Tàu tự hành mặt trăng của Trung Quốc đã hỏng hẳn?
(Dân trí) - Tàu tự hành thăm dò mặt trăng đầu tiên của Trung Quốc mang tên Thỏ Ngọc dường như đã bị hỏng và không thể khắc phục, khi mà sứ mệnh thăm dò dự kiến kéo dài 3 tháng mới ở giai đoạn đầu, các chuyên gia về thám hiểm vũ trụ cho biết.
Theo thông tin được hãng thông tấn Tân Hoa Xã đăng tải, Thỏ Ngọc đã “có bất thường trong cơ chế điều khiển cơ học”, và các nhà khoa học đang nghiên cứu những cách tốt nhất để sửa chữa.
Hãng thông tấn này dẫn lời Cơ quan quản lý khoa học, công nghệ và công nghiệp quốc phòng khẳng định nguyên nhân gây trục trặc là do “môi trường phức tạp trên bề mặt của mặt trăng”.
Theo kế hoạch ban đầu Thỏ Ngọc sẽ thực hiện các khảo sát địa chất và những quan sát thiên văn trong thời gian 3 tháng, sau khi Trung tâm kiểm soát vũ trụ Bắc Kinh thông báo tàu đã hạ cánh mềm xuống mặt trăng hôm 14/12.
“Theo những gì tôi đọc được, tôi nghĩ người Trung Quốc đang chuẩn bị cho việc bị mất tàu tự hành”, Lutz Richter, một chuyên gia về tàu tự hành hành tinh của Kayser-Threde, một công ty vũ trụ của Đức hợp tác với NASA và Cơ quan vũ trụ châu Âu cho biết.
“Đây mới chỉ là phỏng đoán nhưng tôi nghĩ trục trặc đã xảy ra với các động cơ điện có chức năng đóng các tấm năng lượng mặt trời”, Richter cho biết thêm.
Nếu các tấm pin mặt trời không thể đóng lại, các thiết bị điện bên trong vốn nhạy cảm với nhiệt độ và thường phải được che chắn, sẽ đóng băng khi đêm xuống trên mặt trăng, và bị hư hỏng không thể sửa chữa, Richter nói.
Vấn đề đã phát sinh khi Thỏ Ngọc bước vào đợt ngủ lần hai trong chiều qua – khi đêm xuống trên mặt trăng, và tương đương khoảng 2 tuần trên trái đất. Nhiệt độ ban ngày trên mặt trăng có thể lên tới 100 độ C, trong khi về đêm nhiệt độ lại xuống -180 độ C.
“Có thể bụi đã khiến cơ cấu trên bị kẹt”, Richter nhận định, và cho biết thêm rằng biến động nhiệt ghê gớm cũng có thể làm hỏng các chốt và động cơ.
Trong thông báo của mình, Tân Hoa Xã cũng khẳng định sứ mệnh thám hiếm mặt trăng của các nước khác cũng tằng gặp thất bại. Ví dụ như tàu thăm dò mặt trăng Ranger 4 của Mỹ đã bị rơi năm 1962, và tàu của Nhật bị nạn năm 1993.
Nhưng giáo sư Jiao Weixin, phó chủ tịch ủy ban khảo sát không gian của Hiệp hội nghiên cứu không gian cho biết ông ngạc nhiên khi trục trặc xảy ra sớm vậy.
“Bất chấp gặp một số vấn đề nhỏ, Cơ hội, tàu tự hành Sao hỏa của Mỹ vốn cũng có thiết kế cho tuổi đời 3 tháng, vẫn đang hoạt động sau gần 10 năm”, Jiao nói. “Thật ngạc nhiên khi Thỏ Ngọc lại gặp trục trặc sớm như vậy”.
Thanh Tùng
Theo SCMP