1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thách thức pháp lý ông Trump phải đối mặt khi ban bố tình trạng khẩn cấp

(Dân trí) - Giới quan sát cho rằng động thái của ông Donald Trump khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để lấy ngân sách xây tường biên giới sẽ kéo ông vào một cuộc chiến pháp lý dai dẳng.

Trump 1.jpg

Tỏng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters)

 

Tổng thống Trump ngày 15/2 đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia ở biên giới phía nam với Mexico để có thể vượt mặt Quốc hội nước này nhằm xây tường biên giới để đối phó với tình trạng nhập cư bất hợp pháp.

Lần này, ông Trump tuyên bố rằng vấn đề nhập cư trái phép và buôn bán ma túy dọc biên giới phía nam với Mexico là mối đe dọa tới an ninh quốc gia.

Đảng Dân chủ, tổng chưởng lý các bang và ít nhất một nhóm vận động đã tuyên bố sẽ đưa ông Trump ra tòa vì động thái trên.

Theo Hiến pháp Mỹ, các quyết định về việc sử dụng tiền đóng thuế và hoạch định chính sách là do lưỡng viện ở Quốc hội ban bố. Tuy nhiên, Đạo luật về Tình trạng khẩn cấp quốc gia năm 1976 cho phép tổng thống có thể sử dụng nguồn quỹ mà không cần sự đồng thuận của Quốc hội.

Tuy nhiên, đạo luật này lại không quy định rõ ràng thế nào là “tình trạng khẩn cấp”. Các nhà nghiên cứu pháp lý cho rằng đây là căn cứ để ông Trump có thể dễ dàng tuyên bố tình trạng trên.

Mặc dù vậy, sau động thái tuyên bố, có 2 câu hỏi được đặt ra là liệu ông Trump có thể chứng minh được tình trạng khẩn cấp ở biên giới với Mexico hay không. Nếu không thể chứng minh, ông có thể sẽ bị cáo buộc là lạm dụng quyền lực khi vượt mặt Quốc hội.

Hiện thời, Tòa Tối cao Mỹ đang có 5 thẩm phán theo quan điểm bảo thủ, trong đó có 2 thẩm phán được ông Trump chỉ định là Brett Kavanaugh và Neil Gorsuch. Giới quan sát cho rằng Chánh án John Roberts được coi là lá phiếu quyết định có thể thay đổi cục diện quyết định của ông Trump. 

Ông Peter Shane, giáo sư tại Trường luật Moritz, bang Ohio dự đoán rằng động thái của ông Trump sẽ vướng vào một trận chiến pháp lý kéo dài tại tòa án các cấp. Tuy nhiên, ông Shane cũng cho rằng kịch bản năm ngoái có thể lặp lại khi Tòa Tối cao giữ nguyên lệnh hạn chế nhập cảnh với công dân 7 nước, chủ yếu là Hồi giáo, dù các tòa án cấp thấp hơn liên tiếp chặn sắc lệnh này.

Vào thời điểm đó, ông Trump đã thắng lớn trong cuộc chiến pháp lý kéo dài kể từ khi ông mới nhậm chức. Ông Shane cũng cho rằng ông Trump dường như có lợi thế nhất định khi vấn đề được đưa lên Tòa Tối cao.

Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng với những thách thức về mặt pháp lý từ các bên, dù tuyên bố tình trạng khẩn cấp, ông Trump cũng không thể có ngay khoản ngân sách mong muốn.

“Tôi đoán rằng phần lớn khoản tiền sẽ không được chi trước cuộc bầu cử năm 2020”, giáo sư đại học luật Harvard Mark Tushnet nhận định.

Điều này dường như không có lợi cho ông Trump khi ông tái tranh cử nhiệm kỳ 2 khi ông vẫn chưa thể xây được bức tường như cam kết vào năm 2016. Hơn nữa, điều đó có thể đẩy ông vào những cuộc chiến kéo dài hàng năm sau đó.

Bên nào có thể kiện ông Trump?

Theo Reuters, Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát có thể nộp đơn kiện ông Trump. Kịch bản này có thể xảy ra sau khi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cáo buộc động thái của ông Trump là “vi phạm quyền lực của Quốc hội”.

Tuy nhiên, các chuyên gia pháp lý cũng nhận định rằng rất khó để tòa án chấp thuận động thái pháp lý của Hạ viện sau khi các nghị sĩ không thể thực hiện chức năng lập pháp.

Mặc dù vậy, các bang vẫn có thể khởi kiện ông Trump. Thống đốc bang California Gavin Newsom và Tổng chưởng lý bang Xavier Becerra, 2 đảng viên Dân chủ, đã tuyên bố sẽ kiện vì hành động của ông Trump có thể sẽ khiến nguồn ngân sách cho các chiến dịch triệt phá ma túy của bang này bị ảnh hưởng, gây nguy hiểm tới người dân. California có thể kiện lên các tòa liên bang cấp địa phương để chặn tuyên bố của ông Trump.

Ngoài ra, các chuyên gia pháp luật cho biết các chủ đất ở dọc đường biên giới cũng có thể khởi kiện ông Trump vì họ đối mặt với việc bị chính phủ liên bang thu đất để xây tường.

Tuy nhiên, trên thực tế, thách thức đầu tiên ông Trump cần vượt qua dường như là chứng minh rằng vấn đề biên giới thực sự là khủng hoảng quốc gia. Số liệu của cơ quan hải quan và bảo vệ biên giới Mỹ năm 2017 chỉ ra các vụ vi phạm bị bắt giữ do vượt biên đạt mức thấp kỷ lục trong 46 năm. Bộ An ninh Nội địa ước tính các trường hợp vượt biên trái phép không bị phát hiện đã giảm tới 90% từ năm 2006 tới năm 2016.

Thêm nữa, ông Trump còn phải đối mặt với một vấn đề khác. Dù ông có thể chứng minh tình trạng khẩn cấp có tồn tại, thì ông sẽ phải tiếp tục tìm cách để lấy được ngân sách xây tường biên giới từ ngân sách mà Quốc hội cấp cho Lầu Năm Góc vì những khoản tiền này được quy định rằng phải được sử dụng cho mục đích quân sự.

Đức Hoàng

Theo Reuters, Guardian