1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thái Lan "nín thở" chờ phán quyết về cựu Thủ tướng Yingluck

(Dân trí) - Tòa án tối cao Thái Lan hôm nay sẽ đưa ra phán quyết về số phận của cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra, một phán quyết có thể khiến bà phải ngồi tù 10 năm và có nguy cơ “chọc giận” lực lượng ủng hộ mạnh mẽ của gia tộc Shinawatra.


Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra (Ảnh: Reuters)

Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra (Ảnh: Reuters)

AFP đưa tin, nữ Thủ tướng đầu tiên của Thái Lan Yingluck Shinawatra, người bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự vào năm 2014, có thể đối mặt 10 năm tù nếu bị buộc tội sao nhãng nghĩa vụ và bị cấm tham gia chính trị suốt đời.

Kết quả đó có thể là một đòn giáng mạnh vào gia tộc chính trị Shinawatra, vốn là tâm điểm của cuộc đua chính trị kéo dài hơn 2 thập niên qua, sau 2 cuộc đảo chính, các cuộc biểu tình đổ máu, hàng loạt vụ kiện và tịch thu tài sản.

Bà Yingluck bị cáo buộc sơ suất trong việc giám sát chương trình trợ giá gạo gây tranh cãi vào năm 2014. Khi đó, chính phủ Thái Lan đã thực hiện chương trình trợ giá gạo cho nông dân: mua gạo với giá cao để tích trữ. Chính sách này được lòng người dân, nhưng đã khiến chính phủ thiệt hại hàng tỷ USD.

Sau cuộc đảo chính quân sự, chính phủ mới nhận thấy rằng chương trình trợ giá gạo liên quan tới tham nhũng và đưa bà Yingluck ra xét xử.

An ninh đã được tăng cường tại thủ đô Bangkok trước phiên tòa xét xử bà Yingluck. AFP cho biết, vào đêm qua 24/8, cảnh sát đã tập trung quanh tòa án tối cao ở phía bắc Bangkok, dựng các rào chắn và lắp đặt camera giám sát nhằm đề phòng cuộc tập trung đông nhất của những người ủng hộ gia tộc Shinawatra kể từ cuộc đảo chính năm 2014. Đã có những lo ngại về nguy cơ đối đầu những người ủng hộ bà Yingluck và cảnh sát.

Trong một thông điệp đăng tải trên mạng xã hội Facebook hôm qua, bà Yingluck đã kêu gọi những người ủng hộ mình ở nhà để tránh các vụ việc có thể gây ra do những người “có ý định xấu nhằm vào chúng ta và đất nước”.


Rất đông người ủng hộ bà Yingluck tập trung bên ngoài tòa án tối cao ở Bangkok vào ngày 25/8 để chờ đợi phán quyết của tòa (Ảnh: Reuters)

Rất đông người ủng hộ bà Yingluck tập trung bên ngoài tòa án tối cao ở Bangkok vào ngày 25/8 để chờ đợi phán quyết của tòa (Ảnh: Reuters)

Trong quá trình xét xử kéo dài suốt 18 tháng qua, những lần xuất hiện của bà Yingluck trước tòa đều thu hút rất đông những người ủng hộ. Họ tập trung bên ngoài tòa án, hô các khẩu hiệu ủng hộ và tặng hoa hồng cho cựu Thủ tướng.

Gia tộc Shinawatra đã nổi lên là một lực lượng chính trị tại Thái Lan vào năm 2001, khi tỷ phú Thaksin Shinawatra, anh trai của bà Yingluck, trở thành thủ tướng.

Ông Thaksin đã thúc đẩy nền kinh tế và xây dựng các hệ thống phúc lợi thân thiện với người nghèo nhất trong lịch sử Thái Lan. Tuy nhiên, những người chỉ trích cáo buộc ông sử dụng quyền lực chính trị để thúc đẩy các lợi ích kinh tế của riêng mình.

Ông Thaksin như “cái gai” trong mắt giới tinh hoa và quân đội nhưng lại nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người nghèo tại Thái Lan. Một cuộc đảo chính đã lật đổ ông vào năm 2006 và ông đã sống lưu vong ở nước ngoài để tránh án tù về tội tham nhũng.


Cựu Thủ tướng Thaksin, anh trai bà Yingluck, đã sống lưu vong ở nước ngoài kể từ khi bị lật đổ trong cuộc đảo chính năm 2006 (Ảnh: PA)

Cựu Thủ tướng Thaksin, anh trai bà Yingluck, đã sống lưu vong ở nước ngoài kể từ khi bị lật đổ trong cuộc đảo chính năm 2006 (Ảnh: PA)

Bà Yingluck trở thành thủ tướng vào năm 2011 sau khi giành chiến thắng áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử. Nhưng bà đã bị lật đổ trong cuộc đảo chính vào năm 2014.

Cựu Thủ tướng tuyên bố vô tội trước các cáo buộc trong chương trình trợ giá gạo, cho rằng bà chỉ là nạn nhân của một cuộc đua chính trị. Nhưng những người chỉ trích cho rằng việc buộc tội bà là xứng đáng đối với một gia tộc bị cáo buộc tham nhũng và thiên vị người thân.

Trước đây, gia tộc Shinawatra đã thu hút rất đông những người ủng hộ - được biết đến là phe “Áo Đỏ” - xuống đường để tham gia các cuộc biểu tình. Tuy nhiên, làn sóng biểu tình đã lắng dịu trong 3 năm qua khi quân đội lên nắm quyền.

Paul Chambers, một chuyên gia về chính trị Thái lan tại Đại học Naresuan (Thái Lan), cho rằng nếu bà Yingluck bị kết án thì điều này có thể “chọc giận” phe Áo Đỏ.

“Một phán quyết như vậy có thể khiến những người ủng hộ gia tộc Shinawatra càng đoàn kết để chống lại chính quyền quân sự.

An Bình

Tổng hợp