1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thiên đường cất giữ tài sản mới của giới tỷ phú thế giới

Minh Phương

(Dân trí) - Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đang trở thành thiên đường cất giữ tài sản mới dành cho giới tỷ phú toàn cầu.

Thiên đường cất giữ tài sản mới của giới tỷ phú thế giới - 1

Abu Dhabi ngày càng hấp dẫn với giới tỷ phú (Ảnh minh họa: Bloomberg).

Người giàu nhất giới tiền điện tử Triệu Trường Bằng, gia tộc Adani, chủ sở hữu tập đoàn hàng đầu của Ấn Độ, ông trùm thép người Nga Vladimir Lisin,.. là một số nhân vật tiêu biểu đã thành lập các công ty phục vụ mục đích đặc biệt (SPV) tại trung tâm tài chính quốc tế Abu Dhabi (UAE) trong năm nay.

SPV là các thực thể pháp lý riêng biệt giúp các cá nhân có thu nhập ròng cao kiểm soát rủi ro tài chính. Về cơ bản, SPV có thể chứa các tài sản và vốn của chủ sở hữu. Dữ liệu từ M/HQ, một công ty tư vấn tài sản có trụ sở tại Dubai, cho thấy hiện có hơn 5.000 SPV tồn tại trên Thị trường Toàn cầu Abu Dhabi (ADGM), so với 46 đơn vị vào năm 2016.

Nhiều người không hiểu liệu các tỷ phú đã chuyển tài sản của họ từ đâu, tại sao họ làm như vậy hoặc có những gì đằng sau mỗi tài sản đó. Tuy nhiên, người ta có thể lờ mờ cảm nhận được làn sóng này đang phản ánh những chuyển biến toàn cầu về cách người giàu trên thế giới bảo vệ tiền của họ

Vì sao các tỷ phú tìm đến ADGM?

Hiệp ước thuế kép của UAE có thể giúp các tỷ phú giảm chi phí đóng thuế. Ngoài ra, theo các cố vấn tài chính và nhà đầu tư quốc tế, SPV mang đến tiềm năng củng cố mối quan hệ cấp cao với hoàng gia Abu Dhabi giàu có.

Chính sách thị thực của UAE cũng vô cùng thuận lợi, theo đó, những người thực hiện đầu tư đạt mức yêu cầu đều có được thẻ cư trú dài hạn. Thậm chí, trong một số trường hợp, họ còn có hộ chiếu của quốc gia này.

Không bàn đến Mỹ, Anh và EU đang tăng cường các hạn chế, gần đây, một nước trung lập như Thụy Sĩ cũng đã áp dụng biện pháp trừng phạt lên các cá nhân có quan hệ với các quốc gia đang phải chịu lệnh trừng phạt, bao gồm cả Nga và Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, việc UAE trì hoãn các lệnh trừng phạt quốc tế được xem là một điểm cộng lớn giúp các nhà đầu tư an tâm khi đưa tiền vào ADGM.

Những lợi ích đan xen chặt chẽ khiến ADGM ngày càng trở nên hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư thế giới.

Yann Mrazek, quản lý cấp cao của M/HQ, cho biết cuộc chiến giữa Israel và Hamas ở Gaza có thể thúc đẩy sự phát triển của SPV ở ADGM hơn nữa. Theo luật sư được đào tạo ở Thụy Sĩ này, gần đây, ông đã nhận được yêu cầu từ một doanh nhân người Palestine muốn sử dụng cấu trúc này để bảo vệ tài sản.

Những đặc quyền chồng chất dành cho giới siêu giàu khiến UAE đã phải đối mặt với sự giám sát của Lực lượng Đặc nhiệm Tài chính về chống rửa tiền (FATF), đặc biệt kể từ khi nước này bị đưa vào Danh sách Vùng xám vào tháng 3/2022. Tuy nhiên, giới chuyên môn cho biết SPV không phải là trọng tâm của danh sách.

Sam Blatteis, Giám đốc điều hành của MENA Catalysts, cho biết: "Vị trí chiến lược, sự ổn định về chính sách và sự gần gũi với nguồn vốn của ADGM là những điểm thu hút chính đối với các cá nhân có thu nhập ròng cao".

Ngoài ra, việc áp dụng bộ luật chung bằng tiếng Anh, bảo vệ nhà đầu tư mạnh mẽ và thuế thấp cũng là nguyên nhân giúp khu vực này trở thành thị trường hấp dẫn. Phát ngôn viên của ADGM cho biết, SPV có nhiều lợi ích như không yêu cầu vốn cổ phần tối thiểu, không hạn chế về quốc tịch của cổ đông và dễ dàng chuyển nhượng cổ phần.

Con dấu phê duyệt của Abu Dhabi cũng có giá trị đối với các nhà giao dịch đang tìm cách thu hút đầu tư ra nước ngoài cũng như từ các quỹ tài sản của tiểu vương quốc.

Đặc biệt, các nhà cung cấp dịch vụ thiết lập SPV tiết lộ thêm, một phần sức hấp dẫn của ADGM là tính bảo mật được cấp cho các cá nhân giàu có. Ngay cả các cơ quan đăng ký công ty cũng khó có thể làm lộ những bí mật lợi ích của chủ sở hữu.

Theo Bloomberg