1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mỹ đóng góp bao nhiêu cho ngân sách quốc phòng NATO trong 75 năm qua?

Đức Hoàng

(Dân trí) - Thống kê cho thấy đóng góp quốc phòng cho NATO của Mỹ áp đảo các thành viên còn lại kể từ khi liên minh quân sự này thành lập 75 năm trước.

Mỹ đóng góp bao nhiêu cho ngân sách quốc phòng NATO trong 75 năm qua? - 1

Các binh sĩ tham gia cuộc tập trận của NATO ở Na Uy (Ảnh: AFP).

Năm nay, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) kỷ niệm 75 năm thành lập. Newsweek nhận định, Mỹ, thành viên sáng lập liên minh, có mức đóng góp quốc phòng áp đảo.

Kể từ khi NATO thành lập vào ngày 4/4/1949 để đối phó với Liên Xô, Mỹ đóng vai trò quan trọng nhất trong nền tảng tài chính và chiến lược của tổ chức này.

Theo báo cáo Chi tiêu Quốc phòng hàng năm của các nước NATO, trong 75 năm qua, Mỹ đã đóng góp 21,9 nghìn tỷ USD cho ngân sách quốc phòng của NATO, nhiều hơn đáng kể so với 31 nước thành viên còn lại.

Lý do chủ yếu là vì Mỹ có tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cao hơn các quốc gia khác, vì đây vốn là cơ sở để các thành viên đóng góp vào ngân sách quốc phòng của NATO.

Năm ngoái, Mỹ đóng góp 68% tổng ngân sách quốc phòng NATO.

Mỹ đã đóng 3,49% tổng GDP, tương đương 860 tỷ USD trong tổng số 1.260 tỷ USD mà NATO đã chi tiêu. Canada đóng góp 1,38% GDP với 28,95 tỷ USD (2,29% tổng ngân sách), trong khi các đồng minh châu Âu đóng góp 375,1 tỷ USD (29,68% tổng ngân sách).

Năm 2014, NATO đã ký Cam kết đầu tư quốc phòng, kêu gọi các nước thành viên dành ít nhất 2% GDP cho chi tiêu quốc phòng. Đó là một mục tiêu mang tính chất khuyến nghị hơn là yêu cầu bắt buộc.

NATO hy vọng rằng các quốc gia thành viên đóng góp ít hơn sẽ nỗ lực để đạt được mục tiêu vào năm 2024. NATO cho biết đến cuối năm nay, 18 thành viên dự kiến sẽ đáp ứng mục tiêu 2% GDP.

Năm ngoái, Ba Lan đã phân bổ 3,9% GDP cho ngân sách quốc phòng NATO, vượt Mỹ về tỷ lệ phần trăm. Hy Lạp, Estonia, Litva, Phần Lan, Romania, Hungary, Latvia, Anh và Slovakia đã đóng góp nhiều hơn mức 2% GDP của mỗi nước vào năm ngoái.

Các khoản đầu tư không chuyển thành thanh toán trực tiếp cho NATO mà bao gồm chi phí nhân sự trong nước, mua thiết bị và đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ năng lực sẵn sàng tác chiến của NATO và các sáng kiến chiến lược của tổ chức này trên toàn cầu.

Vấn đề đóng góp cho NATO từng gây ra những cuộc tranh luận. Trong và sau nhiệm kỳ của mình, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần chỉ trích NATO.

Ông từng gây tranh cãi khi tuyên bố vào năm 2017 rằng NATO đã "lỗi thời". Sau đó, ông liên tục chỉ trích Đức và các đồng minh khác của Mỹ vì không chi tiêu đủ cho ngân sách quốc phòng và đẩy gánh nặng lên Mỹ. 

Hồi tháng 2, New York Times dẫn nguồn thạo tin cho biết, các cuộc thảo luận không chính thức được cho là đã diễn ra ở Đức và một số quốc gia châu Âu khác về nguy cơ tan rã của NATO nếu ông Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ.

Trong bài phát biểu ngày 10/2 tại sự kiện vận động tranh cử ở South Carolina, ông Trump đã kể lại một cuộc họp với các lãnh đạo NATO.

Theo ông Trump, khi một lãnh đạo nước lớn hỏi rằng: "Nếu chúng tôi không đóng góp ngân sách quốc phòng đầy đủ và Nga tấn công chúng tôi, Mỹ có bảo vệ chúng tôi không?".

Ông Trump trả lời: "Các bạn không đóng góp đủ? Các bạn làm không đúng nghĩa vụ. Nếu điều đó xảy ra, chúng tôi sẽ không bảo vệ các bạn. Trên thực tế, tôi sẽ khuyến khích họ làm bất cứ điều gì họ muốn. Bạn phải đóng góp".

Phát biểu này đã hứng hàng loạt chỉ trích từ các đồng minh của Mỹ trong NATO. 

Theo Newsweek