1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Thế giới có thể thoát đại dịch vào năm tới?

Thành Đạt

(Dân trí) - Nếu dự báo của quan chức Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là chính xác, năm 2022 có thể là năm đại dịch Covid-19 kết thúc. Tuy nhiên vẫn còn nhiều câu hỏi bỏ ngỏ phía sau dự báo này.

Thế giới có thể thoát đại dịch vào năm tới? - 1

Nhân viên mặc đồ bảo hộ khử trùng một khu vườn ở Algeria năm 2020 (Ảnh: Reuters).

Theo bà Maria Van Kerkhove, chuyên gia hàng đầu về Covid-19 của WHO, khi làn sóng Covid-19 bước sang năm thứ 3 (năm 2022), thế giới đã có những công nghệ cần thiết để chấm dứt đại dịch. Vaccine Covid-19 đã được phát triển, thuốc điều trị virus đã được sản xuất, nhiều người đã được tiêm chủng và ngày càng có nhiều người biết cách điều trị bệnh.

"Chúng ta có các công cụ có thể loại bỏ dịch bệnh nghiêm trọng. Chúng ta có thể giảm ca tử vong vì Covid-19 và chúng ta cũng có thể giảm sự lây lan", bà Van Kerkhove viết trên tạp chí Nature Medicine tháng này.

Bà Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật ứng phó Covid-19 của WHO, cho rằng Covid-19 có thể kết thúc trong năm 2022. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 20/12 cũng tuyên bố "2022 phải là năm thế giới chấm dứt đại dịch".

Sự tiến hóa của virus

Các chuyên gia phần lớn đồng ý rằng, các biện pháp hạn chế lây nhiễm và tăng cường khả năng miễn dịch toàn cầu thông qua tiêm chủng rộng rãi - trước khi có bất kỳ biến chủng nguy hiểm nào xuất hiện - là con đường đưa thế giới ổn định trở lại.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh còn phụ thuộc vào hai ẩn số: cách virus tiến hóa và kích hoạt hệ miễn dịch và cách xã hội phản ứng với dịch bệnh.

"Việc kiểm soát virus này luôn nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta", bà Van Kerkhove nói.

Khi năm 2021 gần kết thúc và các hệ thống y tế đang phải đối mặt với biến chủng Omicron mới với khả năng lây lan nhanh chóng, nhà dịch tễ học kỳ cựu Michael Osterholm nói rằng, hiện tại ông cảm thấy không chắc chắn về con đường tương lai hơn so với 6 tháng trước.

Ông Osterholm, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách về Bệnh Truyền nhiễm thuộc Đại học Minnesota, cho biết: "Chúng ta sẽ phải xem xét lại những giả định mà chúng ta từng đưa ra trước đó đối với đại dịch này. Nhiều người cho rằng Covid-19 sẽ giống dịch cúm - 2 năm nữa chúng ta sẽ thoát khỏi nó. Nhưng chúng ta còn lâu mới kết thúc đại dịch này, điều chúng ta chưa dự đoán được là nó sẽ bùng phát như thế nào trong vài ngày đến vài tuần hay nhiều tháng tới. Chúng ta không biết điều đó".

Một lý do dẫn đến nhận định trên là đường cong tiến hóa mà Covid-19 đã tạo ra, khiến nhiều người không chắc chắn liệu virus có giống cúm mùa, tiến hóa để cải tiến vaccine trong thời gian dài hơn có những thay đổi đột ngột hơn. Chỉ trong một năm, hai biến chủng Alpha và Delta đã xuất hiện, chủng sau có khả năng lây nhiễm cao hơn chủng trước và trở thành chủng thống trị. Gần đây nhất, biến chủng Omicron với số lượng đột biến nhiều chưa từng có cũng đã xuất hiện và lây lan nhanh chóng.

Tỷ phú Bill Gates dự đoán giai đoạn cấp tính của đại dịch Covid-19 sẽ chấm dứt vào năm 2022. Bill Gates thừa nhận Omicron "đang gây lo ngại", nhưng cũng nhấn mạnh, với tốc độ phát hiện biến chủng mới như hiện nay cùng với việc phát triển vaccine và thuốc điều trị, ông hy vọng Covid-19 sẽ trở thành một bệnh đặc hữu vào năm 2022.

"Không ai biết khi nào biến chủng thoát miễn dịch tiếp theo sẽ xuất hiện, cũng không ai biết liệu biến chủng đó có đột biến vượt trội như Omicron, hay chỉ tiến hóa dần giống virus cúm mùa trước đây", chuyên gia sinh học tiến hóa Maciej Boni, phó giáo sư tại Trung tâm bệnh truyền nhiễm Penn State ở Mỹ, cho biết.

Theo chuyên gia Boni, nếu Covid-19 hoạt động như dịch cúm, chúng ta có thể theo dõi và cập nhật vaccine vài năm một lần, đồng thời tiêm chủng cho cộng đồng và cứ tiếp tục như vậy. Nhưng vì các biến chủng mới liên tục xuất hiện, nên hiện tại không ai có thể dự đoán được năm 2022 và 2023 sẽ như thế nào.

Hiện chưa rõ có cần phải cập nhật các loại vaccine để đối phó với biến chủng Omicron hay không, bởi các báo cáo sơ bộ cho thấy tiêm vaccine vẫn có thể bảo vệ con người trước nguy cơ bệnh nặng và liều vaccine tăng cường có thể cải thiện khả năng bảo vệ. Một số bằng chứng ban đầu cho thấy Omicron có thể gây triệu chứng ít nghiêm trọng hơn so với biến chủng Delta, nhưng nếu đúng như vậy thì không rõ đó là do đặc tính của virus hay do miễn dịch hiện có. Dù thế nào đi nữa, số ca nhiễm tăng nhanh đã gióng lên hồi chuông cảnh báo trên toàn cầu rằng, chủng virus mới sẽ khiến số ca nhập viện tăng lên trong thời gian tới.

Chìa khóa vaccine

Thế giới có thể thoát đại dịch vào năm tới? - 2

Nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vaccine ở Italy (Ảnh: Getty).

Nhà miễn dịch học Ashley St John, phó giáo sư tại Trường Y Duke-NUS ở Singapore, cho biết "chìa khóa để kiểm soát dịch bệnh là tăng độ phủ vaccine". Điều này sẽ giúp các ca nhiễm có triệu chứng nhẹ hơn, giảm thiểu số ca nhập viện và tránh gây áp lực cho hệ thống y tế.

"Nếu chúng ta bắt đầu nhận thấy có những biến chủng mới không thể kiểm soát hiệu quả, chúng ta có thể đưa ra các chiến lược để giải quyết vấn đề đó", ông John nói. Những chiến lược này bao gồm tiêm liều tăng cường và phát triển các phương pháp điều trị, điều chỉnh liều lượng vaccine theo biến chủng hoặc phát triển vaccine thế hệ mới giúp đối phó nhiều biến chủng hơn hoặc cải thiện khả năng miễn dịch.

Tuy nhiên tỷ lệ tiêm chủng cao vẫn là rào cản lớn đối với thế giới trong năm 2021, bất chấp những cam kết sớm về việc đưa vaccine trở thành hàng hóa công cộng toàn cầu, cũng như cam kết cung ứng hàng tỷ liều vaccine cho thế giới.

Theo hãng phân tích Airfinity, ước tính có khoảng 11 tỷ liều vaccine được sản xuất vào năm 2021. Nhưng tính đến tháng trước, khoảng 80% số vaccine này đã được chuyển đến nhóm 20 quốc gia giàu có, trong khi chỉ có 0,6% được chuyển đến các quốc gia có thu nhập thấp, theo WHO. Các liều vaccine tăng cường đã được chuyển đến cho những người có nguy cơ lây nhiễm thấp ở những nước giàu, trước khi chúng được chuyển đến cho các nước nghèo hơn - những nơi mà người dân thậm chí còn chưa được tiêm mũi đầu tiên.

Ngay cả những quốc gia giàu có như Mỹ và Anh cũng chỉ có hơn 70% và 80% dân số trên 12 tuổi được tiêm chủng đầy đủ, đồng nghĩa với việc vẫn còn nhiều người chưa có miễn dịch nhờ vaccine.

"Chúng ta vẫn đang lùi lại phía sau, vẫn còn rất nhiều người chưa được bất kỳ loại vaccine nào bảo vệ, và vấn đề này rất phức tạp", nhà tiêm chủng học Jon Andrus tại Viện Y tế Công cộng thuộc Đại học George Washington cho biết.

Các chuyên gia cho biết, việc đảm bảo tiếp cận công bằng và rộng rãi hơn vaccine Covid-19 có nghĩa là phải mở rộng sản xuất và chia sẻ liều lượng nhiều hơn. Và nếu điều đó không xảy ra, thế giới sẽ tiếp tục đối mặt với các đợt bùng phát dịch lớn, các ca tử vong và bệnh nặng ở các quốc gia không có đủ vaccine, đồng thời dẫn đến nguy cơ các biến chủng né vaccine sẽ lây lan từ các nước này sang các quốc gia đã được tiếp cận vaccine.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm