1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tây Ban Nha bối rối khi ông Trump dọa áp thuế 100% vì là "thành viên BRICS"

Đức Hoàng

(Dân trí) - Tây Ban Nha lên tiếng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi nước này là thành viên của nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS).

Tây Ban Nha bối rối khi ông Trump dọa áp thuế 100% vì là thành viên BRICS - 1

Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Nga hồi năm ngoái (Ảnh: AFP).

Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như đã nhầm lẫn Tây Ban Nha là thành viên của nhóm BRICS dù nước này là một quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) và NATO.

Tây Ban Nha không phải là thành viên của BRICS, viết tắt của Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Tây Ban Nha là thành viên của NATO, cùng với Mỹ, và là thành viên của Liên minh Châu Âu.

Ông Trump đã nói nhầm rằng Tây Ban Nha là thành viên của BRICS khi một phóng viên hỏi ông về các quốc gia NATO như Tây Ban Nha không đáp ứng mức chi tiêu 2% GDP cho quốc phòng theo yêu cầu của khối.

Tây Ban Nha đứng cuối bảng trong số 32 quốc gia thành viên NATO, ước tính chi tiêu 1,28% cho quốc phòng trong năm ngoái.

Ông Trump bắt đầu câu trả lời khi nói "Tây Ban Nha chi rất ít", đề cập đến chi tiêu quốc phòng của nước này, nhưng sau đó nhanh chóng chuyển sang nói về BRICS.

"Họ là một quốc gia thành viên của BRICS, Tây Ban Nha. Bạn có biết quốc gia BRICS là gì không? Bạn sẽ tự hiểu thôi", ông Trump nói với phóng viên từ bàn làm việc tại Phòng Bầu Dục.

Ông Trump tiếp tục lặp lại mối đe dọa áp thuế đối với BRICS, nói rằng "chúng tôi sẽ áp ít nhất mức thuế 100% đối với các giao dịch mà họ thực hiện với Mỹ".

Sau đó, Bộ trưởng Giáo dục Tây Ban Nha Pilar Alegría, người phát ngôn của chính phủ, cho biết bà không hiểu lý do tại sao ông Trump lại có phát biểu như vậy.

"Tôi không biết liệu tuyên bố của Tổng thống Trump có phải là kết quả của một sự nhầm lẫn hay không, nhưng tôi có thể xác nhận rằng Tây Ban Nha không phải là thành viên của BRICS", bà Alegría nói với các phóng viên vào ngày 21/1.

Tây Ban Nha đã là một thành viên của NATO trong suốt 4 thập niên vừa qua và chính phủ Tây Ban Nha coi Mỹ là đồng minh, bà nhấn mạnh.

Tây Ban Nha là 1 trong 8 quốc gia không đạt được mục tiêu chi tiêu 2% của NATO trong năm ngoái. Đây là mức cũ mà NATO đã thống nhất trong nhiều năm qua nhưng nhiều nước chưa đạt được.

Trong khi đó, ông Trump gần đây đã nói rằng ông muốn các thành viên NATO đạt 5% chi tiêu cho quốc phòng trong thời gian tới, nhằm giảm bớt gánh nặng bảo vệ của Mỹ với các thành viên liên minh.

Nhóm BRICS ban đầu bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Nam Phi và Trung Quốc, nhưng sau đó đã kết nạp thêm các nước khác. Nhóm này không có đồng tiền chung, nhưng các cuộc thảo luận lâu dài về chủ đề này đã đạt được một số động lực sau khi phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga vì cuộc chiến ở Ukraine.

Năm ngoái, ông Trump yêu cầu các nước thành viên BRICS cam kết không tạo ra một loại tiền tệ mới hoặc hỗ trợ một loại tiền tệ khác thay thế đồng USD. Ông nhấn mạnh rằng nếu BRICS không làm theo yêu cầu, họ sẽ phải đối mặt với mức thuế 100% "và nên nói lời tạm biệt với việc xuất khẩu vào nền kinh tế tuyệt vời của Mỹ".

Sau đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết đồng USD đang mất đi sức hấp dẫn như một loại tiền tệ dự trữ đối với nhiều quốc gia, một xu hướng mà ông cho biết đang diễn ra nhanh chóng.

"Ngày càng có nhiều quốc gia chuyển sang sử dụng nội tệ trong các hoạt động thương mại và kinh tế đối ngoại của họ", ông Peskov nói với các phóng viên.

Ông dự đoán rằng nếu Washington dùng đến "vũ lực kinh tế" để buộc các nước sử dụng đồng USD thì điều này sẽ phản tác dụng và khiến các nước tiếp tục chuyển sang dùng đồng nội tệ hoặc đồng tiền khác trong giao thương.

Theo Financial Post
Dòng sự kiện: Chính quyền Trump 2.0