1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thiện chí của ông Putin và ông Trump trong mối quan hệ “băng giá” Nga - Mỹ

(Dân trí) - 18 tháng kể từ khi chính thức trở thành ông chủ Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có ít nhất 10 lần trao đổi, trò chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin và những cuộc trò chuyện đều thể hiện tinh thần hữu nghị và thiện chí trong bối cảnh quan hệ Nga-Mỹ “căng như dây đàn”.

Tổng thống Trump và Tổng thống Putin gặp nhau lần đầu hồi tháng 7 năm ngoái tại Đức. (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Trump và Tổng thống Putin gặp nhau lần đầu hồi tháng 7 năm ngoái tại Đức. (Ảnh: Reuters)

Theo kế hoạch được công bố gần đây, Tổng thống Trump dự kiến sẽ gặp thượng đỉnh tổng thống Putin tại Helsinki, Phần Lan vào ngày 16/7 tới. Đây là sẽ hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa 2 nhà lãnh đạo từ khi ông Trump nhậm chức sau hàng loạt những cuộc điện đàm và các cuộc gặp mặt bên lề các sự kiện lớn mà 2 nhà lãnh đạo tham gia.

Theo Politico, bầu không khí mà 2 tổng thống tạo nên trước cuộc gặp thượng đỉnh là khá thiện chí. Thậm chí, sự thân thiện của ông Trump với người đồng cấp Nga còn khiến đảng Dân chủ và một số nghị sĩ đảng Cộng hòa cảm thấy lo ngại rằng Tổng thống Mỹ có thể đang bị “kìm hãm” bởi chiến thuật ngoại giao của ông Putin. Nhất là trong bối cảnh, quan hệ Nga-Mỹ đang ở trong giai đoạn “băng giá” với hàng loạt các vụ việc xảy ra từ vụ việc Nga sáp nhập lại bán đảo Crimea, cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016, hay cáo buộc Nga đứng sau vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal.

Politico đã tổng hợp lại nội dung của những cuộc hội thoại giữa 2 nhà lãnh đạo kể từ khi ông Trump nhậm chức đến nay, cho thấy sự thiện chí của ông Putin và ông Trump.

Ngày 28/1/2017, ông Trump nhận được cuộc gọi chúc mừng nhậm chức của ông Putin, “một khởi đầu quan trọng trong việc cải thiện quan hệ ngoại giao Nga-Mỹ”, theo thông cáo của Nhà Trắng. Hai nhà lãnh đạo đã trao đổi về việc cải thiện quan hệ kinh tế song phương và nỗ lực trong việc hợp tác tiêu diệt nhóm khủng bố nhà nước Hồi giáo tự xưng IS ở Iraq và Syria.

Ngày 3/4/2017, ông Trump đã gọi điện cho ông Putin nhằm bày tỏ “sự tiếc thương sâu sắc” tới các nạn nhân trong vụ tấn công khủng bố ở thành phố St. Petersburg làm 14 người thiệt mạng. Ông Trump cho hay Mỹ sẽ “hỗ trợ toàn lực” Nga trong việc điều tra sự việc và 2 nhà lãnh đạo nhất trí rằng chủ nghĩa khủng bố sẽ phải sớm bị loại bỏ.

Ngày 2/5/2017, ông Trump và ông Putin thảo luận với nhau qua điện thoại về kế hoạch gặp gỡ bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20 tổ chức tại Đức và nhất trí rằng “những gì mà Syria phải gánh chịu đã đi quá xa”, gợi nhắc tới cuộc nội chiến hàng năm trời đã gây thiệt hại nghiêm trọng tới quốc gia Trung Đông. Theo thông cáo từ Nhà Trắng, cuộc trò chuyện “rất tích cực” và 2 tổng thống cũng đã bàn về việc chống khủng bố và mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên.

Ngày 7/7/2017, hai nhà lãnh đạo lần đầu gặp mặt đối mặt tại bên lề hội nghị G-20. Các chủ đề mà ông Trump và ông Putin bàn tới bao gồm các biện pháp giảm bạo lực ở Syria, về khả năng Nga-Mỹ hợp tác về an ninh mạng nhằm bảo vệ các cuộc bầu cử của nhau.

Ngày 11/11/2017, hai tổng thống tiếp tục gặp nhau bền lề hội nghị thượng đỉnh APEC tổ chức tại Việt Nam. Ông Trump nhấn mạnh rằng ông tin tưởng khi ông Putin nói rằng Nga không can thiệp vào bầu cử Mỹ 2016. “Ông Putin nói ông ấy không can thiệp. Tôi có hỏi ông ấy lần nữa. Ông ấy nói chắc chắn không can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ “, ông Trump thuật lại.

Ông Putin và ông Trump trao đổi bên thềm hội nghị thượng đỉnh APEC tổ chức tại Việt Nam năm 2017. (Ảnh: Reuters)
Ông Putin và ông Trump trao đổi bên thềm hội nghị thượng đỉnh APEC tổ chức tại Việt Nam năm 2017. (Ảnh: Reuters)

Ngày 21/11/2017, trong cuộc điện đàm kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ, hai nhà lãnh đạo tiếp tục bàn về cuộc nội chiến Syria 1 ngày sau khi ông Putin gặp Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Ngoài chủ đề Syria, 2 tổng thống bàn bạc về việc chống khủng bố, vấn đề Ukraine và Triều Tiên.

Ngày 14/12/2017, ông Trump đã cảm ơn ông Putin vì đã nhắc tới sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Mỹ trong một bài phát biểu. Ngoài ra, trong cuộc trò chuyện 10 phút, 2 nhà lãnh đạo cũng bàn bạc về phương hướng giải quyết sự phát triển nhanh chóng của chương trình hạt nhân Triều Tiên.

Ngày 17/12/2017, ông Putin gọi điện cảm ơn ông Trump vì thông tin do cục tình báo trung ương Mỹ CIA cung cấp. Nhờ có những thông tin này, Nga đã ngăn chặn thành công vụ tấn công khủng bố ở St. Petersburg. Thông báo của Nhà Trắng viết: “Ông Trump đánh giá cao cuộc gọi này và hai nhà lãnh đạo đồng ý rằng việc này chính là một ví dụ điển hình rằng những điều tích cực có thể xảy ra nếu các quốc gia hợp tác với nhau."

Ngày 12/2/2018, ông Trump gọi điện cho ông Putin nhằm chia buồn với nước Nga sau vụ rơi máy bay ở ngoại ô Moscow làm 71 người thiệt mạng. Hai nhà lãnh đạo trao đổi về cuộc gặp của ông Putin với nhà lãnh đạo Palestine Mahmoud Abbas và phương hướng để phi hạt nhân hóa Triều Tiên.

Ngày 20/3/2018, ông Trump gọi điện chúc mừng ông Putin tái đắc cử Tổng thống Nga nhiệm kỳ thứ 4 dù các trợ tá của ông Trump khuyên rằng ông không nên làm như vậy trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phương Tây đang leo thang vì 1 tuần trước đó, Nga bị cáo buộc đầu độc cha con cựu điệp viên Skripal tại Anh.

Đức Hoàng

Theo SCMP