1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tàu sân bay Trung Quốc sở hữu hệ thống phóng máy bay điện từ

An Hoàng

(Dân trí) - Tàu sân bay Phúc Kiến của Trung Quốc dường như được trang bị hệ thống phóng máy bay điện từ (EMALS).

Tàu sân bay Trung Quốc sở hữu hệ thống phóng máy bay điện từ - 1

Tàu sân bay Phúc Kiến của Trung Quốc (Ảnh: CCTV).

Trung Quốc gần đây công bố thêm nhiều cảnh quay về tàu sân bay nội địa hay tàu Phúc Kiến. Tuần trước, đài truyền hình CCTV phát sóng hình ảnh chi tiết về hệ thống phóng máy bay điện từ của tàu này.

Theo các chuyên gia quan sát, đây là lần thứ 2 trong tháng Trung Quốc công bố những hình ảnh về EMALS, chứng minh quy trình thử nghiệm tàu đang đi đúng tiến độ. Ông Tào Vệ Đông, một chuyên gia phân tích quân sự, nhận định: "Các cuộc thử nghiệm của tàu sân bay Phúc Kiến diễn ra hoàn toàn ổn định".

Tàu Phúc Kiến được hạ thủy vào tháng 6/2022. Đây là tàu sân bay thứ 3 của quốc gia tỷ dân, đồng thời là tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc được trang bị hệ thống phóng máy bay điện từ và các trang thiết bị tiên tiến, cho phép máy bay được phóng với tần suất cao hơn.

Hiện chưa rõ thời điểm tàu Phúc Kiến sẽ bắt đầu chạy thử nghiệm trên biển, song hồi tháng trước, một hạm trưởng cho biết mục tiêu của họ là đưa con tàu vào vận hành càng sớm càng tốt.

USS Gerald R Ford của Mỹ từng là tàu sân bay duy nhất trên thế giới được trang bị hệ thống phóng máy bay điện từ EMALS. Ra mắt vào năm 2013, con tàu phải mất 4 năm mới có thể hoạt động thử nghiệm và thêm 5 năm nữa mới chính thức khởi hành vào năm 2022. Trong giai đoạn thử nghiệm vào năm 2020, hệ thống phóng máy bay điện từ của USS Gerald R Ford đã gặp một số trục trặc.

USS Gerald R Ford chạy bằng năng lượng hạt nhân trong khi tàu Phúc Kiến chạy bằng năng lượng thông thường. "Trung Quốc đã và đang tiến hành các cuộc thử nghiệm một cách công khai", ông Tào nói.

Đoạn video được đăng tải cho thấy Hải quân Trung Quốc thử nghiệm các phương án bố trí máy bay chiến đấu trên boong tàu.

"Đây là mẫu máy bay có cánh gập, chuyên dùng cho hoạt động trên tàu sân bay. Chúng tôi sử dụng mẫu này không nhằm mục đích phóng máy bay ngay lập tức mà để kiểm tra xem liệu nó có thể chứa được bao nhiêu chiến đấu cơ cùng một lúc", ông Tào tiết lộ thêm.

Chuyên gia phân tích quân sự Thạch Hoằng chia sẻ với đài truyền hình Thâm Quyến: "Boong tàu sân bay Phúc Kiến có nhiều không gian hoạt động hơn so với 2 tàu sân bay khác của Trung Quốc là Sơn Đông và Liêu Ninh". Đoạn phim cũng cho thấy tàu Phúc Kiến đã rời khỏi chỗ neo đậu tại xưởng đóng tàu Giang Nam, Thượng Hải và chưa rõ vị trí hiện tại.

Nhiều quốc gia từng lên tiếng e ngại về tiềm lực quân sự của tàu sân bay Phúc Kiến. Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc sau đó đã tuyên bố họ có kế hoạch sở hữu 6 chiếc tàu sân bay cho tới năm 2035.

Theo SCMP