1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Thăm cộng đồng người Việt ở Ba Lan

Những người Việt sau mấy mươi năm xa xứ, hình như điều mà họ thiết tha là muốn hình bóng quê mình hiện hữu ngay nơi mình sinh sống hàng ngày.

Tôi vừa đến Varsava buổi trưa, thì buổi chiều đã được gặp nhà báo Lê Xuân Lâm,Tổng Biên tập Quê Việt - cơ quan ngôn luận Hội Người Việt tại Ba Lan. Nhờ anh và những người bạn hết sức nhiệt tình, nên dù thời gian lưu lại Ba Lan không nhiều, tôi đã được đi nhiều nơi và gặp được nhiều người muốn gặp.

Biết tôi vừa từ Rome và Paris sang, các anh không đặt nặng chương trình đưa tôi đi thăm các công trình kiến trúc, văn hoá... Nhưng thực tình thì ở Ba Lan, dù có bị chiến tranh tàn phá, vẫn có nhiều công trình xứng đáng không thể bỏ qua: Nhà thờ nơi lưu giữ trái tim Chopin, Nhà lưu niệm Chopin, Trường Đại học Varsava, Cung vua, thành cổ, công viên...

Trí thức Việt có tên tuổi ở Ba Lan không ít, đã từ lâu nhiều người thường nhắc đến GS TSKH Nguyễn Ngọc Thành, GS TSKH Nguyễn Hữu Viêm, GS TSKH Cao Long Vân, GS TSKH Nguyễn Thị Bích Lộc… Trong kinh doanh, có anh Tào Ngọc Tú thuộc tập đoàn Tân Việt; trong tài chính, chứng khoán, có anh Lê Bá Hùng, trong văn học- nghệ thuật, có các dịch giả như Lâm Quang Mỹ, Nguyễn Chí Thuật, Nguyễn Văn Thái, Nguyễn Thái Linh,…

Có thể nói, ngay từ sau khi hoà bình lập lại ở miền Bắc 1954, Nhà nước ta đã có chủ trương gửi lưu học sinh sang các nước Đông Âu, trong đó có Ba Lan để đào tạo. Trong suốt gần 4 thập kỷ, lúc nhiều lúc ít song đã có tới hàng ngàn trí thức thành đạt trở về nước phục vụ và cũng có nhiều người trở lại hoặc ở lại lập nghiệp tại vùng “sương trắng nắng tràn” này.

Bởi vậy, tôi đã gặp lại đây các vị ở lứa tuổi 70 nhưng cũng có những vị đang hết sức sung sức ở tuổi 40-50, và kể cả lớp trẻ được sinh ra lớn lên trên đất nước bạn bây giờ cũng đã là doanh nhân, trí thức thành đạt.

Quê Việt trong chợ Việt

Đinh Hùng, Giám đốc Hệ thống cửa hàng ăn uống Á châu ZenThai dẫn tôi thâm nhập khu buôn bán của người Việt ở Wolka Kosowska ngoại ô Varsava, cách trung tâm khoảng 1 giờ ô tô.

Tôi đã từng đi thăm một số khu bán hàng - chợ Việt Nam ở một số nước kể cả Chapa ở Praha, nhưng có lẽ đây là khu lớn nhất. Nghe nói đầu tiên khu này do người Trung Quốc lập nên sau đó, người Việt đến làm thuê, và thuê từng quầy hàng trong khu "Tàu"... Nhưng rồi, những người Việt có tầm đã đến đây mua đất xây lên các khu Thương mại lớn như trung tâm ASG, EACC, TM, EACC...

Trung
tâm thương mại ASG (anh sẽ giàu)

Trung tâm thương mại ASG ("anh sẽ giàu") 

Đây là những trung tâm khang trang, quy củ, cộng với các cơ sở quy mô của người Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ tạo thành quần thể các trung tâm buôn bán. Tính ra có tới 3.000 - 4.000 người Việt hàng ngày buôn bán tại các quầy trong các trung tâm vùng Wolka Kosowska và Maximus. Người Việt ở các thành phố khác dần dần cũng về làm ăn tại Varsava.

Tôi thắc mắc sao chợ mênh mông vậy mà không thấy ai mua bán gì? Một vị cười bảo, đây phần lớn là chợ bán buôn nên hầu hết diễn ra vào lúc sáng sớm.

Vợ chồng Đinh Hùng dẫn tôi đến thăm trụ sở Quê Việt ngay trong khu Trung tâm Thương mại. Nhìn những số tạp chí Quê Việt in màu, giấy tốt, dày dặn… tôi hiểu đã một thời Quê Việt ăn nên làm ra. Tuy nhiên, theo Tổng Biên tập Lê Xuân Lâm thì hiện kinh tế khó khăn, tập trung cho Quê Việt điện tử, trụ sở cũng có nhưng lại nhường cho đơn vị khác ghé vào chia sẻ.

Thư ký toà soạn làm việc tại quầy bán hàng, anh Võ Văn Long, Trưởng ban Kiểm tra Hội người Việt Nam tại Ba Lan cũng là thành viên Quê Việt… làm việc hết sức thuần thục, vừa tiếp tôi anh vừa xuất bản liền hai ba tin tức...

 Tờ báo tự đặt cho mình trách nhiệm thông tin "Việt hoá" những tin tức quan trọng của Ba Lan để giúp cho một số khá lớn lao động Việt Nam không thông thạo tiếng Ba Lan, , đồng thời thông tin cho cộng đồng người Việt tại đây về tình hình đất nước.

Đại gia - tiểu thuyết gia

Ngay từ trong nước, trong những năm sốt đất, sốt nhà người ta thường nhắc đến những đại gia Việt tại Ba Lan về lập làng Việt kiều châu Âu tại Hà Nội...

Các anh Quê Việt cho biết, tại Ba Lan, về bất động sản có ông Quân, Phó Chủ tịch tập đoàn EACC Trần Quốc Quân, khá nổi tiếng. Ông là người sở hữu hàng chục ha đất để xây dựng khu biệt thự sang trọng Osiedle Park AGAT...

Được biết, Trần Quốc Quân đang có mặt ở văn phòng EACC và sẵn sàng đón chúng tôi. Đến gặp "đại gia" Trần Quốc Quân là Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Ba Lan nhưng câu chuyện của chúng tôi lại quay xung quanh tiểu thuyết dày hơn 730 trang.

Tác
giả Tuyết hoang (bên phải) tặng sách.

Tác giả Tuyết hoang (bên phải) tặng sách.

Ông Quân viết tiểu thuyết Tuyết hoang trong 26 tháng. Cuốn tiểu thuyết là bức tranh chân dung của một nghiên cứu sinh Việt Nam sang Ba Lan cuối những năm 80, được viết dựa trên kinh nghiệm và những gì chính tác giả quan sát thấy gần 30 năm qua.

Thời đó, anh nghiên cứu sinh mang theo ước vọng đổi đời, lao vào những cuộc đi buôn, kinh doanh đầy tham vọng. Cùng những biến đổi thời cuộc ở Ba Lan, người nắm được thời cơ đã trở thành triệu phú. Bên cạnh đó là những người khánh kiệt, bẽ bàng, đánh mất quê hương và cả chính mình ở xứ người.

Cuốn tiểu thuyết còn là một câu chuyện có hệ thống về các giai đoạn làm ăn, mánh lới, sự phân khu của các “soái” làm ăn và cả các con đường đưa tiền, vàng về Việt Nam.

Anh Quân cho biết: “Tôi đã 3 lần trắng tay, 3 lần làm lại từ đầu. Có lúc tôi đã âm đến 2 triệu USD. Tôi đã nghĩ tại sao cuộc đời mình đen tối như thế, không biết mình có trải qua được cơn khốn khó đấy hay không. Có một phần của quãng đời đó tôi đã viết trong Tuyết hoang”. Tác giả rút bút đề tặng như muốn nói "tất cả là ở đây", đọc sẽ hiểu.

Chữ Z sẽ có thêm ở nhiều nơi

Đinh Hùng - Giám đốc Hệ thống cửa hàng ăn
uống Á châu ZenThai (bên phải)

Đinh Hùng - Giám đốc Hệ thống cửa hàng ăn uống Á châu ZenThai (bên phải) 

Quay lại ông Zenthai Đinh Hùng, tôi hỏi anh hiện nay trong việc phát triển hệ thống cửa hàng ăn Á của anh có gì khó khăn? Theo Đinh Hùng, không chỉ ở Thủ đô mà các địa phương ở Ba Lan đều có khả năng phát triển hệ thống cửa hàng ZenThai, cơ sở dễ thuê mướn, vốn liếng không khó, khó nhất vẫn là nhân lực - người đứng bếp.

Tôi liếc đọc mấy ngày liền ZenThai quảng cáo tuyển người trên Quê Việt, ưu tiên trẻ, biết tiếng Ba Lan, được đào tạo nghề… Tôi gợi ý với Đinh Hùng sao anh không làm việc với Bộ Lao động đặt vấn đề tuyển người từ trong nước… Mình tuyển thẳng không thông qua trung gian, đảm bảo quyền lợi cho người lao động, chắc chắn hai nhà nước sẽ đồng tình.

Hùng không dấu diếm suy nghĩ, nếu người lao động, bếp trưởng biết làm ăn thì sau một thời gian biến họ thành những ông chủ, bà chủ. Tôi hiểu, anh đang nghĩ tới rồi đây bên cạnh những chữ M, Macdonal… sẽ có thêm chữ Z, Zenthai khắp nơi...

Để lớp trẻ không quên tiếng Việt

Trong những ngày ở Ba Lan, khi trong nước đang bàn nhiều đến chuyện thi cử Trung học phổ thông, tuyển sinh đại học, tôi để ý đến cụm từ IB mà nhiều gia đình ở đây nhắc đến. IB là International Baccalaureate, tú tài quốc tế, con em nhiều gia đình ở đây, đặc biệt là gia đình trí thức họ cho con học IB, tiến gần đến việc chuẩn bị cho con vào một trường đại học nào đó ở Mỹ.

Cái lo của các anh chị là làm sao để các thế hệ con em họ không quên đất nước, không quên tiếng mẹ đẻ. Bởi vậy, dẫu khó khăn thì Tổng Biên tập Quê Việt đồng thời là Hiệu trưởng trường tiếng Việt Lạc Long Quân có 12 lớp.

Tại trường tiếng Việt, các anh coi trọng hình thức Trại hè để các cháu không chỉ ở Ba Lan mà từ nhiều nơi khác Na Uy, Thuỵ Điển, Pháp, Nga, đến giao lưu tiếng Việt.

Những người Việt sau mấy mươi năm xa xứ, hình như điều mà họ thiết tha là muốn hình bóng quê mình hiện hữu ngay nơi mình sinh sống hàng ngày.

Độc giả cùng chia sẻ Tết Việt xa xứ

Xuân Ất Mùi đã đến, hòa chung không khí đón Tết của người Việt Nam tại quê nhà, người Việt khắp năm châu cũng đang rộn ràng chuẩn bị đón Tết. Báo Dân Trí mong được đón nhận mọi chia sẻ về không khí đón Tết Việt của đồng bào ta ở nơi xa xứ. Mọi thông tin xin gửi về dantri@dantri.com.vn hoặc thegioi@dantri.com.vn, tiêu đề ghi rõ Tết Việt xa xứ. Chân thành cảm ơn!


            Nguyễn Lương Phán

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm