Tàu Hy Lạp nghi tìm thấy mảnh vỡ trôi dạt trên eo biển Malacca
(Dân trí) - Một tàu chở dầu của Hy Lạp hôm 17/3 đã được giới chức Indonesia yêu cầu để mắt tới “những va li trôi dạt” tại eo biển Malacca sau khi tiến lại khu vực này, báo giới Malaysia đưa tin.
Con tàu mang tên Elka Athina, đang trên hành trình tới kênh đào Suez thì được giới chức Indonesia cảnh báo qua điện đàm rằng, tàu đang “tiến vào một khu vực có nhiều mảnh vỡ”.
Nhiều trang tin của Hy Lạp, trong đó có Tovima và Times of Change đã đưa tin về sự việc này, do các nguồn tin trên con tàu cho biết họ nhìn thấy các mảnh vỡ.
Các trang tin này khẳng định, một số tàu khác đi qua eo biển này đã “vội vã” phối hợp tại vùng biển ngoài khơi đảo Sumatra.
Một cổng thông tin khác của Hy Lạp đã công bố một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với thuyền phó của con tàu, người khẳng định rằng con tàu đang hướng về một “vùng mảnh vỡ” tại vùng biển phía Bắc eo Malacca.
Tuy nhiên, kiểm tra vị trí của con tàu thông qua các website theo dõi tàu biển cho thấy chiếc tàu chở dầu đã đi qua khu vùng mảnh vỡ vào khoảng 21h30 hôm qua 17/3 (giờ Malaysia).
Có khả năng cơ quan chức năng đã đánh dấu một khu vực có thể máy bay mất tích đã rơi trên eo biển này, sau khi người sử dụng trang dịch vụ bản đồ Tomnod tìm thấy khu vực được cho là có mảnh vỡ trên eo Malacca.
Một người dùng Twitter có tên Richard Barrow đã đăng tải một bức ảnh vệ tinh về “địa điểm có khả năng xảy ra tai nạn”, và những vật thể được cho là “những chiếc ghế trôi dạt” trên mặt biển, tại tọa độ 5°39'08.0"Bắc 98°50'38.0"Đông.
Cuộc tìm kiếm chuyến bay MH370 mất tích đã qua 10 ngày mà không có kết quả, với 26 quốc gia tham gia.
Khi mất tích, chiếc Boeing 777-200 chở theo 239 người, đang trên đường từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh. Tín hiệu cuối cùng đài kiểm soát không lưu ghi nhận được về máy bay là vào khoảng 1 giờ 21 phút ngày 8/3, gần vùng biển của Việt Nam trên biển Đông. Nhưng sau đó radar quân sự đã phát hiện máy bay sau đó một giờ, cách đảo Penang 200 hải lý về phía Tây Bắc, ở phía Tây bán đảo Malaysia.
Thanh Tùng
Theo NST