Thế giới vội vã ứng phó làn sóng Covid-19 bùng phát trở lại
(Dân trí) - Các nước đã triển khai nhiều biện pháp để ngăn chặn sự bùng phát trở lại của Covid-19 dù một số khu vực từng kiểm soát thành công dịch bệnh trước đó.
Mỹ, ổ dịch lớn nhất thế giới, vẫn đang vật lộn ứng phó với làn sóng Covid-19 đầu tiên, trong khi tỷ lệ lây nhiễm tăng mạnh từ tháng 6. Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Donald Trump, Robert O’Brien, trở thành quan chức cấp cao nhất của chính quyền Mỹ có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19. Nhà Trắng cho biết ông Trump không tiếp xúc với ông O’Brien trong nhiều ngày và không có nguy cơ bị lây nhiễm.
Số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 tăng vọt tại một số quốc gia, mặc dù các nước này trước đó dường như đã kiểm soát được dịch.
Australia ghi nhận số ca nhiễm trong ngày cao kỷ lục. Việt Nam cũng xuất hiện các ca lây nhiễm mới trong cộng đồng.
Trung Quốc đại lục, nơi khởi phát dịch từ cuối năm ngoái, cũng xác nhận các ca nhiễm bệnh không liên quan tới người từ nước ngoài về cao nhất từ đầu tháng 3.
Hong Kong cấm tụ tập quá 2 người, đóng cửa các nhà hàng và yêu cầu người dân đeo khẩu trang bắt buộc ở nơi công cộng.
Đợt bùng phát dịch mới cũng đang diễn ra tại Tây Ban Nha, điểm nóng Covid-19 tại châu Âu, buộc Anh ngày 25/7 yêu cầu tất cả hành khách từ Tây Ban Nha vào Anh phải cách ly trong 2 tuần. Động thái này đã chấm dứt nhiều tháng chuẩn bị kế hoạch mở cửa trở lại cho hoạt động du lịch ở châu Âu. Anh cũng khuyến cáo người dân dừng các hoạt động đi lại không cần thiết tới Tây Ban Nha.
Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng hạn chế đi lại không phải là giải pháp dài hạn để chống dịch Covid-19. WHO nhận định các chiến lược đã được chứng minh hiệu quả như giãn cách xã hội hay đeo khẩu trang nên được triển khai để ngăn chặn sự lây lan của virus.
“Các quốc gia đơn lẻ gần như không thể tiếp tục đóng cửa biên giới trong tương lai gần. Các nền kinh tế phải mở cửa, mọi người phải làm việc, thương mại phải được nối lại”, Giám đốc chương trình ứng phó khẩn cấp WHO Mike Ryan cho biết.
Theo Reuters, giới chức một số nước châu Âu và châu Á, nơi dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng, cho biết các ổ dịch có thể được kiểm soát bằng các biện pháp trên quy mô địa phương, thay vì phong tỏa cả nước.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez ngày 27/7 nói rằng chính sách cách ly của Anh đối với người từ Tây Ban Nha nhập cảnh vào Anh là một sai lầm lớn. Ông Sanchez cho biết sự bùng phát trở lại của các ca nhiễm mới chỉ tập trung tại 2 khu vực của Tây Ban Nha, trong khi các khu vực còn lại có tỷ lệ nhiễm bệnh thấp hơn nhiều, thậm chí thấp hơn cả Anh.
Các khách sạn tại Tây Ban Nha ngày 27/7 đã đề nghị thanh toán chi phí xét nghiệm Covid-19 cho khách du lịch nước ngoài. Năm ngoái, công dân Anh chiếm 1/5 trong tổng số khách du lịch nước ngoài tới Tây Ban Nha - quốc gia phụ thuộc chặt chẽ vào du lịch.
Sau khi vật lộn “sống sót” qua đợt dịch đầu tiên, các hãng hàng không và lữ hành tiếp tục lo ngại về đợt dịch thứ hai. Châu Âu vẫn chưa dỡ bỏ lệnh cấm đối với hành khách từ một số nước, trong đó có Mỹ - nơi ghi nhận số ca nhiễm và tử vong tăng vọt tại nhiều bang sau khi mở cửa sớm.
Florida là một trong những bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 tại Mỹ với khoảng 10.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Các bệnh viện phải huy động thêm nhân viên khi nhiều người bị đổ bệnh.
Trung Quốc từng thành công trong việc khống chế sự lây nhiễm của dịch Covid-19 ở trong nước thông qua các biện pháp phong tỏa khắt khe sau đợt dịch đầu tiên. Tuy nhiên, nước này đang ghi nhận đợt bùng phát dịch mới do các ca nhiễm ở khu vực Tân Cương.
Sau khi áp lệnh phong tỏa kéo dài 6 tuần tại nhiều khu vực ở bang Victoria, giới chức Australia cho biết có thể tiếp tục kéo dài lệnh phong tỏa trong bối cảnh nước này ghi nhận số ca nhiễm trong ngày tăng cao kỷ lục.
Chính phủ Nhật Bản cho biết sẽ hối thúc các lãnh đạo doanh nghiệp tăng cường các biện pháp chống dịch như chia ca làm việc nhằm ngăn chặn sự lây nhiễm trở lại của dịch Covid-19.