1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Thế giới ngập trong nợ

(Dân trí) - Các nước phát triển chiếm phần lớn nợ toàn cầu, trong khi đó tốc độ vay nợ ở các nước đang phát triển có xu hướng tăng nhanh hơn trong những năm gần đây, Viện Tài chính Quốc tế (IIF) cho biết.

Thế giới ngập trong nợ - 1

Ảnh minh họa: Bloomberg


Theo báo cáo công bố đầu tuần này của Viện Tài chính Quốc tế (IIF), trong 9 tháng đầu năm 2019, tổng nợ toàn cầu tăng 9.000 tỷ USD lên gần 253.000 tỷ USD. Tỷ lệ nợ trên GDP toàn cầu cũng lên mức 322%, cao nhất từ trước đến nay, cán mốc kỷ lục năm 2016. Nợ toàn cầu bao gồm các khoản nợ của hộ gia đình, chính phủ và doanh nghiệp.

Hơn một nửa trong khoản nợ khổng lồ này là từ các nước phát triển như Mỹ và các nước châu Âu. Bình quân tỷ lệ nợ trên GDP ở các nước này là 383%. Các nước như New Zealand, Thụy Sĩ, Na Uy đều ghi nhận tình trạng nợ hộ gia đình tăng, trong khi tỷ lệ nợ chính phủ trên GDP ở Mỹ và Úc cao nhất từ trước đến nay.

Tại các thị trường mới nổi, mức nợ thấp hơn, chiếm 72.000 tỷ USD trong số 253.000 tỷ USD, nhưng cũng bắt đầu xu hướng tăng nhanh hơn trong những năm gần đây. Ví dụ, tỷ lệ nợ trên GDP của Trung Quốc tiến gần mức 310%, cao nhất trong nhóm các nước đang phát triển.

IIF dự báo, nợ toàn cầu sẽ còn tăng tiếp trong năm 2020. “Trong bối cảnh lãi suất thấp và nới lỏng tài chính, chúng tôi dự đoán tổng nợ toàn cầu sẽ vượt 257.000 tỷ USD trong quý đầu 2020”, IIF cho biết.
Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã hạ lãi suất 3 lần trong năm 2019, trong khi đó lãi suất cơ bản của Ngân hàng trung ương châu Âu vẫn ở mức thấp kể từ hậu khủng hoảng tài chính.

IIF nhận định, nợ toàn cầu tăng nhanh kéo theo rủi ro với nền kinh tế thế giới, trong đó có rủi ro tái cấp vốn. IIF ước tính hơn 19.000 tỷ USD khoản vay hợp vốn và khoản vay trái phiếu sẽ đáo hạn trong năm 2020. Khả năng các khoản vay này được hoàn trả hoặc tái cấp vốn là rất khó.

Một vấn đề khác được IIF đề cập trong báo cáo là nhu cầu ngân sách cho các hoạt động chống biến đổi khí hậu. Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDR) của Liên Hợp Quốc cần 42.000 tỷ USD cho các đầu tư hạ tầng từ nay đến năm 2030, nhưng các nước có năng lực cho vay hạn chế có thể phải đối mặt với các thách thức lớn để đáp ứng các nhu cầu cấp vốn phát triển này, IIF nhận định.

Minh Phương
Tổng hợp