1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tàu tên lửa Trung Quốc bị tố rượt đuổi tàu chở phóng viên Philippines

Minh Phương

(Dân trí) - Một tàu hải quân của Trung Quốc bị cho là đã rượt đuổi tàu chở nhóm phóng viên của hãng tin Philippines ở Biển Đông trong bối cảnh căng thẳng leo thang.

Tàu tên lửa Trung Quốc bị tố rượt đuổi tàu chở phóng viên Philippines - 1
Một tàu hải cảnh của Trung Quốc (Ảnh: Global Captain).

Hãng tin Rappler dẫn lời Chiara Zambrano, phóng viên của hãng tin ABS-CBN (Philippines), cho biết sự việc xảy ra ngày 8/4 khi Zambrano cùng với ê kíp của cô đang trên đường làm phóng sự về các động thái của Trung Quốc tại các khu vực mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền phi pháp ở Biển Đông.

"Chúng tôi đang trên đường tới bãi Cỏ Mây thì bất ngờ một tàu hải cảnh màu trắng của Trung Quốc tiến về phía chúng tôi. Nó tiến càng lúc càng gần. Sau đó, tàu Trung Quốc liên lạc qua vô tuyến bằng tiếng Anh, hỏi chúng tôi là ai và làm gì ở đó", Zambrano kể lại.

Để tránh căng thẳng, ê kíp của Zambrano quyết định quay trở lại đảo Palawan. Tuy nhiên, dù tàu chở ê kíp đã quay đầu về Palawan, họ vẫn bị tàu Trung Quốc rượt đuổi khoảng 1 giờ đồng hồ, Zambrano cho hay. Tình hình căng thẳng hơn khi nhóm phóng viên phát hiện hai tàu nhỏ hơn nhưng nhanh hơn đuổi theo và đó là tàu tấn công mang tên lửa Type 022 của Trung Quốc.

Phía Trung Quốc hiện chưa bình luận về những thông tin trên. Sự việc diễn ra trong bối cảnh nhiều tàu Trung Quốc liên tục hiện diện ở đá Ba Đầu ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Trung Quốc bao biện rằng các tàu của nước này tập trung lại để tìm nơi trú ẩn và tránh bão, dù trên thực tế không có cơn bão nào.

Theo giới quan sát, nếu trước kia Trung Quốc ngang nhiên khẳng định yêu sách phi pháp của nước này ở Biển Đông bằng việc bồi đắp và quân sự hóa các đảo thì hiện tại Bắc Kinh toan tính củng cố các thực thể mà nước này bồi đắp trái phép trên Biển Đông bằng việc triển khai hàng loạt tàu tới vùng biển này. New York Times nhận định, Trung Quốc muốn dùng sự hiện diện áp đảo trên Biển Đông để đạt được mưu đồ mà Bắc Kinh chưa làm được thông qua hoạt động ngoại giao hoặc luật pháp quốc tế.