Tập Cận Bình - ngôi sao đang lên trên chính trường Trung Quốc
(Dân trí) - Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc tuần qua không chỉ đề ra kế hoạch phát triển cho 5 năm tới, mà còn hé lộ thế hệ lãnh đạo kế tiếp với quyết định bầu Phó Chủ tịch Tập Cận Bình vào chức vụ quan trọng trong Quân ủy Trung ương.
Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Năm nay 57 tuổi, ông Tập Cận Bình sinh ra trong một gia đình gốc ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Ông có bằng cử nhân Chính trị, kỹ sư hóa chất, Thạc sĩ, Tiến sĩ Luật.
Ông có thể tự hào nhắc đến truyền thống gia đình. Cha ông, cựu phó Thủ tướng, cựu Ủy viên Quốc vụ viện Tập Trọng Huân (1913-2002), quê Thiểm Tây, từng làm bí thư Quảng Đông và đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng đặc khu kinh tế Thâm Quyến khi cố Chủ tịch Đặng Tiểu Bình mở ra hướng phát triển vùng duyên hải Trung Quốc. Không chỉ có thế, ông Tập Trọng Huân còn là một trong số ít những người sống sót sau cuộc Vạn lý Trường Chinh cùng Mao Trạch Đông, sự kiện mà Trung Quốc đã dựng thành huyền thoại cho Quân Giải phóng Nhân dân (PLA).
Ông Tập gia nhập Đảng Cộng sản năm 1971 và lên dần trong hệ thống chính trị ở địa phương. Ông từng đảm nhận các chức vụ quan trọng trong Đảng và chính quyền tại các tỉnh Phúc Kiến, Chiết Giang, Thượng Hải… Tại Đại hội 17 Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2007, ông lúc đó mới đảm nhận chức Bí Thư Thành ủy Thượng Hải được 7 tháng 4 ngày đã được thăng tiên tiếp 3 cấp, từ một ủy viên trung ương trở thành ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên thường vụ cơ quan tối cao Đảng Cộng sản Trung Quốc, đồng thời được phân công phụ trách Ban Bí thư, trở thành hạt nhân thế hệ lãnh đạo thứ 5 của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Khi vào thường vụ Bộ Chính trị, ngoài việc được các nhà lãnh đạo kỳ cựu như cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân và đương kim Chủ tịch Hồ Cẩm Đào chấp nhận, quan trọng hơn, ông Tập Cận Bình đã đạt số phiếu bầu cao nhất trong nội bộ đảng, rất nhiều nhân vật lão thành có sự ủng hộ đặc biệt đối với ông. Trong số các Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị hiện nay, chỉ có ông trải qua “binh nghiệp”, cộng thêm việc người cha Tập Trọng Huân là một “nguyên lão khai quốc”, đã tạo cho ông ưu thế tương đối lớn trong giới quân sự.
Hiện chức vụ đầy đủ của ông Tập Cận Bình là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, Bí thư Ban Bí thư Trung ương, Hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Nhà lãnh đạo tiềm năng
Báo Hồng Kông (Trung Quốc) nhận định quyết định của Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 18/10 bổ nhiệm ông Tập Cận Bình vào vị trí quan trọng, trong cơ quan quan trọng nắm giữ và kiểm soát quân đội Trung Quốc, đã thể hiện tính ổn định và tính liên tục trong quá trình chuyển giao quyền lãnh đạo ở Trung Quốc. Báo chỉ ra rằng ông Hồ Cẩm Đào trước khi đảm nhận chức Chủ tịch nước cũng đã vào Quân ủy Trung ương.
Theo ông Willy Lam, một chuyên gia về trung Quốc tại Tổ chức Jamestown ở Washington, đây là một dấu hiệu rõ rệt rằng ông Tập Cận Bình sẽ là thế hệ lãnh đạo kế cận ở Trung Quốc. Ông này nói: “Điều này rất quan trọng vì theo truyền thống của Đảng Cộng sản Trung Quốc, lãnh đạo tương lai phải là người có kinh nghiệm, vì thế đây sẽ là thời cơ rất tốt trong sự nghiệp chính trị của ông Tập Cận Bình”.
Vẫn theo ông Willy Lam, đảm nhận chức Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương là con đường tất yếu của người kế nhiệm. Chủ tịch Quân ủy Trung ương do Tổng Bí thư Đảng Cộng sản, Chủ tịch nước kiêm nhiệm; Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương thường có 2 đến 3 người, ngoài một tướng lĩnh cấp cao trong quân đội, một chức Phó dành cho nhân vật dự kiến kế nhiệm lãnh đạo trong Đảng kiêm nhiệm. Nguyên Tổng bí thư Triệu Tử Dương và đương kim Chủ tịch Hồ Cẩm Đào từng đảm nhận qua chức phó này.
Nhiều báo châu Á chú ý đến xuất thân của ông Tập Cận Bình và cho rằng ông là người không ham đi du học thời Trung Quốc bắt đầu chính sách Khai phóng. Trái lại, ông bỏ ra hàng chục năm đi về công tác ở các tỉnh và lên dần trong bộ máy Đảng. Vì thế, ông có kinh nghiệm lãnh đạo tại các tỉnh duyên hải trù phú và cũng có tiếng là ủng hộ cho cải cách thị trường và kinh tế tư nhân. Tạp chí Foreign Policy của Mỹ thì cho rằng ông là người cương quyết trong vấn đề bài trừ tham nhũng.
“Ấn tượng chung về Tập Cận Bình là, ông là một người rất thận trọng”, Cao Trí Khai, một nhà bình luận chính trị tại Bắc Kinh nói. Có phân tích cho rằng, nếu Tập Cận Bình kế thừa khí phách chính trị và tinh thần cải cách của cha mình, ông có thể sẽ ủng hộ, thậm chí thúc đẩy cải cách tại Trung Quốc. Còn trả lời phỏng vấn kênh NHK của Nhật Bản, Giáo sư Satoshi Amako, Khoa Nghiên cứu Trung Quốc Hiện đại của Trường Đại học Waseda (Nhật Bản) nhận định ông Tập Cận Bình là một nhà lãnh đạo có tiềm năng và nền tảng, đủ để thiết lập quan hệ tốt với Nhật Bản.