1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thành phố Ukraine bị phá hủy 90%, xung đột có thể kéo dài nhiều năm

Thành Đạt

(Dân trí) - Các quan chức NATO và Mỹ đều cho rằng cuộc xung đột tại Ukraine có thể kéo dài nhiều năm, trong khi giao tranh vẫn đang nổ ra ở các thành phố.

Thành phố Ukraine bị phá hủy 90%, xung đột có thể kéo dài nhiều năm - 1

Cảnh đổ nát ở Mariupol, Ukraine sau các cuộc giao tranh (Ảnh: Reuters).

"Nga có thể kết thúc cuộc xung đột (tại Ukraine) bằng cách rút quân và rút lực lượng của họ, ngừng tấn công Ukraine, đồng thời ngồi xuống đàm phán với thiện chí và tìm ra một giải pháp chính trị. Nhưng đồng thời, chúng ta phải nhìn nhận thực tế rằng cuộc xung đột này có thể kéo dài, trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Và đó là lý do chúng ta cũng cần chuẩn bị cho một chặng đường dài, bao gồm hỗ trợ Ukraine, duy trì các biện pháp trừng phạt và tăng cường khả năng phòng thủ của chúng ta", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu hôm 6/4, trước thềm cuộc họp của các ngoại trưởng NATO trong tuần này.

Đồng quan điểm với Tổng thư ký NATO, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley cũng cảnh báo cuộc xung đột tại Ukraine có thể kéo dài.

"Tôi cho rằng đây là một cuộc xung đột kéo dài và có thể được tính bằng năm. Tôi không nghĩ nó sẽ kéo dài tới một thập niên, nhưng chắc chắn ít nhất là vài năm", Tướng Milley cho biết.

Ông Milley nhận định chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine là "mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình cũng như an ninh của châu Âu và có lẽ là của cả thế giới" trong 42 năm ông phục vụ trong quân đội Mỹ.

Theo các quan chức Mỹ và châu Âu, Ukraine vẫn có nhu cầu tiếp nhận hỗ trợ quân sự khẩn cấp để đối phó với chiến dịch quân sự của Nga.

"Ukraine có nhu cầu khẩn cấp về hỗ trợ quân sự. Và đó là lý do các đồng minh NATO cần hỗ trợ thêm cho Ukraine nhiều loại thiết bị quân sự khác nhau, cả thiết bị hạng nặng cũng như các hệ thống vũ khí hạng nhẹ. Chúng tôi đã thấy rằng sự hỗ trợ này đang thực sự phát huy hiệu quả mỗi ngày", Tổng thư ký NATO cho biết.

Mỹ và các đồng minh vẫn đang tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine. Các nước chủ yếu cung cấp hệ thống tên lửa phòng không hoặc chống tăng vác vai, song từ chối gửi máy bay chiến đấu hay lập vùng cấm bay ở Ukraine.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky mới đây kêu gọi phương Tây hỗ trợ máy bay, xe tăng hoặc các vũ khí sát thương cao hơn do lo ngại xung đột có thể căng thẳng hơn trong những ngày tới. Mặc dù vậy, phương Tây đến nay vẫn do dự vì nguy cơ xung đột trực tiếp với Nga.

Giới chức Mỹ ngày 6/4 cho biết Nga đã rút hoàn toàn lực lượng khỏi khu vực xung quanh thủ đô Kiev và thành phố Chernihiv. Động thái này diễn ra sau khi Moscow tuyên bố đã hoàn tất giai đoạn 1 của chiến dịch quân sự tại Ukraine, chuyển hướng sang mục tiêu tiếp theo là "giải phóng" vùng Donbass ở Đông Ukraine.

Giao tranh vẫn tiếp tục nổ ra tại các thành phố khác của Ukraine, đặc biệt tại điểm nóng Mariupol ở Đông Nam Ukraine. Ông Vadim Boychenko, Thị trưởng thành phố Mariupol, hôm 6/4 cho biết hơn 90% cơ sở hạ tầng của thành phố đã bị phá hủy và ít nhất 40% trong số đó "không thể phục hồi" sau các cuộc không kích.

Ông Boychenko cho biết, theo ước tính sơ bộ, nhiều người đã chết ở Mariupol trong một tháng bị phong tỏa, trong đó có các trẻ em.

Nga nhiều lần đưa ra "tối hậu thư", kêu gọi lực lượng vũ trang Ukraine tại Mariupol đầu hàng, song Kiev cho đến nay vẫn bác bỏ.

Các cuộc giao tranh khốc liệt giữa Nga và Ukraine hơn một tháng qua khiến Mariupol đối mặt với thảm họa nhân đạo. Hiện còn khoảng 130.000 người dân mắc kẹt ở Mariupol. Tuần trước, Tổng thống Ukraine đã kêu gọi thế giới hành động để ngăn chặn thảm họa nhân đạo ở Mariupol. 

Theo Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine