở thành phố Hasaka, Syria.

"Chúng tôi không làm hại các lực lượng đồng minh hoặc dân thường. Chúng tôi chỉ có một mục tiêu duy nhất, đó là những kẻ khủng bố", Bộ trưởng Akar tuyên bố.

Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch quân sự Claw-Sword nhằm đáp trả vụ đánh bom ở Istanbul vào tháng này. Ankara cáo buộc nhóm Đảng công nhân người Kurd (PKK) đứng sau vụ việc và YPG bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là một nhánh của PKK dù lực lượng trên được Mỹ ủng hộ.

Ankara, Mỹ và Liên minh châu Âu xem PKK là khủng bố vì lực lượng này từng tổ chức cuộc nổi dậy hồi những năm 1980 chống lại Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi đó, PKK tuyên bố họ không liên quan tới vụ tấn công ở Istanbul.

Ông Akar hôm 25/11 cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đã loại bỏ 326 đối tượng mà họ cáo buộc là khủng bố. Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết, chiến dịch quân sự của Ankara có thể sẽ được mở rộng ra, với sự tham gia của lực lượng mặt đất, đồng nghĩa với việc nước này có thể đưa quân và xe tăng sang Syria.

Vào ngày 25/11, ông Erdogan tuyên bố, Thổ Nhĩ Kỳ quyết tâm sẽ loại bỏ các phần tử khủng bố dù lực lượng này có là đối tác của ai đi nữa.

"Bất kể lực lượng khủng bố hợp tác với ai, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ luôn buộc chúng phải chịu trách nhiệm", ông nói, nhấn mạnh rằng "không ai có thể thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ, nước NATO duy nhất đã chiến đấu tay đôi với IS và đã chiến thắng".

Theo Bloomberg, chiến dịch tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ được xem sẽ làm gia tăng sự ủng hộ trong nước với Tổng thống Recep Tayyip Erdogan trước thềm cuộc bầu cử năm tới. Tuy nhiên, diễn biến này có thể khiến căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ nóng lên khi Washington ủng hộ YPG trong nhiều năm qua trong cuộc chiến chống lại tổ chức khủng bố IS.

Theo RT