1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tây Phi phát hiện virus Marburg chết người, WHO lên tiếng cảnh báo

Đức Hoàng

(Dân trí) - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo về việc khu vực Tây Phi phát hiện một bệnh nhân nhiễm virus nguy hiểm Marburg, vốn có liên quan tới virus Ebola.

Tây Phi phát hiện virus Marburg chết người, WHO lên tiếng cảnh báo - 1

Marburg thường xuất hiện trên loài dơi (Ảnh: AFP).

WHO ngày 9/8 cho biết, Guinea đã phát hiện ra một ca bệnh nhiễm virus Marburg, đánh dấu lần đầu tiên mầm bệnh này xuất hiện ở Tây Phi. Marburg là virus gây chết người có liên quan tới virus Ebola và nó cũng có khả năng lây lan từ vật chủ động vật sang người như SARS-CoV-2.

Theo WHO, virus Marburg xuất hiện ở một bệnh nhân tử vong hôm 2/8 tại tỉnh Gueckedou.

"Nguy cơ Marburg lây lan rộng đồng nghĩa với việc chúng ta cần phải ngăn chặn nó đúng hướng", giám đốc khu vực châu Phi của WHO Matshidiso Moeti cảnh báo.

Sự xuất hiện của Marburg diễn ra chỉ sau 2 tháng sau khi WHO tuyên bố đợt bùng dịch Ebola thứ 2 của Guinea đã chấm dứt.

"Chúng tôi đang làm việc với các cơ quan y tế để phản ứng nhanh (với Marburg) dựa trên kinh nghiệm và chuyên môn trong quá khứ của Guinea trong việc kiểm soát Ebola, bệnh lây truyền theo cách tương tự (Marburg)", ông Moeti nói.

Virus Marburg thường xuất hiện ở dơi Rousettus. Theo WHO, một khi con người nhiễm virus, mầm bệnh sẽ lây lan qua chất dịch cơ thể của người bị nhiễm bệnh, hoặc với các bề mặt và vật liệu bị có virus bám trên.

"Chúng tôi hoan nghênh sự cảnh giác và điều tra nhanh chóng của giới chức y tế Guinea", ông Moeti nói.

Sau khi phát hiện virus Marburg, WHO đã điều 10 chuyên gia tới hỗ trợ phía Guinea thực hiện đánh giá rủi ro, giám sát mầm bệnh.

Các đợt bùng phát Marburg trước đây và các ca bệnh lẻ tẻ đã được ghi nhận ở Nam Phi, Angola, Kenya, Uganda và Cộng hòa Dân chủ Congo. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên mầm bệnh xuất hiện ở Tây Phi.

Triệu chứng khi nhiễm virus Marburg là sốt cao, đau đầu nghiêm trọng và cảm giác khó chịu. Theo WHO, tỷ lệ tử vong khi nhiễm mầm bệnh từ 24% tới tối đa 88% trong các đợt bùng dịch trước đó, tùy vào chủng của virus và phương thức kiểm soát dịch bệnh ở từng khu vực.

Marburg hiện chưa có vắc xin và thuốc kháng virus đặc trị nào được thông qua, nhưng việc điều trị thông qua bù nước bằng đường uống và truyền tĩnh mạch kết hợp điều trị các triệu chứng có thể sẽ cải thiện tỷ lệ sống sót.