Thách thức bủa vây NATO trước tình hình mới
(Dân trí) - Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) kỷ niệm sinh nhật lần thứ 75 giữa nỗi lo Mỹ thay đổi chính sách sau cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới.
Ngày 4/4/1949, tại Washington (Mỹ), 12 quốc gia phương Tây đặt bút ký vào bản Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, qua đó chính thức thành lập NATO. Mục tiêu ban đầu của khối là kiềm chế Liên Xô trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh bắt đầu nhen nhóm.
75 năm sau, dù Liên Xô không còn nữa, NATO vẫn tiếp tục phát triển: Số lượng thành viên của khối đã tăng gấp gần ba lần, bao gồm cả một số quốc gia Liên Xô cũ như Estonia, Latvia và Litva. Tuy nhiên, khối quân sự Bắc Đại Tây Dương cũng phải đối mặt với hàng loạt thách thức cả cũ lẫn mới, đe dọa cả sự gắn kết và tầm ảnh hưởng của NATO trong khu vực.
"Sự thống nhất trong đa dạng có cái giá của nó. Hơn thế nữa, hầu hết nước thành viên đã quên cách tiến hành chiến tranh - nền công nghiệp của họ khó thích nghi với điều này. Tài chính cũng là vấn đề: Ngân sách quốc phòng đã phải đối mặt với quá nhiều đợt cắt giảm", báo De Standaard của Bỉ viết.
"Liên minh thành công nhất lịch sử"?
Theo giáo sư John R. Deni, chuyên gia tại Trường Chiến tranh Lục quân Mỹ (USAWC), NATO có thể được coi là liên minh thành công nhất trong lịch sử.
Trong Chiến tranh Lạnh, cùng với khối Warsaw ở Đông Âu, NATO là một trong hai tổ chức quân sự mang tính răn đe của hai phe, góp phần giúp châu Âu không nổ ra "chiến tranh nóng". Đến khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, tưởng chừng NATO sẽ rơi vào quên lãng khi đối thủ chính của khối đã không còn tồn tại. Tuy nhiên, NATO vẫn tìm ra cách thức phát huy vai trò trong tình hình mới.
Ngay trong thập niên 90 của thế kỷ trước, khối quân sự này đã hai lần can thiệp vào Bosnia và Kosovo. NATO cũng mở rộng phạm vi can dự ra ngoài châu Âu như các chiến dịch tại Afghanistan hay Libya. Sự "bành trướng" của NATO cũng chỉ thật sự diễn ra sau Chiến tranh Lạnh: Hàng loạt quốc gia Đông Âu đã được kết nạp, biến NATO trở thành khối quân sự có tầm bao phủ rộng lớn tại châu Âu.
Những diễn biến gần đây dường như càng khiến NATO thêm gắn kết. Cuộc xung đột tại Ukraine buộc châu Âu tạm gác lại mong muốn tăng cường tự chủ về quân sự và nhận ra nhu cầu duy trì khả năng răn đe của khối. Sườn phía Đông của NATO đang ngày càng được củng cố. Hợp tác công nghiệp quốc phòng và đổi mới công nghệ cũng được đẩy mạnh.
Tuy nhiên, lịch sử 75 năm của NATO không chỉ có thành công. Một số chiến dịch của khối như tại Libya và Afghanistan không đạt kết quả như mong muốn. NATO cũng từng phải đối mặt với hàng loạt khủng hoảng, từ khủng hoảng kênh đào Suez năm 1956, Pháp rút khỏi cơ cấu chỉ huy khối, tới bất động xoay quanh cuộc chiến tại Iraq.
Bên cạnh đó, bất chấp sức ép từ Mỹ, đa số thành viên NATO cũng không đạt mức chi tiêu quốc phòng 2% GDP. Theo cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine John Herbst, điều này đang ảnh hưởng tới khả năng viện trợ cho Ukraine.
"Có một điều gần như chắc chắn: Nếu các đồng minh châu Âu - cụ thể là Đức - đạt mục tiêu 2%, chúng ta sẽ có thể cung cấp nhiều vũ khí hơn cho Ukraine mà không làm suy yếu năng lực tự vệ của mình", ông Herbst nói với CNN.
Con đường phía trước
Trong bài viết kỷ niệm 75 năm NATO trên trang web của Viện Carnegie châu Âu, giáo sư Deni cho rằng thách thức cơ bản đối với NATO là nguy cơ Mỹ không còn giữ cam kết với các đồng minh trong khối sau cuộc bầu cử năm nay.
"Nếu cam kết của Mỹ với liên minh thay đổi sau ngày 20/1/2025 - có thể do thay đổi chính sách rõ ràng như chính thức rút quân, nhưng cũng có thể chỉ là việc Mỹ đặt điều kiện với cam kết của mình - NATO sẽ chỉ còn là lịch sử", ông viết, đề cập tới ngày tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tiếp theo sẽ nhậm chức.
Giáo sư Deni lập luận nhân tố quyết định đối với những thành công của NATO lại nằm ở điện Kremlin: NATO chỉ phát huy hiệu quả khi Nga tin rằng Mỹ sẽ can thiệp mạnh mẽ nếu một thành viên của khối bị tấn công. Kho hạt nhân của Anh và Pháp, tiềm lực quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ và Ba Lan phần nào có thể khiến Nga lo ngại. Tuy nhiên, Mỹ mới là nhân tố có sức răn đe lớn nhất với Moscow.
Theo các khảo sát mới nhất, đa số người Mỹ vẫn ủng hộ NATO. Tuy nhiên, nếu phe ủng hộ "biệt lập" trong lòng nước Mỹ có thể gia tăng ảnh hưởng, chính sách của Washington với NATO sẽ có thể thay đổi theo hướng giảm cam kết.
"Nếu như vậy, lễ kỷ niệm 75 năm NATO có thể là khởi đầu cho bi kịch", giáo sư Deni dự báo.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump - người nhiều khả năng sẽ trở thành ứng viên đảng Cộng hòa trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay - từng dọa sẽ không bảo vệ các đồng minh NATO nếu các nước này không chấp nhận bỏ thêm chi phí. Tháng 3 năm nay, ông cũng từng tuyên bố Mỹ sẽ vẫn ổn nếu nằm ngoài NATO do nước này "có cả một đại dương" ngăn cách, theo Axios.
Lợi ích của các thành viên NATO không phải lúc nào cũng tương đồng, do đó, bản thân NATO cũng phải đối phó với hàng loạt vấn đề nội bộ. Thực tế này được thể hiện rõ qua quá trình gia nhập khối của Thụy Điển và Phần Lan vừa qua. Bất chấp sức ép từ Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary liên tục trì hoãn quá trình phê duyệt, khiến Thụy Điển chỉ có thể chính thức trở thành thành viên sau gần hai năm.
NATO cũng bị coi là cơ chế cồng kềnh, quan liêu và tốn kém. Mỗi năm, cơ chế này tiêu tốn gần 4 tỷ USD của các nước thành viên. Tuy nhiên, đây chỉ là số tiền trực tiếp chi trả cho các hoạt động chung của khối như quản lý, liên lạc, hệ thống chỉ huy và cảnh báo chung…, còn tổng số tiền mà mỗi nước phải chi ra để đáp ứng nhu cầu phòng vệ chung sẽ lớn hơn nhiều.
Nhìn về tương lai, một số chuyên gia nhận định NATO không nên tự bó buộc mình trong phạm vi châu Âu - Đại Tây Dương mà cần mở rộng ra các khu vực khác, nhất là châu Á - Thái Bình Dương - nơi được coi là trọng tâm cạnh tranh giữa các nước lớn trong những thập niên tới.
Năm 2022, lần đầu tiên lãnh đạo bốn nước châu Á - Thái Bình Dương - bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand - tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO. NATO thậm chí từng có ý định mở văn phòng tại Nhật Bản nhưng kế hoạch này hiện tạm thời bị hoãn lại.
"An ninh châu Á đang đan xen với an ninh châu Âu. Do đó, châu Á và Thái Bình Dương quan trọng đối với chúng tôi", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trả lời báo giới trước thềm hội nghị ngoại trưởng NATO tại Brussels (Bỉ) ngày 3/4.