1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Thế khó của Tổng thống Trump trong "ra đòn" với Trung Quốc

(Dân trí) - Giới quan sát cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như đang vướng phải thế khó để có thể cân bằng giữa mục tiêu đối phó với Trung Quốc mà không làm ảnh hưởng tới cơ hội tái tranh cử năm nay.

Thế khó của Tổng thống Trump trong ra đòn với Trung Quốc - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters)

Trước cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 năm nay, chính quyền ông Trump được cho vẫn đang tìm cách ứng phó với Trung Quốc theo cách ít làm tổn thương nhất tới chiến dịch của ông Trump. Tuy nhiên, đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng.

Mỹ được cho đã bàn bạc về các biện pháp cứng rắn như ban hành lệnh trừng phạt, áp thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc, trong khi, các quan chức trong chính quyền cũng đang cân nhắc các phương án như mở rộng chiến lược tác động tới công ty cung cấp thiết bị 5G của Trung Quốc cũng như các động thái chính trị để ứng phó Trung Quốc.

Trên thực tế, ông Trump có lẽ đã nhận ra rằng thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Trung Quốc đang được thực hiện không như kỳ vọng. Hiện trạng này làm dấy lên câu hỏi rằng liệu 18 tháng thương chiến mà ông Trump phát động có xứng đáng với chi phí và tổn hại mà Mỹ, các nông dân và các doanh nghiệp phải chịu hay không.

Nhiều nông dân Mỹ ở các bang chiến lược trong chiến dịch tranh cử của ông Trump đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc thương chiến. Họ kỳ vọng việc Trung Quốc cam kết mua 200 tỷ USD hàng hóa nông nghiệp trong thỏa thuận giai đoạn 1 có thể mang lại lợi ích cho họ.

Tuy nhiên, trên thực tế, theo một số thống kê, Trung Quốc hiện mới chỉ thực hiện được khoảng ít hơn một nửa con số được đưa ra trong thỏa thuận. Điều này có thể ảnh hưởng tới thông điệp trong chiến dịch tái tranh cử của ông Trump về việc đối phó với Trung Quốc.

Tuy nhiên, chuyên gia Chad Bown từ viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho rằng có một khả năng xảy ra là nếu Trung Quốc tiếp tục không làm theo thỏa thuận thương mại, ông Trump có thể tận dụng điều này để nhấn mạnh thông điệp đối đầu với Trung Quốc trong chương trình nghị sự.

“Đại dịch Covid-19 có thể giúp chính quyền Mỹ nói rằng dù họ muốn giữ thỏa thuận, nhưng Trung Quốc không thực hiện theo”, ông Bown nhận định.

Lưỡng đảng chưa thống nhất chiến lược

Trong thời gian qua, chính quyền Mỹ đã gia tăng chỉ trích Trung Quốc, cáo buộc Bắc Kinh không công bố đầy đủ thông tin từ đầu khiến đại dịch Covid-19 lây lan khắp toàn cầu và làm gần 330.000 người thiệt mạng, hơn 5 triệu người nhiễm bệnh.

Tại cơ quan lập pháp Mỹ, có một xu hướng chung của 2 chính đảng rằng Mỹ cần phải có hành động với Trung Quốc, nhưng mức độ hành động thế nào vẫn là điểm 2 bên dường như chưa thống nhất hoàn toàn.

Trong những tuần qua, các nghị sĩ bắt đầu bàn bạc hàng loạt các biện pháp đưa chuỗi cung ứng thiết bị y tế và thuốc men quan trọng về Mỹ, bao gồm các biện pháp giảm thuế và ưu đãi cho công ty sản xuất hàng hóa ở Mỹ.  

Trung Quốc hiện vẫn là trung tâm của chuỗi cung ứng toàn cầu. Vì vậy, nhiều ý kiến lo ngại rằng việc phá vỡ điều này quá nhanh chóng có thể sẽ khiến Mỹ mất thời gian để hồi phục và phải chịu thêm thiệt hại về kinh tế.

Trong tháng qua, các nghị sĩ Mỹ cũng đã thông qua một số dự luật đối phó Trung Quốc.

Hôm 20/5, Thượng viện Mỹ thông qua dự luật yêu cầu tăng cường giám sát các công ty có trụ sở ở nước ngoài, mà mục tiêu có thể là nhắm cấm các công ty Trung Quốc giao dịch trên sàn chứng khoán Mỹ.

Hồi đầu tháng, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham đề xuất dự luật trừng phạt Trung Quốc nếu nước này không cung cấp thông tin về nguồn gốc dịch Covid-19 trong thời gian yêu cầu.  

Thượng nghị sĩ Ted Cruz trình một dự luật để trả đũa Trung Quốc vì cáo buộc “gây hiểm nhầm” cho Mỹ và thế giới về tình trạng thực tế của dịch hồi tháng 12 năm ngoái.

Tuy nhiên, đảng Dân chủ cũng có những do dự nhất định về việc Mỹ quá mạnh tay với Trung Quốc trong thời điểm bầu cử tới gần. Theo giới quan sát, phe Dân chủ lo ngại việc tung ra hàng loạt hành động mạnh mẽ với Trung Quốc có thể “đánh lạc hướng” những cáo buộc của đảng này về việc ông Trump dường như vẫn có thiếu sót trong chiến lược ứng phó với Covid-19 và khiến Mỹ trở thành vùng dịch lớn nhất thế giới.

Ngay cả trong nội bộ chính quyền của ông Trump, các trợ lý thân cận của ông như Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, Đại diện Thương mại Robert Lighthizer cũng tỏ ra thận trọng vì lo ngại họ có thể đánh mất thỏa thuận giai đoạn 1 mà phía Mỹ từng gặp nhiều khó khăn để thương lượng được như ý muốn.  

Chính vì vậy, Mỹ được xem là đang tập trung vào thực hiện các động thái có thể gửi thông điệp tới Trung Quốc, nhưng không gây tác động quá mạnh tới kinh tế Mỹ, bao gồm các lệnh trừng phạt liên quan tới vấn đề an ninh quốc gia, và các động thái kêu gọi các nước không cho phép Trung Quốc tham gia vào mạng 5G.

Thế khó tại "các bang chiến trường"

Cuộc thương chiến Mỹ - Trung của ông Trump cũng được xem đã gây ra các hậu quả kinh tế tại các bang chiến trường - những bang mà cử tri chưa nghiêng hẳn về phe Dân chủ và Cộng hòa và điều này có tác động quan trọng tới cục diện bầu cử tổng thống sắp tới.

Tại Ohio và Pennsylvania, các đòn thuế quan của ông Trump trong thương chiến với Trung Quốc đã khiến các nhà sản xuất bị đội chi phí, cũng như nhiều nông dân không bán được nông sản sang Trung Quốc.

Ngảnh sản xuất của Mỹ đã chứng kiến sự suy thoái nhẹ trong năm 2019, trong khi số trang trại hộ gia đình phá sản trong năm 2019 cao hơn năm trước khoảng 20%.

Chính quyền ông Trump đang cân nhắc tới việc kéo dài chương trình trợ cấp nông nghiệp tới năm thứ 3 nhằm giúp các nông dân có sinh kế để tiếp tục canh tác và hoạt động.

Ngoài ra, một số chính trị gia cũng cho rằng việc ông Trump dồn dập nhằm vào Trung Quốc vào thời điểm này có thể sẽ là hơi nhanh, nhất là vào thời điểm Mỹ đang cần chính phủ Bắc Kinh giữ lời hứa về việc tăng mua sắm hàng hóa Mỹ.

Đức Hoàng

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm