1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Thiếu minh bạch

Tài sản của chìm của nổi của Ferdinand Marcos, nhà cựu độc tài Philippines, cho đến nay vẫn là một điều bí ẩn. Chính phủ Philippines ước tính trong 20 năm cầm quyền cho đến năm 1986 bị lật đổ, phải cùng gia đình chạy trốn sang Hawaii rồi chết tại đây năm 1989, Marcos đã bòn rút khoảng 10 tỉ USD của cải đất nước Philippines.

Số tiền khổng lồ này phần lớn được gửi bí mật tại các ngân hàng Thụy Sĩ, Hồng Kông mà Philippines chưa thể thu hồi được hết, một món nợ lớn chưa trả được cho dân.

 

Tuy nhiên, việc thu hồi tiền của phi pháp của gia đình Marcos thật không đơn giản và đã xảy ra đủ loại điều ong tiếng ve. Mới nhất là tại cuộc họp của Thượng nghị viện Philippines mới đây, khi bàn về ngân sách quốc gia năm 2006, Bộ trưởng Ngân sách Romulo Neri báo cáo phần lớn số tiền 700 triệu USD của gia đình Marcos gửi ở các ngân hàng Thụy Sĩ mà Philippines thu hồi được, đều đã chi tiêu hết.

 

Phải mất 18 năm đấu tranh về pháp lý, Manila mới được các tòa án Thụy Sĩ trao trả số tiền này. Theo AFP, các nghị sĩ đã hết sức kinh ngạc và đòi phải giải trình cụ thể số tiền đã được chi vào những việc gì, cho ai?

 

Chủ tịch Thượng viện Franklin Drilon nói: “Chúng ta cần biết việc chi tiêu cụ thể ra sao. Đây lại là một bằng chứng nữa về sự hoàn toàn thiếu minh bạch của chính quyền này”.

 

Sau khi bị truy ép, Bộ trưởng Ngân sách Neri mới tiết lộ chỉ còn 8 tỉ peso (2.300 tỉ VNĐ) dành để bồi thường cho khoảng 100.000 người dân là nạn nhân của chế độ độc tài Marcos.

 

Tổng thống Gloria Arroyo đã ủng hộ kiến nghị của Quốc hội Philippines dành 11,2 tỉ peso (3.160 tỉ VNĐ) để bồi thường cho các nạn nhân đó, vì một đạo luật đã quy định tất cả tiền của phi pháp của Marcos thu hồi được phải đem trợ cấp cho nông dân nghèo trong chương trình cải cách nông nghiệp.

 

Lãnh tụ phe thiểu số tại Thượng viện Aquilino Pimentel tỏ ra bức xúc: “Thật không thể hiểu tại sao một khoản tiền lớn lại biến mất mà không có lời giải thích?”.

 

Theo T.Tùng

Người lao động