1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tàu hộ tống chiến binh đại dương Karakurt của Nga: "Nhỏ nhưng có võ"

(Dân trí) - Mang kích thước của một tàu tuần dương và tốc độ nhanh như tàu khu trục cùng khả năng tàng hình không thua tàu ngầm, tàu hộ tống Karakurt của Nga xứng đáng với tên gọi “chiến binh đại dương”, là minh chứng cho tính hiện đại và sự phát triển vượt bậc của nền công nghiệp vũ khí Nga.

Tàu hộ tống chiến binh đại dương Karakurt của Nga: "Nhỏ nhưng có võ"

Tàu hộ tống Taifun thuộc lớp Karakurt. (Ảnh: Sputnik)
Tàu hộ tống Taifun thuộc lớp Karakurt. (Ảnh: Sputnik)

Theo Sputnik, Hải quân Nga dự kiến nhận 18 tàu hộ tống lớp Karakurt thuộc dự án 22800 vào năm 2020. Hồi tháng 7 vừa qua, Nga đã hạ thủy thành công tàu Uragan và kỳ vọng sẽ đưa tàu chiến này vào biên chế trong năm nay hoặc năm sau nhằm gia tăng sức mạnh của quân đội Nga trên biển. Ngày 24/11, Nga tiếp tục hạ thủy tàu thứ 2 trong đề án, mang tên Taifun, tại thành phố St. Petersburg.

“Nhỏ nhưng có võ”

Tàu hộ vệ Uragan và Taifun thuộc đề án 22800 do Nga phát triển nhằm thay thế cho đội tàu hộ vệ tiền nhiệm Buyan-M thuộc đề án 21631, những tàu đang thuộc biên chế Hạm đội biển Baltic và Caspian. Ban đầu, Nga chỉ nhằm đưa các tàu này hoạt động tại vùng duyên hải, nhưng chúng đã thể hiện kỹ năng tác chiến tốt đến kinh ngạc với sự tương hỗ của tên lửa hành trình Kalibr trong cuộc chiến chống IS tại Syria.

Tuy nhiên, các tàu Buyan-M còn tồn tại một số điểm yếu khi chiến đấu như khả năng phòng không còn yếu, kĩ năng tác chiến còn thiếu sót. Các tàu lớp Karakurt đã khắc phục hoàn toàn được những vấn đề trên. Với trọng lượng rẽ nước xấp xỉ 800 tấn, sức chịu đựng trên biển của tàu có thể kéo dài tới khoảng 15 ngày và các thiết kế cho phép tàu hoạt động tốt hơn tại các đại dương mở.

Ngoài ra các tàu lớp Karakurt còn được trang bị công nghệ tàng hình. Kết hợp với kích cỡ nhỏ, các tàu hộ tống này có thể làm khó bất cứ tên lửa chống tàu nào đối thủ khai hỏa. Tàu Karakurt có thể xử lý nhanh gọn các mối đe dọa trên không với các hệ thống pháo phòng không AK-630M hoặc biến thể hải quân Pantsir-M của tên lửa đất đối không Pantsir-S1, hệ thống phòng không có khả năng bắn hạ mục tiêu từ khoảng cách 20km.

Khả năng tấn công

Một tàu thuộc đề án 22800 (Ảnh: Sputnik)
Một tàu thuộc đề án 22800 (Ảnh: Sputnik)

Lợi thế chính của các tàu lớp Karakurt là hệ thống tên lửa. Mỗi tàu này thường mang 8 tên lửa phóng thẳng đứng thuộc hệ thống phòng không P-800 Oniks và tên lửa hành trình Kalibr-NK, tên lửa có thể tấn công các mục tiêu mặt đất.

Tên lửa Oniks có thể tấn công mục tiêu từ khoảng cách 500km và tên lửa Kalibr-NK có thể tiêu diệt đối thủ từ khoảng cách tối đa 2.500km.

Với tốc độ khoảng 56km/h, tàu hộ tống lớp Karakurt có thể tấn công tàu đối phương rồi nhanh chóng rời đi để tránh bị tấn công đáp trả. Theo một nguồn tin mở, các tàu thuộc đề án 22800 đều được trang bị hệ thống chiến đấu Sigma-E, hệ thống trao đổi dữ liệu Trassa-E và 4 loại radar vô tuyến khác nhau.

Các tàu lớp Karakurt được Nga thiết kế với triết lý tấn công đánh và chạy. Chúng có kích thước nhỏ, nhưng rất mạnh mẽ và sở hữu khả năng tàng hình, vì vậy chúng có thể áp sát đối thủ, ra đòn tấn công hiểm hóc và nhanh chóng rời đi để bảo đảm an toàn.

Các tàu lớp Karakurt có hiệu năng sử dụng tốt hơn các tàu cỡ lớn. Tàu tuần dương Ticonderoga của Mỹ có trọng lượng rẽ nước 9.800 tấn, có khả năng mang 26 tên lửa Tomahawk với tầm bắn 2.500km. Một nhóm 3 tàu lớp Karakurt cũng có thể phóng 24 tên lửa hành trình với tầm bắn tương tự và quan trọng là chi phí chế tạo tàu Ticonderoga xấp xỉ 1 tỉ USD, số tiền Nga có thể chế tạo được 30 tàu lớp Karakurt.

Sự ra đời của các tàu Karakurt thể hiện một điểm mới trong chiến lược tác chiến của Nga khi quân đội nước này không quá quan trọng kích thước của khí tài nhưng đảm bảo các vũ khí đều sở hữu khả năng chiến đấu ấn tượng.

Đức Hoàng

Theo Sputnik