1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tàu hải quân Trung Quốc "đổ" xuống Biển Đông, tiến sát Malaysia

(Dân trí) - Một đội tàu đặc nhiệm lưỡng cư, được trang bị tối tân của hải quân Trung Quốc đã tới bãi cạn James, cách Malaysia chỉ khoảng 80 km, trong động thái phô trương lực lượng chưa từng có tiền lệ ở vùng biển mà Trung Quốc coi là “cực nam” của “đường lưỡi bò”.

 

Jinggangshan trong cuộc diễn tập gần tỉnh Hải Nam ngày 20/3 vừa qua.

Jinggangshan trong cuộc diễn tập gần tỉnh Hải Nam ngày 20/3 vừa qua.

Hạm đội gồm 4 tàu do tàu đổ bộ Jinggangshan dẫn đầu, đã tới bãi cạn James, cách Malaysia khoảng 80km, cách Brunei chưa đầy 200km và cách bờ biển lục địa chính của Trung Quốc tới 1.800km. Đây là khu vực gần với đường giới hạn của cái gọi là “đường 9 đoạn” Trung Quốc tự đưa ra hòng độc chiếm gần như toàn bộ Biển Đông.

 

Tân Hoa xã hôm qua 26/3 cho biết, trong buổi lễ được thực hiện ngay bên ngoài bãi cạn James, lính thủy đánh bộ và thủy thủ đã tập trung trên boong tàu Jinggangshan, một trong 3 tàu đổ bộ dài 200m của hải quân Trung Quốc, cam kết “bảo vệ” Biển Đông, “duy trì chủ quyền quốc gia và vươn tới giấc mơ về một Trung Hoa mạnh mẽ”. 
 

“Đây là một thông điệp mạnh mẽ đầy bất ngờ được lực lượng đặc nhiệm này phát đi, trong vai trò hoạt động mới so với các cuộc tuần tra trước của Hải quân Trung Quốc (PLAN) trong khu vực”, Gary Li, nhà phân tích cấp cao tại IHS Fairplay ở London nhận định.

 
Lính thủy đánh bộ và thủy thủ trên boong tàu Jinggangshan ngày 26/3.
Lính thủy đánh bộ và thủy thủ trên boong tàu Jinggangshan ngày 26/3.
 

“Giờ đây không chỉ là vài tàu xuất hiện ở đâu đó, mà là một tàu đổ bộ tiên tiến, chở lính thủy đánh bộ cùng tàu đệm khí và được hộ tống bởi một đội tàu hộ tống tốt nhất trong hạm đội PLAN”, ông cho hay. Ông cũng cho biết thêm các chiến đấu cơ cũng được triển khai nhằm bảo vệ cho lực lượng đặc nhiệm.

 

“Chúng ta chưa bao giờ chứng kiến điều gì như thế này từ trước tới nay, xét về cả số lượng và chất lượng…Khó có thể biết đây có phải chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng chắc chắn nó phản ánh tham vọng của ông Tập Cận Bình về những cuộc diễn tập mang tính thực tế hơn nữa”.
 

Các tàu đổ bộ trên được xem là một trong những tàu tiên tiến nhất của PLA. Việc triển khai các tàu này được các nước trong khu vực theo dõi sát sao. Tàu đổ bộ đầu tiên của Trung Quốc, Kunlunshan, đã được sử dụng trong công tác chống hải tặc ở Sừng châu Phi.

 

Hình ảnh được phát tán trên mạng Trung Quốc cho thấy lính thủy đánh bộ xông lên bờ biển và được tàu đệm khí cùng trực thăng triển khai từ Jinggangshan hỗ trợ, trong đợt tập trận kéo dài ngày trên các vùng biển mà nước này ngang nhiên tuyên bố chủ quyền ở Trường Sa.

 

Theo Tân Hoa xã, các tàu này dự kiến quay trở lại hướng bắc, qua eo Bashi giữa Đài Loan và Philippines, tới tây Thái Bình Dương để tiến hành thập trận thêm.

 

Tin tức về sự xuất hiện của Jinggangshan ngoài khơi bãi cạn James vào tối qua đã là chủ đề bàn luận nóng trong giới chức quân sự khu vực. Theo một tùy viên quân sự, việc triển khai lực lượng đặc nhiệm lưỡng cư cho thấy quyết tâm của Trung Quốc trong tuyên bố chủ quyền của mình. Theo ông “Trường Sa đã là một nhẽ, nhưng hướng tới bãi James một lần nữa cho thấy Trung Quốc không ngần ngại gửi thông điệp tới khu vực, trong năm mà Brunei làm chủ tịch ASEAN”.

 

Vũ Quý

Theo South China Morning Post