Nợ toàn cầu lên mức cao nhất mọi thời đại: 188 nghìn tỷ USD
(Dân trí) - Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - bà Kristalina Georgieva cảnh báo, nợ toàn cầu đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại: 188 nghìn tỷ USD - chiếm khoảng 230% sản lượng kinh tế của thế giới.
“Nợ toàn cầu đã tăng lên mức kỷ lục mới, gấp khoảng 230% sản lượng kinh tế của thế giới”, giám đốc IMF, bà Kristalina Georgieva nói.
“Trong khi vay của khu vực tư nhân chiếm phần lớn trong tổng số nợ, sự gia tăng nợ cũng khiến chính phủ và các cá nhân gặp rủi ro nếu nền kinh tế chậm lại”, bà Kristalina Georgieva cảnh báo.
“Nợ toàn cầu - cả công và tư - đã đạt mức cao nhất mọi thời đại là 188 nghìn tỷ USD. Con số này gấp khoảng 230% sản lượng kinh tế của thế giới”, bà Georgieva nói trong bài phát biểu khai mạc một hội nghị về Nợ, kéo dài trong hai ngày.
Con số này tăng so với kỷ lục 164 nghìn tỷ USD trước đó trong năm 2016, theo số liệu của IMF.
Trong khi lãi suất vẫn ở mức thấp, người vay có thể sử dụng các khoản vay để đầu tư vào các hoạt động sản xuất hoặc vượt qua cơn sốt giá hàng hóa nhưng nó có thể trở thành “lực cản cho sự tăng trưởng”, bà nói.
Tuy nhiên bà cảnh báo: “Gánh nặng nợ cao khiến nhiều chính phủ, công ty và hộ gia đình dễ bị đột ngột siết chặt các điều kiện tài chính”.
Nợ doanh nghiệp chiếm khoảng hai phần ba trong tổng số nợ, nhưng đồng thời những khoản vay của chính phủ cũng đã tăng lên trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu.
“Nợ công ở các nền kinh tế tiên tiến đang ở mức cao chưa từng thấy kể từ Thế chiến thứ hai”, bà cảnh báo. Và “nợ công ở thị trường mới nổi đang ở mức cao nhất từng thấy kể từ cuộc khủng hoảng nợ năm 1980”, bà cho biết thêm.
Vì vậy, để tránh khủng hoảng, bà kêu gọi các tổ chức tài chính hãy thực hiện các bước để đảm bảo “vay mượn bền vững hơn”, bao gồm thực hiện các hoạt động cho vay minh bạch hơn và chuẩn bị tái cơ cấu nợ với “những người cho vay phi truyền thống” mà bà đề cập trực tiếp là Trung Quốc, nơi đã trở thành chủ nợ chính cho các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là tại châu Phi.
Thùy Dung
Theo Daily Mail