Thổ Nhĩ Kỳ bắt nghi phạm đánh bom Istanbul, cáo buộc PKK chủ mưu
(Dân trí) - Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nghi phạm vụ nổ bom làm 6 người chết ở Istanbul đã bị cảnh sát bắt giữ, đồng thời cáo buộc PKK là chủ mưu nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết.
Hãng thông tấn Anadolu ngày 14/11 dẫn lời Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Suleyman Soylu thông báo, cảnh sát đã bắt được nghi phạm cài bom gây ra vụ nổ lớn làm 6 người chết và 81 người bị thương ở thành phố Istanbul trước đó một ngày. Đây là vụ nổ bom lớn đầu tiên ở Istanbul trong vài năm qua.
Bộ trưởng Soylu đồng thời cáo buộc đảng Công nhân người Kurd (PKK) đứng sau vụ tấn công. "Theo điều tra của chúng tôi, tổ chức khủng bố PKK phải chịu trách nhiệm", ông Soylu nói. Tuy nhiên, ông không cho biết thêm chi tiết cũng chưa công bố danh tính của nghi phạm.
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan lên án vụ nổ, gọi đây là "một vụ đánh bom có mùi khủng bố" đồng thời khẳng định những kẻ tấn công khủng bố nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thất bại.
"Các nỗ lực đánh bại chính phủ và người dân Thổ Nhĩ Kỳ thông qua chủ nghĩa khủng bố sẽ thất bại", ông Erdogan nói trong một cuộc họp báo trước khi đến Indonesia để dự Hội nghị thượng đỉnh của Nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới (G20).
Trước đó, Tổng thống Erdogan và Phó tổng thống Fuat Oktay cho hay, nghi phạm là một phụ nữ. Bộ trưởng Tư pháp Bekir Bozdag cũng nói rằng, một phụ nữ ngồi trên ghế băng ở hiện trường hơn 40 phút và rời đi vài phút trước khi vụ nổ xảy ra. Điều này cho thấy khả năng một quả bom được hẹn giờ hoặc được kích nổ từ xa.
Chính phủ nhiều quốc gia như Hy Lạp, Ai Cập, Ukraine, Anh, Azerbaijan, Italy và Pakistan... đã gửi lời chia buồn đến các nạn nhân trong vụ tấn công.
Hiện chưa có cá nhân, tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm về vụ nổ nhưng mọi con mắt đổ dồn vào PKK.
Istanbul và các thành phố khác của Thổ Nhĩ Kỳ từng là mục tiêu tấn công của lực lượng ly khai người Kurd, các chiến binh Hồi giáo và một số nhóm khác, bao gồm cả loạt vụ tấn công vào năm 2015 và 2016.
PKK là tổ chức chính trị và phong trào vũ trang của người Kurd nhằm đòi độc lập. Giao tranh giữa PKK và Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu từ 1984 khiến hơn 40.000 người thiệt mạng. Thổ Nhĩ Kỳ mở nhiều chiến dịch quân sự nhằm vào PKK ở miền bắc Iraq, vốn là nơi nhóm này dùng để tiếp viện cho lực lượng nổi dậy ở miền đông Thổ Nhĩ Kỳ.
Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu (EU) coi PKK là tổ chức khủng bố. Tuy nhiên, một nhóm vũ trang người Kurd khác là Lực lượng Syria Dân chủ (SDF) lại được Mỹ cùng phương Tây coi là đồng minh quan trọng trong chiến dịch chống lại tổ chức khủng bố IS.