Nghệ thuật đàm phán của ông Putin trong cuộc gặp với Tổng thống Trump
(Dân trí) - Khi hội nghị thượng đỉnh Nga - Mỹ diễn ra tại thủ đô Helsinki của Phần Lan vào ngày 16/7 tới, đó cũng là lúc hai nhà đàm phán lão luyện gặp mặt nhau và cùng nhau thương thuyết về những vấn đề nóng của thế giới.
Theo nhận định của giới chuyên gia và những nhà ngoại giao kỳ cựu, Tổng thống Vladimir Putin được đánh giá là có đủ kinh nghiệm và tất cả những kỹ năng cần thiết để giành lợi thế trong cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên với Tổng thống Donald Trump tại Helsinki, Phần Lan vào ngày 16/7 tới. Từng là một nhân viên tình báo, thủ tướng Nga và trải qua 3 nhiệm kỳ tổng thống, ông Putin hội tụ nhiều “điểm mạnh” như sự tự tin, lôi cuốn, cùng phong thái lanh lợi và quyết đoán.
Xuất thân là một tỷ phú bất động sản và là ngôi sao truyền hình thực tế, Tổng thống Trump đã gặt hái được nhiều thành công trong sự nghiệp kinh doanh, giải trí và chính trị với hình ảnh của một nhà đàm phán chuyên nghiệp. Tuy vậy, khả năng thương lượng, chốt thỏa thuận và đạt được những gì mình muốn bằng cả sức mạnh cứng lẫn sức mạnh mềm của Tổng thống Putin sẽ phát huy hiệu quả trong cuộc gặp tại Helsinki.
Là cựu điệp viên của cơ quan tình báo Liên Xô (KGB) với hàng chục năm kinh nghiệm trong việc thu thập thông tin tình báo và hơn 20 năm nắm giữ những chức vụ hàng đầu trong hệ thống chính trị Nga, Tổng thống Putin đã quá lão luyện trong việc phán đoán xem đối tác của ông đang mong muốn điều gì, và sử dụng chính điều đó để làm lợi thế trên bàn đàm phán.
“Tổng thống Putin có sự lôi cuốn. Tôi thấy được điều đó trong cuộc gặp Bush - Putin tại Slovenia năm 2001. Ông ấy là bậc thầy về tiểu tiết, ông ấy đi đứng nhanh nhẹn, ăn nói lưu loát và rất giỏi phán đoán người đang nói chuyện cùng”, Đại sứ Daniel Fried, người từng là trợ lý ngoại trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu và Âu - Á dưới thời cựu Tổng thống George. W. Bush, nói với Newsweek.
Truyền thông ủng hộ chính quyền Nga thường mô tả Tổng thống Putin là nhà lãnh đạo điềm đạm và bình tĩnh, người sẵn sàng làm bất kỳ điều gì để đối phó với sự gây hấn từ phương Tây và bảo đảm rằng nước Nga sẽ quay trở lại thời kỳ hoàng kim như trước đây. Các nhà ngoại giao từng có cơ hội gặp Tổng thống Putin đều nói rằng cách tiếp cận tự tin của ông trong việc bảo vệ lợi ích của Nga cũng như khả năng ghi nhớ những sai lầm trong quá khứ đều đã phát huy hiệu quả.
“Ông Putin rất để ý tới những chi tiết về chính sách và cũng khéo léo trong cách tiếp cận các cuộc gặp với các nhà lãnh đạo nước ngoài”, Alexander Vershbow, cựu đại sứ Mỹ tại Nga và là cựu phó tổng thư ký NATO, cho biết.
Hiểu những gì mình muốn
Các chuyên gia cho rằng Tổng thống Putin hiểu rất rõ những gì ông muốn từ Tổng thống Trump và nước Mỹ. Việc thừa nhận vai trò của Nga tại Syria hay việc Nga sáp nhập Crimea đều có thể xuất hiện trong chương trình nghị sự của ông Putin khi gặp người đồng cấp Mỹ. Nhà lãnh đạo Nga có thể sẽ tìm cách thay đổi mô hình thế giới đa cực được hình thành từ sau khi Liên Xô sụp đổ.
“Ông Putin muốn được đưa trở lại vòng tròn thu hẹp của những nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hay Tổng thống Donald Trump. Ông muốn cùng với họ tạo thành bộ “tam hùng”, không chỉ có trong tay vũ khí hạt nhân, mà còn có thể vận hành cả thế giới”, Ariel Cohen, nhà nghiên cứu cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương, nói.
“Ông ấy (Putin) muốn các lệnh trừng phạt (nhằm vào Nga) được dỡ bỏ. Ông ấy muốn Crimea được thừa nhận là một phần của lãnh thổ Nga. Ông ấy cũng muốn một giải pháp cho vấn đề Ukraine và muốn Tổng thống Trump đồng ý để Tổng thống Syria Bashar al-Assad tiếp tục nắm quyền, đồng thời Nga có thể duy trì các căn cứ tại Syria”, chuyên gia Cohen nhận định.
Theo giới phân tích, tương tự nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, việc ngồi vào bàn đàm phán với Tổng thống Trump có thể giúp Tổng thống Putin “ghi điểm” tại quê nhà. Và chiến lược ngoại giao của ông Putin cũng là một chặng đường dài, chứ không chỉ dừng lại ở một hội nghị thượng đỉnh.
“Ông Putin rất muốn và rất cần các nước chấm dứt cô lập Nga vì các lệnh trừng phạt đang làm suy yếu nền kinh tế Nga. Ông Putin từ lâu đã muốn ngồi cùng bàn đàm phán với tổng thống Mỹ cũng như các nhà lãnh đạo lớn khác, do vậy việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh rất quan trọng với Nga”, Alina Polyakova, nhà phân tích Nga tại Viện Brookings, nhận định.
Có vẻ như Tổng thống Putin ít nhất cũng được đáp ứng một số điều mà ông mong muốn. Tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Canada hồi tháng trước, Tổng thống Trump đã kêu gọi các nước thành viên đưa Nga quay trở lại khối sau một thời gian tẩy chay. Một số thông tin cũng tiết lộ rằng ông Trump từng nói Crimea nên thuộc về Nga vì nhiều người dân sống trên bán đảo này nói tiếng Nga.
Đọc vị người đối diện
Tổng thống Trump từ lâu đã mong muốn đạt được các thỏa thuận với Nga, thậm chí ngay cả trước khi ông bước chân vào con đường chính trị. Ông Trump từng vận động hành lang không thành công trong việc mở một tháp Trump ở Moscow. Vào năm 1984, ông cũng từng nói với Washington Post rằng ông muốn đảm nhận các cuộc đàm phán của Mỹ với Nga về vấn đề kiểm soát vũ khí hạt nhân. Giới phân tích cho rằng Tổng thống Trump sẵn sàng nhượng bộ Nga mà không cần nhận lại điều gì, như cách ông từng làm với Triều Tiên tại thượng đỉnh Mỹ - Triều hồi đầu tháng.
“Kỹ năng tuyệt vời của bất kỳ điệp viên KGB nào là đọc vị người khác. Là một điệp viên KGB lão luyện, ông Putin quá giỏi về vấn đề này. Trong khi đó, ông Trump thường là người đưa ra những nhượng bộ sớm, như cách ông từng rút khỏi cuộc tập trận chung với Hàn Quốc hay chuyển đại sứ quán Mỹ về Jerusalem. Nhưng đối với Nga, đó là một điều nguy hiểm”, Đại sứ John Herbst, cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine, nói.
Tuy vậy, quyền lực của Quốc hội Mỹ trong việc định hình chính sách đối ngoại cũng như kiềm chế Tổng thống Trump đồng nghĩa với việc Nga không thể đạt được tất cả những gì nước này mong muốn ở Mỹ, dù Tổng thống Putin là một nhà đàm phán giỏi cỡ nào. Sau khi trở về nước, Tổng thống Trump vẫn phải đối mặt với nhiều sức ép từ chính quyền và cơ quan lập pháp nếu muốn thực thi những thỏa thuận với Tổng thống Putin.
Thành Đạt
Tổng hợp