Tàu Mỹ chở y tá nghi nhiễm Ebola bị một loạt quốc gia xua đuổi
(Dân trí) - Thông tin một y tá từng xử lý các mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân nhiễm Ebola có mặt trên tàu du lịch Carnival Magic đã khiến con tàu bị cấm cửa tại một loạt quốc gia Caribbe và phải quay lại Mỹ. Không ít hành khách trên tàu thì khóc vì hoảng loạn.
Với các hành khách trên tàu du lịch Carnival Magic, tuần du lịch tới Caribbe lẽ ra đã phải là một chuyến đi đáng nhớ, tới vùng biển đầy nắng, nơi họ có thể tiệc tùng, nghỉ ngơi thư giãn, uống sâm panh, ngắm hoàng hôn.
Thế nhưng chỉ 4 ngày sau khi khởi hành từ Galveston, Texas, tin đồn về việc một trong những hành khách trên tàu có thể nhiễm Ebola bắt đầu râm ran. Con tàu, với một bể bơi lớn, một loạt ống trượt nước cùng rạp chiếu phim với màn hình khổng lồ, đã bất ngờ phải thả neo một cách khó hiểu ngoài khơi bờ biển của Belize.
“Tin đồn cứ lan truyền khắp nơi. Chúng tôi bị mắc kẹt trong bùn. Ai đó đã bị đưa đi”, một hành khách thuật lại.
Cuối cùng, thuyền trưởng của tàu đã phải xác nhận trên hệ thống loa phóng thanh rằng, trong số hành khách trên tàu, có một phụ nữ từng là giám sát tại một phòng thí nghiệm của bệnh viện giáo hội trưởng lão Texas. Người này từng xử lý các mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân Thomas Eric Duncan, một người Liberia đã tử vong vì bệnh Ebola tại viện này hôm 8/10, 4 ngày trước khi tàu Carnival Magic xuất phát.
Nhân viên y tế này cùng chồng mình đã tự nguyện cách ly trong cabin trong bối cảnh nỗi sợ hãi lan nhanh khắp con tàu.
“Mọi người đều sợ hãi. Tôi thấy một vài người đã òa khóc. Bạn đi ăn buffet cùng với những người khác, cùng chung những người phục vụ đó, cùng những người đã lau dọn các căn phòng. Nếu ai đó lau dọn phòng của họ và ngay sau đó lau dọn phòng của bạn, rồi khả năng bị phơi nhiễm trong thang máy…Không gian ở đây rất hẹp và có quá nhiều tiếp xúc”, Jon Malone một hành khách thuật lại.
“Rất khó để có thể kiểm soát bất kỳ loại virus nào trên một tàu du lịch. Nó giống như một cái đĩa cấy vi khuẩn trôi dạt khắp nơi. Nó lây lan rất nhanh. Tôi thấy họ lau chùi thang máy. Tôi cũng thấy họ dùng chất lỏng màu hồng lau dọn khu vực quầy bar và các tay nắm cửa”.
Anh trai của Jon là Jeremy Malone cũng cho biết: “Có thể thấy rất nhiều người đang khóc, và cũng có những người ngồi uống rượu”. Bên ngoài căn phòng trên tầng 11 của mình Jeremy cho biết có tới 40 nhân viên phục vụ đeo khẩu trang và lau trùi bằng dung dịch tẩy rửa.
Bộ trưởng ngoại giao Mỹ cũng không thể can thiệp
Một hành khách thì cho biết mình hay tin về việc có người nhiễm Ebola trên tàu sau khi nhìn thấy hải trình của tàu được phát trên TV. “Chúng tôi lẽ ra phải ghé vào một cái cảng, nhưng tôi lại thấy tàu rời khỏi cảng đó. Cuối cùng thuyền trưởng lên tiếng và nói rằng chúng tôi không được phép cập cảng. Đó là lúc mọi thứ bắt đầu lan truyền. Chúng tôi nhận ra rằng mình đã bị cách ly”.
Sau đó tàu trên xin phép cập vào một cảng tại Belize để có thể đưa nữ y tá nêu trên lên máy bay trở về Texas, tuy nhiên chính quyền địa phương lập tức từ chối.
Đích thân ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đề nghị với thủ tướng Belize Dean Barrow được cử một trực thăng tới đón nữ y tá này và đưa ra máy bay đợi sẵn tại sân bay. Tuy nhiên ông Barrow đã từ chối.
“Rõ ràng rằng ngay cả tại Mỹ với tất cả những năng lực của họ, tất cả những chuyên môn sẵn có, vẫn còn rất nhiều câu hỏi cần được trả lời về việc sự lây nhiễm diễn ra như thế nào. Phản ứng của họ, cách tiếp cận của họ, cách họ xử sự với vấn đề này có vẻ như vẫn là công việc chưa hoàn tất”, ông Barrow nói.
Sau đó, để trấn an dư luận, chính phủ Belize thậm chí còn phát đi thông báo khẳng định: “Hành khách đó chưa bao giờ đặt chân lên Belize. Khi nào còn những hoài nghi dù nhỏ nhất, chúng tôi sẽ phải đảm bảo cho sự an toàn và sức khỏe của người Belize”.
Khi được hỏi về việc Belize từ chối tiếp nhận hành khách nêu trên, người phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ đã gián tiếp xác nhận: “Chúng tôi nghĩ vấn đề lẽ ra có thể được xử lý khác đi”.
Sau đó Carnival Magic di chuyển tới Mexico, nơi tàu đã đăng ký cập vào cảng Cozumel. Theo kế hoạch y tá người Mỹ sẽ được di chuyển bằng máy bay từ đây về Mỹ. Vậy nhưng một lần nữa giới chức Mexico cũng từ chối cấp phép cho tàu vào cảng.
“Tôi đang ở trên tàu Carnival với nỗi sợ hãi Ebola. Giới chức Mexico không cho tàu ghé vào Cozumel. Đang trên đường về lại Galveston”, Eric Lupher, một phóng viên của đài ABC7 của Mỹ vô tình có mặt trên tàu chia sẻ trên Twitter.
Theo ông Lupher, sự sợ hãi trên tàu Carnival là rất lớn, nhưng điều mọi người e ngại nhất đó là họ sẽ được đối xử ra sao một khi trở lại Texas, dự kiến vào ngày 19/10 theo giờ địa phương.
“Có rất nhiều lo ngại về những gì sắp xảy ra khi chúng tôi quay trở lại Galveston. Theo chúng tôi hiểu thì chúng tôi chỉ đơn giản là xuống tàu và về nhà – nhưng liệu đó có thực sự là những gì sẽ diễn ra không?”
Thanh Tùng
Theo Telegraph