1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thổ Nhĩ Kỳ chìm sâu vào bất ổn

Chỉ trong 24 giờ đồng hồ, Thổ Nhĩ Kỳ và những lợi ích của họ ở nước ngoài bị khủng bố tấn công. Kể từ khi chính quyền Ankara mở các cuộc không kích người Kurd và lực lượng Nhà nước Hồi giáo ở Syria, tình hình bên trong Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng bất ổn.

Bạo lực đáp trả bạo lực

17-2 là ngày tang thương với đất nước Thổ Nhĩ Kỳ. 3 vụ khủng bố đã cướp đi sinh mạng của 35 người, đa phần là quân nhân. Đáng chú ý nhất là đánh bom kinh hoàng tại thủ đô Ankara vào tối 17-2, khiến ít nhất 28 người thiệt mạng và 61 người bị thương, 26/28 người thiệt mạng là quân nhân.

Không đầy 24 giờ sau, tại miền Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ lại xảy ra một vụ nổ khác cũng nhằm vào một đoàn xe quân sự. Ít nhất 7 quân nhân đã thiệt mạng. Vụ nổ thứ 3 xảy ra nhằm vào Trung tâm Văn hóa Thổ Nhĩ Kỳ ở ngoại ô thủ đô Stockholm (Thụy Điển). Vụ nổ không gây thiệt hại về người nhưng tòa nhà bị phá hủy nghiêm trọng.

Liên quan tới vụ khủng bố thứ nhất, vụ nổ xảy ra cách trụ sở Quốc hội vài trăm mét. Đây là khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt nhất tại thủ đô Ankara, tức là an ninh nhất trên toàn nước Thổ Nhĩ Kỳ. Tiếng nổ đã vang dội khắp trung tâm thành phố. Trên hình ảnh được phát lại, người ta có thể thấy làn khói đen lớn bốc lên từ nơi xảy ra vụ nổ.

Các nhân viên y tế đưa người bị thương ra khỏi hiện trường vụ nổ bom tại Ankara, ngày 17/2.
Các nhân viên y tế đưa người bị thương ra khỏi hiện trường vụ nổ bom tại Ankara, ngày 17/2.

Theo những thông tin ban đầu thì một chiếc xe khách chở quân nhân đã bị tấn công bằng xe gài chất nổ, một số hãng tin nói có đến 2-3 xe bị tấn công trên con đường có nhà ở của quân nhân và gia đình họ. Chỉ vài phút sau sự cố, chính quyền đã nhanh chóng xác nhận đây là một vụ khủng bố nhưng không nêu ai là thủ phạm.

Tất nhiên có hai hướng: người Kurd hay tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Tuy nhiên phương thức tấn công - bằng xe gài chất nổ - không phải là phương thức của tổ chức IS, ít ra là trong các cuộc tấn công khủng bố của họ gần đây ở Thổ Nhĩ Kỳ, còn tấn công các xe chở quân nhân và gia đình họ thì lại không phải phương thức của người Kurd, chỉ nhắm vào quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nhưng tránh không gây hại dân thường.

Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, họ đã nhận diện được thủ phạm khủng bố: đó là một người Syria vào Thổ Nhĩ Kỳ mới đây như người tị nạn, và được xem là một người thân cận với lực lượng dân quân Kurd ở Syria. Người lái xe gài chất nổ đã chết tên là Sali Necar và được cảnh sát khoa học nhận diện qua dấu tay, để lại ở cơ quan di trú khi vào Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng các thông tin này không được chính thức xác nhận.

Đến tối 18-2, lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ vẫn khẳng định chưa có thông tin gì về ai có thể là tác giả vụ khủng bố. Giới quân đội Thổ Nhĩ Kỳ thì quy trách nhiệm cho đảng Kurdistan PKK. Ngược lại thì đồng Chủ tịch đảng PKK, Cemil Bayik, khẳng định không rõ ai là tác giả vụ khủng bố.

Tóm lại thì chưa có thể xác định ai đứng sau vụ khủng bố.

Lực lượng cứu hỏa nỗ lực dập tắt đám cháy do vụ đánh bom xe gây ra tối 17-2 khiến 28 người thiệt mạng ở Ankara.
Lực lượng cứu hỏa nỗ lực dập tắt đám cháy do vụ đánh bom xe gây ra tối 17-2 khiến 28 người thiệt mạng ở Ankara.

Loạt vụ tấn công diễn ra chỉ 1 ngày sau khi Tổng thống Erdogan tuyên bố Ankara sẽ tiếp tục chiến dịch không kích kéo dài từ nhiều ngày qua nhằm vào các tay súng người Kurd ở Syria.

Chỉ vài giờ sau loạt vụ tấn công ngày 17-2, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã không kích nhiều doanh trại của lực lượng PKK ở miền Bắc Iraq trong nhiều giờ. Khoảng 60 - 70 tay súng PKK, trong đó có nhiều chỉ huy của lực lượng này, đã thiệt mạng.

Sở dĩ tình hình Thổ Nhĩ Kỳ trở nên bất ổn như hiện nay là vì từ vài tháng qua họ đã tiến hành các cuộc không kích lực lượng người Kurd và tổ chức IS ở Syria. Những vụ đánh bom tại Thổ Nhĩ Kỳ và những lợi ích của họ ở nước ngoài có thể là sự trả thù của các lực lượng trên.

Không chỉ khiến tình hình trong nước bất ổn, hành động can thiệp quân sự vào Syria cũng đang đẩy Thổ Nhĩ Kỳ vào nguy cơ đối đầu với Nga.

Theo nhận định của tờ Le Figaro (Pháp) ra ngày 18-2, trong cuộc chiến Syria rối ren hiện nay, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang ở rất sát một cuộc đụng độ trực tiếp. Nga thì tấn công lực lượng đối lập với chính quyền Bashar al-Assad tạo điều kiện giành thêm đất cho các nhóm quân người Kurd, lực lượng vẫn bị Ankara coi là mối nguy hiểm chiến lược.

Đáp lại, Thổ Nhĩ Kỳ dọa đưa quân can thiệp trên bộ khiến Moscow phải lên tiếng cảnh cáo về một nguy cơ của "chiến tranh thế giới mới".

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ không kích lực lượng người Kurd ở Syria để trả thù vụ tấn công khủng bố tại Ankara ngày 17-2.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ không kích lực lượng người Kurd ở Syria để trả thù vụ tấn công khủng bố tại Ankara ngày 17-2.

Trong khi đó, hành động của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria hiện cũng không được đồng minh Mỹ ủng hộ. Lực lượng người Kurd ở Syria bị Ankara coi là khủng bố nhưng lại được Mỹ ủng hộ. Washington muốn Ankara phải ưu tiên mục tiêu chống IS chứ không phải giải quyết thù hằn cá nhân với lực lượng người Kurd, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ không nghe và cho đó mới là mục tiêu số 1 của họ. Điều này đã khiến quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ hục hặc mấy ngày nay.

Ý đồ của Thổ Nhĩ Kỳ qua các đợt oanh kích là muốn chặn đường đảng PYD của người Kurd tại Syria, một chi nhánh của đảng Lao động Kurd tại Thổ Nhĩ Kỳ (PKK). Đảng PKK bị Ankara liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố.

Thổ Nhĩ Kỳ không muốn để cho phe nổi dậy Kurd tại Syria chiếm được thế thượng phong nhờ có sự hỗ trợ của cả Mỹ lẫn Nga. Ankara cũng không muốn xảy ra kịch bản các lực lượng nổi dậy người Kurd lợi dụng thời điểm này để lập một vùng Kurd tự trị ở miền Bắc Syria, sát cạnh đường biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.Đó là điều mà Ankara không thể chấp nhận được bởi vì Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại sau khi thành lập được một vùng Kurd tự trị ở miền Bắc Syria, thì sẽ đến lượt người Kurd tại Thổ Nhĩ Kỳ đòi ly khai.

Người Kurd "tức nước vỡ bờ"?

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu từng nói rõ rằng, những cuộc pháo kích của Thổ Nhĩ Kỳ nhắm vào người Kurd tại Syria sẽ còn kéo dài. Chính thức thì Ankara cho biết chỉ đáp trả các vụ nã pháo từ phía Syria, nhưng lời biện minh này chẳng thuyết phục được ai cả.

Trước tiên, Ankara lo ngại người Kurd tại Syria đang kiểm soát phần lớn miền Bắc Syria sẽ bành trướng ảnh hưởng ra khắp vùng biên giới và thành lập một khu vực Kurdistan Syria, sau đó sẽ lôi kéo thêm người Kurd tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Từ nhiều tháng qua chính phủ Hồi giáo bảo thủ Thổ Nhĩ Kỳ đã cảnh cáo đảng Liên minh Dân chủ (PYD), mà chính phủ xem như là một "tổ chức khủng bố", đừng nên có ý tưởng định cư lâu dài ở bờ tây sông Euphrate, và cảnh báo rằng đó là "lằn ranh đỏ".

"Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không cho phép PYD thực hiện những hoạt động hung hãn. Lực lượng an ninh của chúng tôi đã đáp trả một cách thích đáng và sẽ tiếp tục làm như thế" - Thủ tướng Davutoglu đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 14-2. Hơn nữa có lẽ Thổ Nhĩ Kỳ cũng lo ngại cuộc đối thoại giữa Tổng thống Obama và Tổng thống Putin sẽ giúp Bashar al-Assad tiếp tục cầm quyền.

Thực sự đối với liên minh quốc tế, chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ không có lợi cho ai cả vì tất cả đều dựa vào lực lượng người Kurd để hỗ trợ cho các cuộc không kích chống IS. Quả thật hiện nay lực lượng Kurd là đối tác chính có khả năng đương đầu với phe thánh chiến. Và điều này thì không hề làm Ankara hài lòng.

Thỏa ước ký kết tại Munich bởi các cường quốc ngày 12-2 về việc ngưng bắn tại Syria trong vòng một tuần đã làm dấy lên những niềm hy vọng mỏng manh nhưng lại không có khởi đầu tốt. Sự can thiệp của quá nhiều phía, cả Syria và nước ngoài, đã làm phức tạp thêm tình hình.

Những cuộc pháo kích của Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra trong khi nước này vừa dự tính cùng với Arab Saudi mở các chiến dịch trên bộ "nhằm chống lại IS".

Một số quan sát viên e rằng chiến dịch trên bộ là nhắm vào người Kurd, mở đường cho những cuộc trả đũa của Nga, Iran và chính quyền Syria. Nếu đúng là như thế, phản ứng của Mỹ sẽ ra sao?

Iran và Nga, 2 đồng minh của Damascus, đã cảnh báo về việc gửi quân đội đến Syria. "Chắc chắn chúng tôi sẽ không để cho tình hình tại Syria diễn tiến đúng theo ý nguyện của "các quốc gia nổi dậy". Chúng tôi sẽ có quyết định cần thiết khi đến lúc" - Trợ lý Tham mưu trưởng quân lực Iran, tướng Massoud Jazayeri, tuyên bố.

Thổ Nhĩ Kỳ pháo kích cứ điểm của người Kurd Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ pháo kích cứ điểm của người Kurd Syria.

"Sự leo thang mới này cho thấy mức độ phức tạp của cuộc khủng hoảng Syria. Các thủ lĩnh PYD đã từng cố đàm phán với Ankara về một thỏa thuận chung sống hòa bình như với người Kurd tại Iraq nhưng vô ích" - chuyên gia về Thổ Nhĩ Kỳ Jean Marcou giải thích.

Trong khi đó Thổ Nhĩ Kỳ cảm thấy "bị bao vây" từ khi Nga gia tăng sự hỗ trợ cho Chính phủ Syria bằng cách tham gia trực tiếp vào cuộc chiến cùng với Iran từ đầu mùa thu. Sự bực tức của Thổ Nhĩ Kỳ - bằng chứng là việc Không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ phi cơ của Nga - càng làm tăng thêm căng thẳng với Moscow.

Lực lượng PYD lợi dụng cuộc khủng hoảng Syria để tiến quân nhưng vẫn đảm bảo duy trì sự hỗ trợ của Mỹ và Nga. Quả thật PYD đã giành lại thành phố Kobani từ tay IS và nhiều thị trấn khác trong vùng Hassaké ở phía đông. Do vậy vào tháng 9 vừa qua Washington không còn xem PYD như là một tổ chức khủng bố nữa.

Tuy nhiên để không làm gia tăng căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ đã hạn chế sự trợ giúp PYD. Điều này đã khiến PYD phải chơi trò "ai trả cao thì thắng" với Nga.

Mới đây, các thủ lĩnh PYD vừa thành lập một liên minh quân sự với những chiến binh Arab tại Syria, Lực lượng Dân chủ Syria (FDS), nhưng theo các chuyên gia trong khu vực, họ vẫn ở thế thượng phong. Song song đó PYD vẫn duy trì nguyên trạng với chế độ Al-Assad trong khi Nga đã gia tăng mối quan hệ với PYD. Từ tuần trước nhóm này đã có đại diện tại Moskow.

"Hiện đang có một sự hội tụ các lợi ích giữa Chính phủ Syria và PYD" - chuyên gia Jean Marcou nhấn mạnh. Ankara nghi ngờ Damascus và Moscow khuyến khích sự tiến quân của người Kurd sang phía tây, có nguy cơ cắt đứt đường tiếp tế cho các nhóm nổi dậy do Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ.

Song song đó, lực lượng Kurd đã gia tăng những vụ tấn công về phía đông chống các nhóm nổi dậy. Hôm 15-2, họ đã kiểm soát thành phố Tall Rifaat; tuần trước họ đã chiếm lại căn cứ Mennegh. Nhằm cắt đứt đường tiếp viện Kurd, Thổ Nhĩ Kỳ đã pháo kích con đường phía tây Tall Rifaat nhưng có vẻ như không hiệu quả.

Hành lang Azaz cũng là con đường mà hàng chục ngàn người tị nạn trốn tránh các vụ không kích của Nga đang tranh nhau sang Thổ Nhĩ Kỳ.

"Ankara vốn không nhận được sự đồng ý của Mỹ về một vùng đệm nên đang thiết lập vùng này bằng cách ngăn chặn làn sóng người tị nạn cuối cùng và trợ giúp nhân đạo cho họ bên kia biên giới, trên lãnh thổ Syria" - Jean Marcou nhận định.

Như thế Thổ Nhĩ Kỳ đang chơi một trò mập mờ để đáp lại trò mập mờ không kém của phe người Kurd.

Theo Mộc Thạch – Minh Luân (tổng hợp)

An ninh thế giới