Thách thức bủa vây Ukraine trước trận chiến quyết định
(Dân trí) - Ukraine chuẩn bị tiến hành một cuộc phản công nhằm đẩy lùi các lực lượng Nga khỏi các mặt trận giao tranh, tuy nhiên Kiev cũng đối mặt với những rủi ro nhất định.
Các quan chức Mỹ nhận định, nếu Ukraine không giành được chiến thắng mang tính quyết định trong cuộc phản công sắp tới, sự hỗ trợ của phương Tây dành cho Kiev có thể suy yếu và chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky sẽ phải chịu sức ép ngày càng tăng về việc phải bước vào các cuộc đàm phán nghiêm túc nhằm chấm dứt hoặc đóng băng cuộc xung đột với Nga.
Mỹ và các đồng minh NATO đã cung cấp cho Ukraine nhiều loại pháo và đạn dược cho cuộc phản công dự kiến diễn ra vào đầu tháng tới và các quan chức phương Tây hy vọng nguồn viện trợ này sẽ kéo dài. Điều này cho thấy sự thay đổi so với hai tháng trước khi vũ khí chỉ được đưa "nhỏ giọt" vào Ukraine và các quan chức Mỹ thậm chí lo ngại rằng nguồn cung vũ khí có thể cạn kiệt.
Mặc dù Ukraine không tiết lộ nhiều với các quan chức Mỹ về kế hoạch phản công, nhưng chiến dịch này nhiều khả năng sẽ diễn ra ở khu vực phía nam, bao gồm dọc theo bờ biển của Ukraine trên Biển Azov, gần bán đảo Crimea - khu vực sáp nhập vào Nga năm 2014.
Ông Alexander Vershbow, cựu đại sứ Mỹ tại Nga và là quan chức cấp cao của NATO, cho biết: "Mọi thứ đều xoay quanh cuộc phản công này".
"Mọi người đều hy vọng, thậm chí lạc quan quá mức. Nhưng cuộc phản công này sẽ quyết định liệu có một kết quả tốt đẹp cho Ukraine hay không, nếu xét về việc khôi phục lãnh thổ trên chiến trường và tạo ra đòn bẩy quan trọng hơn để đạt được một số giải pháp thương lượng", ông Vershbow nhận định.
Trong khi các quan chức Ukraine cho biết mục tiêu của họ là phá vỡ hệ thống phòng thủ kiên cố của Nga và tạo ra sự sụp đổ trên diện rộng của quân đội Nga, các quan chức Mỹ đánh giá rằng cuộc phản công khó có thể dẫn đến một sự thay đổi đáng kể về động lực có lợi cho Ukraine.
Quân đội Ukraine phải đối mặt với nhiều thách thức và kịch bản bế tắc nhiều khả năng sẽ xảy ra. Các cuộc giao tranh ở thành phố Bakhmut trong mùa đông vừa qua đã làm cạn kiệt nguồn dự trữ đạn dược và dẫn đến thương vong nặng nề ở một số đơn vị có kinh nghiệm chiến đấu của Ukraine.
Cơ hội tốt nhất để Ukraine có thể giành được lợi thế trong cuộc phản công cũng sẽ phụ thuộc vào tình báo Mỹ, NATO và Ukraine. Nếu Mỹ và các đồng minh có thể xác định những điểm yếu đáng kể trong hệ thống phòng thủ của Nga, Ukraine có thể tận dụng tốc độ và sức mạnh của xe tăng cũng như xe chiến đấu Bradley để khai thác những điểm yếu này.
Những câu hỏi lớn về đạn pháo của Ukraine cũng như các nguồn cung đạn dược khác vẫn còn để ngỏ. Nguồn cung tên lửa phòng không và đạn pháo đóng vai trò rất quan trọng để duy trì bất kỳ cuộc phản công nào, đồng thời giúp Ukraine đối phó với các cuộc không kích của Nga. Tuy nhiên, nguồn cung này có thể cạn kiệt tới mức nguy hiểm nếu các lực lượng Ukraine tiếp tục tiêu hao đạn dược với tốc độ hiện tại.
Các đồng minh phương Tây được cho là không đủ nguồn cung trong kho hiện tại để đáp ứng nhu cầu của Ukraine. Các chuyên gia cho biết hoạt động sản xuất đạn dược của phương Tây cũng không thể lấp đầy khoảng trống cho đến năm sau. Quân đội Ukraine đã bắn hàng nghìn quả đạn pháo mỗi ngày khi họ nỗ lực giữ thành phố Bakhmut. Các quan chức Mỹ và châu Âu cảnh báo tần suất này không bền vững và có thể gây nguy hiểm cho cuộc phản công sắp tới. Lầu Năm Góc thậm chí bày tỏ lo ngại với các quan chức ở Kiev, cảnh báo rằng Ukraine đang lãng phí đạn dược vào thời điểm quan trọng.
Mặc dù các lực lượng Ukraine có thể sử dụng máy bay không người lái (UAV) để tấn công phía sau chiến tuyến của Nga, nhưng Kiev không được cung cấp tên lửa có tầm bắn đủ xa để tấn công các trung tâm hậu cần của Nga, một chiến thuật đã được chứng minh là quan trọng trong các cuộc tấn công vào mùa hè năm ngoái ở Kharkov và Kherson.
Các lực lượng Nga cũng đang phải đối mặt với những thách thức trong cuộc chiến ở Ukraine. Nga đã sử dụng hết nhiều tên lửa hành trình, mất hàng nghìn quân chỉ riêng ở mặt trận Bakhmut và cạn kiệt kho đạn dược nhanh hơn nhiều so với tốc độ sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, Nga đang nỗ lực để giải quyết những thách thức trên. Quân đội Nga tích cực sử dụng máy bay không người lái và pháo binh để nhắm mục tiêu hiệu quả hơn vào lực lượng Ukraine. Gần đây, Nga đã bắt đầu sử dụng bom lượn để tấn công các khu vực gần chiến tuyến. Điều này cho thấy Moscow vẫn có khả năng triển khai vũ khí mới trên chiến trường Ukraine.
Theo nguồn tin từ quan chức châu Âu, trong các cuộc gặp riêng, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã nói với các quan chức khác rằng, ông tin Nga có lợi thế về binh lực trên chiến trường vì nước này có nhiều máy bay, xe tăng, pháo và binh lính hơn Ukraine. Ông Shoigu cũng bày tỏ tin tưởng rằng Nga cuối cùng sẽ giành chiến thắng trong cuộc xung đột.