1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Thái Lan thúc đẩy hợp tác công nghệ cao với Trung Quốc

Thanh Thành

(Dân trí) - Chính phủ Thái Lan đặt mục tiêu hợp tác ở những lĩnh vực mới, ngoài dịch vụ du lịch và trái cây nhiệt đới, với Khu vực Vịnh Lớn vốn là động lực tăng trưởng quan trọng ở miền nam Trung Quốc.

Thái Lan thúc đẩy hợp tác công nghệ cao với Trung Quốc - 1

Công nhân lắp ráp xe điện mới BYD tại một nhà máy ở Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc (Ảnh: Tân Hoa Xã).

Thái Lan đã đưa ra ý tưởng hợp tác với Trung Quốc trong việc khai thác các thị trường năng lượng và kỹ thuật số mới ở Đông Nam Á.

Động thái này được đánh giá sẽ nâng tầm hợp tác song phương lên cao hơn, nhấn mạnh trọng tâm các khía cạnh mới, ngoài những cái cũ là du lịch và trái cây nhiệt đới.

Khái niệm này, được Đại sứ Thái Lan tại Trung Quốc Arthayudh Srisamoot đề cập gần đây, cũng có thể có lợi cho Bắc Kinh khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới xem 10 thành viên ASEAN và 15 thành viên của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), giữa ASEAN và 5 đối tác là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand, là lựa chọn thay thế cho thị trường Mỹ.

Đại sứ Arthayudh cho biết, chính phủ Thái Lan đang tập trung vào các ngành công nghiệp mới và các sản phẩm sáng tạo khi tìm cách hợp tác đầu tư với các công ty Trung Quốc ở lĩnh vực tuabin gió, đập thủy điện và trang trại năng lượng mặt trời ở các nước như Lào và Việt Nam.

Trích dẫn các mối quan hệ lịch sử, ông Arthayudh chỉ ra tiềm năng hợp tác với Khu vực Vịnh Lớn (bao gồm 11 thành phố lớn gồm Hong Kong, Macau, Trung Sơn, Thâm Quyến, Quảng Châu và 6 thành phố khác thuộc tỉnh Quảng Đông) của Trung Quốc, là động lực tăng trưởng quan trọng ở miền nam nước này và là cơ sở phát triển kỹ thuật số và năng lượng mới.

Khu vực phát triển kinh tế này vẫn đang nhắm mục tiêu trở thành trung tâm đổi mới và tăng trưởng hàng đầu của Trung Quốc, đồng thời là nơi đặt trụ sở của các thương hiệu hàng đầu như gã khổng lồ viễn thông Huawei, nhà sản xuất xe điện (EV) BYD, các gã khổng lồ internet, Tencent và nhà sản xuất máy bay không người lái DJI.

ASEAN là điểm đến xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm nay, vượt xa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

Các nhà sản xuất Trung Quốc đang xây dựng nhiều nhà máy ở Đông Nam Á, khu vực có 660 triệu dân. Nhiều hãng công nghệ Trung Quốc đã mở rộng thị trường tại khu vực này.

Thái Lan, nền kinh tế lớn thứ hai ở ASEAN, có truyền thống là điểm đến yêu thích của khách du lịch Trung Quốc.

Theo dự kiến, khoảng 5 triệu du khách Trung Quốc sẽ đến thăm quốc gia Đông Nam Á này trong năm nay. Thái Lan cũng là nguồn cung cấp gạo và trái cây nhiệt đới chính cho Trung Quốc.

Quốc gia Chùa Vàng này cũng là đối tác chính của Trung Quốc trong việc phát triển mạng lưới đường sắt cao tốc xuyên Á sẽ kéo dài từ Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, đến Singapore.

"Tôi nghĩ hiện tại ngành công nghiệp này rất sáng tạo, mới và khá nổi bật", Đại sứ Arthayudh nói. "Các bạn biết đấy, chúng ta đang nói về năng lượng sạch, rác thải dùng một lần. Và có rất nhiều công ty Trung Quốc biến tất cả những phế phẩm này thành vật liệu xây dựng, gạch, tường và tháp".

Theo một báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố vào năm ngoái, quá trình chuyển đổi sang năng lượng bền vững ở các quốc gia thành viên ASEAN có thể mang lại "cơ hội kinh doanh lớn hơn" trong nền kinh tế năng lượng sạch mới nổi.

Tỉnh trưởng Quảng Đông Wang Weizhong có kế hoạch thăm Thái Lan vào tháng 6 tới. Và ông hy vọng cả hai bên có thể tận dụng cơ hội này để nhất trí hợp tác và trao đổi nhiều hơn.

Một cơ chế đối thoại hàng năm giữa Quảng Đông, tỉnh xuất khẩu hàng đầu của Trung Quốc, và Thái Lan đã được thực hiện trong 2 thập niên qua, và cuộc họp thường niên được nâng lên cấp bộ trưởng trong 2 năm qua.

Đại sứ Arthayudh cho biết, người dân Thái Lan vẫn chủ yếu dựa vào tiền mặt và thẻ tín dụng để thanh toán, khiến nước này vẫn là "quốc gia truyền thống" và vì vậy họ có nhiều điều để học hỏi từ Trung Quốc về việc sử dụng triệt để khái niệm kỹ thuật số.

"Tôi nghĩ một số quốc gia ở Đông Nam Á vẫn có cách thanh toán truyền thống. Họ vẫn chưa biết đến lối sống kỹ thuật số", ông nói, ám chỉ tiềm năng phát triển rất lớn. "Nếu đến Myanmar, các bạn sẽ thấy họ vẫn đang sử dụng các kỹ thuật đã tồn tại nửa thế kỷ… vì vậy tôi nghĩ con đường phía trước là kỹ thuật số".

Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố vào ngày 16/5 cho biết, chính sách đổi mới ở Thái Lan bị cản trở do thiếu lao động kỹ thuật, sản xuất khoa học yếu kém và khả năng tiếp cận tài chính hạn chế. Điều này hạn chế sự phát triển của các công ty vừa và nhỏ.

Ông Arthayudh nói: "Khi chúng tôi xem xét mối quan hệ của mình với Trung Quốc, đó không chỉ là các ngành công nghiệp kỹ thuật số hoặc sáng tạo, mà còn nhiều hơn thế nữa".

"Nông nghiệp là một lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa Thái Lan và Trung Quốc. Nhưng tất nhiên Quảng Đông là tỉnh đang tập trung vào các ngành công nghiệp sáng tạo… đó là nguồn tốt nhất để thúc đẩy chương trình nghị sự sáng tạo", ông nói.

Theo SCMP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm