1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo nguy cơ bùng nổ Thế chiến 3

Thành Đạt

(Dân trí) - Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan cảnh báo nguy cơ Thế chiến 3 và kêu gọi xem xét vấn đề này một cách nghiêm túc.

Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo nguy cơ bùng nổ Thế chiến 3 - 1

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan (Ảnh: Tass).

"Thế giới nên xem xét mối đe dọa này một cách nghiêm túc, nguy cơ như vậy đã tồn tại, chúng tôi đã nói về điều đó ngay từ đầu", Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan nói với kênh Haberturk TV hôm 24/6, khi bình luận về phát biểu của Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic về khả năng xảy ra xung đột ở Ukraine leo thang thành xung đột toàn cầu.

Ông Fidan cảnh báo cuộc xung đột ở Ukraine có nguy cơ mở rộng hơn nữa, bao gồm việc sử dụng vũ khí hạt nhân.

"Cái giá phải trả cho cuộc chiến đang diễn ra đối với khu vực và toàn thế giới là rất cao. Điều đáng báo động hơn là nguy cơ này có thể gia tăng và mở rộng. Xung đột có thể mở rộng về mặt địa lý và khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân có thể được xem xét", ông Fidan nói thêm.

Theo nhà ngoại giao hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ, ông đã chuyển thông điệp của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan liên quan đến việc giải quyết cuộc xung đột Ukraine tới Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp ở Moscow vào ngày 11/6.

"Chúng tôi đã nói với Nga rằng hòa bình là cần thiết ở Ukraine và Nga phải có quan điểm rõ ràng. Hai ngày sau, ông Putin đã liệt kê các điều kiện để chấm dứt chiến tranh ở Ukraine. Điều quan trọng là ông Putin đã nói ra điều này", ông Fidan tuyên bố.

Ông nhấn mạnh rằng, ngay từ khi cuộc xung đột ở Ukraine vừa bắt đầu, Thổ Nhĩ Kỳ đã nỗ lực giải quyết vấn đề này bằng con đường ngoại giao và sẽ tiếp tục làm như vậy.

"Chừng nào chiến tranh còn tiếp diễn, nguy cơ lan rộng vẫn còn và không có lối thoát. Mỗi bên sẽ buộc phải sử dụng các biện pháp có thể thay đổi diễn biến sự việc, dẫn đến tình huống ngọn lửa xung đột có thể lan sang những nơi khác", ông Fidan nhận định.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ trước đó đã nhiều lần lên tiếng về nguy cơ xung đột ở Ukraine lan rộng ra toàn khu vực. Ông Fidan cho biết ông đã thảo luận về việc giải quyết xung đột trong chuyến thăm Nga vào ngày 10-11/6.

Theo ông Fidan, căng thẳng trên thế giới cũng đang gia tăng vì cuộc khủng hoảng ở Dải Gaza. Nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng "vụ thảm sát ở Gaza đã chia rẽ nhân loại".

Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định, nước này đứng trên lập trường trung gian hòa giải, với việc Ankara tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine ngay từ khi xung đột nổ ra.

Mặc dù những nỗ lực ngoại giao cuối cùng đều thất bại, song Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục hối thúc cả hai bên quay lại đàm phán. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tuyên bố rằng, ngay cả thỏa thuận hòa bình tồi tệ nhất cũng sẽ tốt hơn chiến tranh.

Phát biểu tại cuộc họp Bộ Ngoại giao Nga hôm 14/6, Tổng thống Vladimir Putin ra hiệu rằng Nga sẽ ngừng bắn và bắt đầu đàm phán nếu Kiev đáp ứng một số điều kiện: nhượng lại toàn bộ 5 khu vực của Ukraine đã bỏ phiếu trưng cầu dân ý để sát nhập vào Nga, bao gồm Crimea; loại bỏ quân đội hiện có của Ukraine ở các khu vực này; từ bỏ nỗ lực gia nhập NATO; cam kết không tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân, cũng như "phi quân sự hóa", "phi quốc tế hóa" và tôn trọng quyền của người dân nói tiếng Nga.

Lời đề nghị của ông Putin ngay lập tức bị tổng thống Ukraine từ chối, gọi đây là "tối hậu thư". Các quan chức phương Tây cũng nhanh chóng chỉ trích đề xuất này.

Theo Tass