1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thành phố Mỹ sắp có thị trưởng gốc Việt đầu tiên?

(Dân trí) –Tri Ta, một người Mỹ gốc Việt đang có cơ hội lớn trở thành thị trưởng thành phố Westminster, nơi có khu Little Saigon, thường được ví như thủ phủ của người gốc Việt tại Mỹ.

Trong nhiều thập niên kể từ khi người Việt tới định cư tại Mỹ, các cử tri nhập cư tại quận Cam đã bầu nhiều người Việt vào những vị trí quan trọng như quan tòa, ủy viên hội đồng lập pháp, thành viên hội đồng thành phố và ban quản trị của trường học...Dù vậy riêng vị trí người được dân bầu cao nhất của Westminster dường như vẫn ngoài tầm với.

Một góc khu Little Saigon tại quận Cam, Mỹ
Một góc khu Little Saigon tại quận Cam, Mỹ

Thế nhưng có vẻ điều đó sắp thay đổi. Tri Ta, biên tập viên một tạp chí và hiện là thị trưởng tạm quyền của thành phố có thể sẽ đi vào lịch sử nếu ông trở thành người giành nhiều phiếu phiếu nhất trong cuộc đua với 4 ứng cử viên khác vào chiếc ghế thị trưởng.

Đối thủ của ông lúc này là doanh nhân Al Hamade, ủy viên hội đồng thành phố Penny Loomer, chủ các cơ sở kinh doanh Ha Minh Mach và Tamara Sue Pennington và một kỹ sư giao thông thiếu kinh nghiệm chính trị và các mối quan hệ.

Ông Ta, năm nay 39 tuổi, đã là thành viên hội đồng thành phố 6 năm và được bà Margie Rice, thị trưởng hiện tại và cũng là thị trưởng lâu đời nhất của thành phố tiến cử. Mặc dù bộ mặt của Westminster đã thay đổi từ lâu nhưng việc một người Việt được bầu làm thị trưởng vẫn đánh dấu “một bước đi nữa cho thấy sự hòa nhập chính trị của người Việt”, Jeff Brody, giáo sư đại học California, người đã nghiên cứu và viết nhiều về Little Saigon nhận định.

Theo ông Brody đã phải mất rất nhiều thời gian người Việt mới vượt qua được ngưỡng quan trọng này bởi Westminster là một thành phố đa văn hóa, do đó “một ứng cử viên cần phải tạo dựng được một liên minh của người Việt, người La tinh và cả các cử tri da trắng”.

Một ứng cử viên giờ không thể chỉ dựa vào một cái tên mang đặc trưng sắc tộc để giành phiếu bầu từ một nhóm dân cư nhất định, vị chuyên gia khẳng định. Các cử tri nhập cư đã trưởng thành và “sự đa dạng tại Westminster có nghĩa là ứng viên thị trưởng phải đại diện cho lợi ích toàn thành phố chứ không chỉ một nhóm người”, ông Brody nói tiếp.

Từng là một cộng đồng gồm đa số là người da trắng thuộc tầng lớp trung lưu, Westminster giờ đây là một thành phố không có nhóm sắc tộc thiểu số cho dù số lượng dân gốc châu Á, chiếm khoảng 44%, vẫn là nhóm dân cư đông đúc nhất. Hơn một phần ba trong số 91.000 dân ở đây là người gốc Việt.

Cũng chính vì điều này mà những ứng viên người Mỹ gốc Việt thường bị “soi” nhiều hơn do thường bị cho rằng chỉ đại diện cho các đồng hường của mình. Nhưng với ông Ta, ông phủ nhận mình có tư tưởng này. “Tôi nghĩ tôi là người thực sự trung thực và công bằng. Tôi ở đây để phục vụ mọi người”.

Thị trưởng Rice, 83 tuổi cho biết bà đã khuyến khích Ta tranh cử vào vị trí mình nắm giữ. Bà chỉ muốn ông Ta hứa một việc đó là sẽ tiếp tục những truyền thống của thành phố như: lễ tưởng niệm ngày nước Mỹ bị tấn công khủng bố 11/9/2001, ngày kỷ niệm lá cờ Mỹ, lễ treo đèn cây thông Noel và lễ diễu hành đầy màu sắc mỗi dịp Tết âm lịch của Việt Nam.

“Tôi đang tìm một người thực sự hiểu về lịch sử và truyền thống của chúng tôi. Cậu ấy khá điềm tĩnh nhưng có thể rất mạnh mẽ khi cần”, bà Rice nói.

Ông Ta đến Mỹ năm 1992 và theo học tại đại học Califorina với ý định ban đầu là học ngành khoa học máy tính. Sau khi tham dự buổi thi đầu tiên tại lớp khoa học chính trị, Ta cho biết một giáo sư đã gọi ông lại và nói: “Cậu có năng khiếu với lĩnh vực này”. Vậy là ông Ta đổi ngành học.

Hiện ông là giám đốc điều hành Viet Salon, một tạp chí chuyên viết về các salon làm móng tay và sống cùng gia đình trong khu công viên nhà di động Mission del Amo. Ông chính là người Mỹ gốc Việt thứ ba chạy đua vào ghế thị trưởng Westminster. Những người trước đó đều thất bại.

Thanh Tùng
Theo LA times