1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thăng trầm cuộc đời Ariel Sharon

Từ một tay súng trẻ con trong lực lượng quân sự bí mật của người Do Thái, Ariel Sharon đã trở thành nhân vật quyền lực bậc nhất tại Trung Đông.

Cứng rắn trên chiến trường

 

Sinh tháng 2/1928 tại vùng Kfar Malal, Ariel Scheinermann (tên thật của Thủ tướng Israel A.Sharon) đã sớm lao vào cơn lốc xoáy của cuộc đời. Năm lên 14 tuổi, Sharon tham gia Haganah, một lực lượng bán quân sự hoạt động trong bóng tối của người Do Thái. Chính môi trường đầy gió bụi này đã tạo nên một con người ngang tàng và lạnh lùng.

 

Năm 1948, Sharon, khi ấy đã là một chiến binh dạn dày, chỉ huy đơn vị bộ binh tham chiến tại Jerusalem rồi sau đó nhanh chóng được bổ nhiệm vào vị trí chỉ huy lực lượng tình báo miền Bắc và Trung. Năm 1953, Sharon chỉ huy đội đặc nhiệm 101 thực hiện vụ tấn công tại Qibieh thuộc Bờ Tây khiến 69 thường dân thiệt mạng. 

 

Năm 1973, ông giữ vai trò tư lệnh đơn vị thiết giáp trong chiến dịch tại bán đảo Sinai, Ai Cập. Tại đây, Sharon đã chống lại lệnh thượng cấp để dẫn quân băng qua kênh đào Suez khiến Israel tổn thất nhiều sinh mạng không cần thiết.

 

Khi giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng năm 1981, Sharon là "kiến trúc sư" cho cuộc tấn công vào Li-băng khiến lãnh đạo người Palestine Y.Arafat phải chạy sang Tunisia tị nạn. Chiến dịch mạnh tay của ông còn gián tiếp gây ra vụ thảm sát hơn 700 thường dân Palestine tại các trại tị nạn ở Sabra và Shatila. Chính sự kiện này đã đẩy Sharon khỏi ghế Bộ trưởng Quốc phòng năm 1983.

 

Thăng hoa trong chính trường

 

Bên ngoài chính trường, cuộc sống của Sharon gặp rất nhiều trắc trở. Ông từng 2 lần góa vợ; 1 trong 3 người con trai của ông qua đời vào năm 1967.  

Sharon lần đầu tiên được bầu vào Quốc hội Israel năm 1973, là đại diện của đảng cánh hữu Gachal. Chỉ một năm sau, ông rời quốc hội và làm cố vấn an ninh cho Thủ tướng Y.Rabin. Ông chính là một trong những người tham gia thành lập Likud, đảng cánh hữu nằm trong liên minh cầm quyền hiện tại.

 

Trên cương vị Bộ trưởng Nông nghiệp (1977-1981), Sharon đã chủ trương rút các khu định cư Do Thái khỏi bán đảo Sinai theo thỏa thuận hòa bình với Ai Cập. Sharon cho biết, việc rút lui này nhằm thúc đẩy hợp tác nông nghiệp với Ai Cập nhưng thực sự lúc đó ông đang muốn dồn sức cho việc xây dựng các khu định cư tại Gaza và Bờ Tây. Chính chủ trương mở rộng khu định cư Do Thái trên đất của người Palestine đã tạo ra làn sóng bất ổn triền miên tại Trung Đông. 

 

Sau nhiều năm lăn lộn, cuối cùng cơ hội lớn đã đến với Sharon vào năm 1999. Sau khi B.Netanyahu từ chức Chủ tịch đảng Likud, ông đã được bầu lên thay thế. Từ vị trí này, ông tiếp tục giành chiến thắng để trở thành Thủ tướng Israel trong cuộc bầu cử năm 2001.

 

Đột ngột chuyển hướng

 

Có thể thấy, trong phần lớn sự nghiệp chính trị của mình, Sharon luôn chủ trương đối thoại với người Palestine và thế giới Ảrập bằng ngôn từ cứng rắn. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, người ta đã chứng kiến một sự đổi thay bất ngờ. Từ cứng rắn, ông đã chuyển sang lập trường ôn hòa mà việc rút khu định cư Do Thái khỏi Dải Gaza và một phần Bờ Tây đã chứng minh điều đó. Chủ trương này khiến ông Sharon bị những người theo đường lối cứng rắn trong nước và trong chính nội bộ đảng Likud chống đối kịch liệt.

 

Cuối cùng, ông đã rời Likud và thành lập đảng ôn hòa Kadima để chuẩn bị tranh cử. Bước đi này khiến không khí chính trị tại Israel trở nên nóng bỏng hơn nhưng cũng thổi một luồng gió mát cho hy vọng hòa bình Trung Đông.

  

Theo Châu Minh Linh

Thanh niên/The Independent, Wikipedia