Thập niên chuyển mình mạnh mẽ của Trung Quốc
(Dân trí) - Trong 10 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình và Đảng Cộng sản Trung Quốc, quốc gia này đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật.
Tháng 11/2012, tại Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18, ông Tập Cận Bình được bầu làm Tổng Bí thư, đại diện cho thế hệ lãnh đạo thứ 5 của nước này. Trong suốt thập niên vừa qua, Trung Quốc đã đạt các thành tựu lớn trên công cuộc hiện thực hóa "Giấc mộng Trung Hoa".
Cải tổ tư duy và tăng trưởng kinh tế
Sau thời gian tăng trưởng "nóng" liên tục và dưới tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nền kinh tế Trung Quốc giai đoạn 2008 - 2012 bắt đầu có dấu hiệu sụt giảm. Do đó, vấn đề đặt ra cấp bách sau Đại hội Đảng lần thứ 18 là làm thế nào phải giữ ổn định tăng trưởng kinh tế trong điều tiết kinh tế vĩ mô. Yêu cầu cấp bách về cải tổ kinh tế được đặt ra, trong đó trước hết là cải tổ về tư duy kinh tế theo hướng tập trung vào tăng nhu cầu và năng suất nội địa.
Việc thay đổi tư duy kinh tế được thể hiện ở các chủ trương, phương pháp luận về chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả và động lực cho tăng trưởng kinh tế. Từ đây, tư duy kinh tế Tập Cận Bình (Xiconomics) được hình thành, trong đó bao gồm các nguyên tắc chỉ đạo dài hạn của nền kinh tế Trung Quốc và là trọng tâm của "Tư tưởng Tập Cận Bình", được coi là "sợi chỉ đỏ" xuyên suốt quá trình phát triển của Trung Quốc trong suốt một thập niên vừa qua.
Sự đổi mới về tư duy kinh tế đã giúp Trung Quốc gặt hái nhiều thành tựu quan trọng. Với nhiều chỉ số tăng gấp đôi, thập niên vừa qua được coi là thời kỳ hưng thịnh của nền kinh tế Trung Quốc khi bước vào giai đoạn phát triển chất lượng cao hơn, hiệu quả, bền vững và an toàn hơn.
Hiện nay, Trung Quốc được coi là một trong những nền kinh tế hàng đầu trên thế giới. Sau khi vươn lên vị trí nền kinh tế thứ 2 thế giới từ năm 2010, thập niên qua chứng kiến nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục phát triển mạnh mẽ.
Ngày 13/10, Xinhua tổng kết, từ năm 2012 - 2021, GDP Trung Quốc đã tăng từ 53,9 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 7,58 nghìn tỷ USD) lên 114,4 nghìn tỷ nhân dân tệ, GDP bình quân đầu người tăng từ 6.300 USD lên 12.000 USD. Đóng góp của nền kinh tế Trung Quốc vào nền kinh tế toàn cầu vượt hơn 30%.
Tổng kim ngạch thương mại hàng hóa và dịch vụ của Trung Quốc cũng có bước tiến dài khi vươn lên vị trí số một thế giới (từ 4.400 tỷ USD năm 2012 lên 6.900 tỷ USD năm 2021).
Năm 2021, vào dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản, Trung Quốc khẳng định đã hoàn thành mục tiêu xây dựng xã hội toàn diện khả giả và bước vào chặng đường mới.
Chiến dịch "đả hổ, diệt ruồi"
Đảng Cộng sản Trung Quốc đã giành được chiến thắng áp đảo và củng cố đầy đủ những thành quả đạt được trong cuộc chiến chống tham nhũng. Đây được coi dấu ấn đậm nét của ông Tập Cận Bình trong một thập niên qua.
Theo số liệu từ Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc, từ năm 2012 - 2022 đã có tới 11,3 triệu người, từ công chức bình thường tới bộ trưởng, tướng quân đội và lãnh đạo ngân hàng đã bị cảnh cáo, kỷ luật và xử lý vì có hành vi tham nhũng.
Có tới 4,7 triệu người bị điều tra vì có những hành vi sai phạm nghiêm trọng và ít nhất 1,5 triệu người bị trừng phạt, trong đó một số quan chức bị tuyên án tử hình.
Tại phiên khai mạc Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 vào sáng ngày 16/10, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh: "Chúng tôi đã quyết tâm xử lý vài nghìn người, chứ không để 1,4 tỷ người phải thất bại và xóa sạch mọi tệ nạn trong Đảng". Các nguy cơ tiềm ẩn nghiêm trọng bên trong Đảng, đất nước và quân đội Trung Quốc đã bị loại bỏ.
Ông Tập nói: "Những xu hướng không lành mạnh từ lâu không được kiểm soát đã được đảo ngược và những vấn đề sâu xa đã gây khó khăn cho Đảng trong nhiều năm đã được giải quyết".
Trong thời gian qua, ông Tập Cận Bình cũng đã thúc đẩy văn hóa tiết kiệm ở Trung Quốc, đồng nghĩa các bữa tiệc xa hoa của các quan chức bị hạn chế đáng kể.
Chiến lược kinh tế "Tuần hoàn kép"
Tháng 5/2020, lần đầu tiên khái niệm "vòng tuần hoàn kép" được ông Tập nêu ra tại Hội nghị Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đến tháng 10 cùng năm, "vòng tuần hoàn kép" được khẳng định là chiến lược phát triển kinh tế lâu dài, là một trong những nguyên tắc cơ bản trong Quy hoạch phát triển 5 năm lần thứ 14 và Mục tiêu, tầm nhìn đến năm 2035 của Trung Quốc.
Chiến lược này tập trung nhiều hơn vào thị trường nội địa và là chiến lược thích ứng của Trung Quốc với thế giới bên ngoài ngày, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung ngày càng khốc liệt. Chìa khóa của chiến lược là khai thác tiềm năng của thị trường nội địa khổng lồ của Trung Quốc và thúc đẩy đổi mới bản địa để thúc đẩy tăng trưởng. Trong tương lai, Trung Quốc sẽ ít phụ thuộc hơn vào tăng trưởng dựa vào xuất khẩu, hoặc lưu thông bên ngoài, mặc dù nó sẽ không bị từ bỏ hoàn toàn.
Các nhà chức trách nước này hy vọng sẽ thúc đẩy sự độc lập về công nghệ và đã đưa ra các biện pháp khuyến khích để cải thiện sản xuất chất bán dẫn và các công nghệ tiên tiến khác, đặc biệt là trong các lĩnh vực có thể bị Mỹ siết chặt. Tuy nhiên, nhiều lần ông Tập trấn an rằng, Trung Quốc không hoàn toàn khép mình với thế giới bên ngoài, thay vào đó sẽ mở cửa nhiều hơn.
Các chuyên gia quốc tế đánh giá, chiến lược kinh tế "vòng tuần hoàn kép" có thể tạo nên cục diện phát triển mới của Trung Quốc, đồng thời tác động không nhỏ đến kinh tế thế giới và khu vực.
Chấm dứt đói nghèo
Đây được coi là nỗ lực to lớn mà Trung Quốc đã đạt được trong thời gian qua. Ngày 3/12/2020, tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản, ông Tập Cận Bình tuyên bố, Trung Quốc đã "đưa toàn bộ cư dân nghèo ở nông thôn (khoảng 100 triệu người) thoát khỏi đói nghèo". Đây được coi là một cột mốc quan trọng của đất nước này.
Theo dữ liệu từ Ngân hàng thế giới (WB), năm 2013 - một năm sau khi ông Tập lên nắm quyền, Trung Quốc có tới 82 triệu người sống trong cảnh nghèo đói cùng cực, nhưng đến năm 2019, con số này chỉ còn 6 triệu người.
Chính phủ Trung Quốc cho biết, từ năm 2013 - 2021, có tới 1,6 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 230 tỷ USD) đã được đầu tư nhằm cải thiện điều kiện sống cho người dân, xây dựng cầu đường, nhà cửa và cơ sở hạ tầng khác. Hàng triệu hộ gia đình ở những khu vực hẻo lánh được chuyển tới những ngôi làng có cơ hội phát triển kinh tế tốt hơn.
Thu nhập của người dân cũng bắt kịp với tốc độ phát triển kinh tế mạnh mẽ. Theo Tổng cục Thống kê Trung Quốc, năm 2021, thu nhập bình quân đầu người (sau khi nộp thuế và bảo hiểm xã hội) đạt 35.128 nhân dân tệ (tương đương 4.940 USD), tăng 112,8% so với năm 2012.
Khoảng cách thu nhập giữa người dân thành thị và nông thôn cũng được thu hẹp. Năm 2021, thu nhập bình quân của người dân thành thị là 47.412 nhân dân tệ, tăng 96,5% so với năm 2012, trong khi thu nhập bình quân của người dân nông thôn là 18.931 nhân dân tệ, tăng 125,7% so với 10 năm trước.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã đạt được các điểm sáng về an sinh xã hội như xóa bỏ chính sách một con. Đây là thay đổi quan trọng trong chính sách dân số dưới thời Tập Cận Bình.
Thịnh vượng chung
Trong "Nghị quyết lịch sử thứ ba" được công bố vào tháng 11/2021, Đảng Cộng sản Trung Quốc coi "Thịnh vượng chung" là mục tiêu trung tâm của đất nước dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình.
People's Daily - Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cho biết mục tiêu của "Thịnh vượng chung" là xây dựng một Trung Quốc bình đẳng hơn, bằng cách "tăng nhóm thu nhập trung bình, nâng thu nhập của nhóm thu nhập thấp, điều chỉnh hợp lý nhóm thu nhập cao và cấm các nguồn thu bất hợp pháp".
"Thịnh vượng chung" trở thành động lực cho nhiều chính sách của ông Tập, trong đó có chiến dịch nhắm vào các tập đoàn công nghệ khổng lồ được coi là đã lợi dụng sức mạnh thị trường của mình để gia tăng lợi nhuận.
Chiến lược này tập trung vào tiêu dùng tại cơ sở như một động lực thúc đẩy tăng trưởng, thay vì đầu tư thâm dụng vốn, vốn đã phổ biến trong những thập niên trước. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đang được hỗ trợ nhiều hơn.
Để đạt được điều đó, các nhà lãnh đạo của Trung Quốc đã đưa ra những thay đổi thuận lợi về thuế và các khoản thanh toán an sinh xã hội cho những người có thu nhập trung bình; ban hành các chính sách để tăng thu nhập của người nghèo; và xử lý các động thái có thể làm phát sinh "thu nhập bất hợp pháp".
"Thịnh vượng chung" không chỉ áp dụng cho thị trường tài chính, nó còn áp dụng cho đời sống văn hóa và tinh thần của xã hội và sẽ được mở rộng ra ngoài các thành phố đến các vùng nông thôn.
Nhà bình luận chính trị Ren Yi của Trung Quốc cho rằng, "Thịnh vượng chung" cho phép Trung Quốc chuẩn bị tốt hơn cho tương lai, khi công nghệ tự động hóa trỗi dậy. Trong khi đó, mô hình "chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc" cũng giúp nước này thích ứng tốt hơn với tương lai đầy biến động trước mắt, theo ông Ren.
Những thành tựu khác
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đạt được các thành tựu lớn trong chương trình không gian vũ trụ, cơ sở hạ tầng và môi trường:
Về Chương trình không gian vũ trụ: Trong thập niên qua, Trung Quốc đã có những bước tiến dài trong các lĩnh vực khác nhau từ thám hiểm không gian vũ trụ, thu hẹp rất nhiều khoảng cách so với Mỹ, Nga và châu Âu. Năm 2013 và 2019, các tàu thám hiểm của Trung Quốc đã lên Mặt Trăng, trong đó chuyến đi của tàu Hằng Nga 4 năm 2019 đánh dấu lần đầu tiên một tàu vũ trụ hạ cánh xuống vùng tối của Mặt Trăng.
Tháng 12/2020, tàu Hằng Nga 5 của Trung Quốc trở về Trái Đất an toàn sau sứ mệnh khám phá Mặt Trăng, đem theo khoảng 2kg đá mẫu vật từ hành tinh này. Đây là mẫu vật đầu tiên từ Mặt Trăng mà con người thu thập trong suốt 4 thập niên qua. Cũng trong năm 2020, hệ thống vệ tinh Bắc Đẩu của Trung Quốc được hoàn thành, trở thành đối thủ cạnh tranh với hệ thống GPS của Mỹ.
Ngày 15/5/2021, sứ mệnh Thiên Vấn-1 của Trung Quốc đã thành công. Một tàu quỹ đạo, một tàu đổ bộ và một tàu thăm dò đã đáp xuống Sao Hỏa.
Trung Quốc hy vọng trong năm 2022 sẽ hoàn thành Trạm Không gian Thiên Cung.
Về cơ sở hạ tầng: Trong 10 năm qua, cơ sở hạ tầng giao thông Trung Quốc đã được nhiều cải thiện. Chiều dài mạng lưới tàu cao tốc đã tăng gấp 4, từ khoảng 9.300km năm 2012 lên 40.000km vào năm 2021.
Hiện nay, Trung Quốc có tới 250 sân bay, với 82 sân bay được xây dựng trong thập niên qua. Từ năm 2012 - 2019, lưu lượng hành khách đi máy bay đã tăng gấp đôi.
Các dự án cơ sở hạ tầng đã giúp thúc đẩy đi lại và du lịch, cũng như kích thích nền kinh tế, mở ra cơ hội phát triển nhiều hơn cho khu vực miền Tây vốn kém phát triển hơn của Trung Quốc.
Về môi trường: Năm 2016, Trung Quốc đã tham gia Hiệp ước Khí hậu Paris. Năm 2020, ông Tập cam kết Trung Quốc sẽ đạt mức phát thải carbon cao nhất vào năm 2030 và hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060.
Từ năm 2021, Bộ Môi trường Trung Quốc bắt đầu công bố nhiều dữ liệu về ô nhiễm không khí. Trong giai đoạn từ năm 2015 - 2021, nồng độ bụi mịn độc hại trong không khí đã giảm 34,8% trong giai đoạn 2015 - 2021.
Các hệ thống phân loại rác thải cũng được áp dụng tại nhiều đô thị ở Trung Quốc. Tại siêu đô thị Thượng Hải, phân loại rác thải là quy định bắt buộc kể từ năm 2019.
Hơn nữa, nhờ kiên trì thúc đẩy vai trò của đổi mới sáng tạo trong quá trình xây dựng và hiện đại hóa, xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Trung Quốc đã tăng từ hạng 34 lên 11 trong 10 năm.
Có thể thấy, các thành tựu mà Trung Quốc đã đạt được trong một thập niên qua là rất ấn tượng với những bước chuyển mình đáng kể, những dự án mang tính bước ngoặt và các bước đột phá.
Trong tương lai, Trung Quốc sẽ phải phấn đấu để đạt các mục tiêu phát triển mới và đặt sự thịnh vượng chung ở vị trí nổi bật hơn, hướng tới sự sung túc cho tất cả mọi người, cả về vật chất và văn hóa, đồng thời sự phát triển này nên theo hướng đóng góp một cách hiệu quả, tích cực vào sự phát triển và thịnh vượng chung của thế giới.