1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Tâm trạng hỗn độn của người Nga sau vụ khủng bố đẫm máu nhất trong 20 năm

Đức Hoàng

(Dân trí) - Người dân Nga có cảm xúc hỗn độn sau vụ tấn công nhằm vào nhà hát ở vùng Moscow, vốn cướp đi sinh mạng của 137 người và làm hàng trăm người khác bị thương.

Tâm trạng hỗn độn của người Nga sau vụ khủng bố đẫm máu nhất trong 20 năm - 1

Người Nga đặt hoa và gấu bông trước khu vực tưởng niệm nạn nhân xấu số (Ảnh: AFP).

Trên đường phố Moscow hôm 24/3, người dân bàng hoàng, đau buồn, phẫn nộ xen lẫn hoang mang khi Nga cử hành ngày quốc tang sau vụ tấn công đẫm máu nhất ở nước này trong hai thập niên.

Khi người dân đặt hoa tại các buổi tưởng niệm và thắp nến trong nhà thờ, có nhiều tranh luận về thủ phạm đứng đằng sau vụ tấn công tàn bạo vào tối ngày 22/3, tới nay đã khiến gần 137 người thiệt mạng và 187 người bị thương, theo số liệu chính thức mà Nga công bố.

Luật sư Ruslana Baranovskaya, 35 tuổi, nói với AFP trên một con phố chạy ra Quảng trường Đỏ: "Tôi vẫn còn bị sốc. Đó là một bi kịch đã làm tôi suy sụp tinh thần".

Bên kia quảng trường một lá cờ được treo rủ phía trên Điện Kremlin.

IS đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công kinh hoàng vào nhà hát Crocus City tối ngày 22/3.

Tổng thống Nga Vladimir Putin chưa bình luận về tuyên bố của IS, nhưng cho biết 4 nghi phạm trực tiếp tham gia vào vụ tấn công đã bị bắt khi cố bỏ trốn sang Ukraine.

Trong khi đó, cơ quan an ninh Nga FSB cho biết các nghi phạm có "liên hệ" với phía Ukraine ở bên kia biên giới. Ukraine nhanh chóng bác bỏ những thông tin này, nhấn mạnh họ không có liên quan. Mỹ cũng có nhận định tương tự như Kiev.

Tâm trạng hỗn độn của người Nga sau vụ khủng bố đẫm máu nhất trong 20 năm - 2

Thông điệp tưởng niệm các nạn nhân xuất hiện tại nhiều nơi ở Nga (Ảnh: AFP).

Tại Moscow, người dân cũng có ý kiến trái chiều về nghi vấn vụ tấn công có thể liên quan tới Ukraine.

Vomik Aliyev, một sinh viên y khoa 22 tuổi, thừa nhận anh không tin lắm vào sự liên quan của Ukraine tới vụ tấn công.

Tuy nhiên, một số người khác lại có quan điểm khác. Valery Chernov, một chủ cửa hàng 52 tuổi, cho biết: "Cuộc chiến đang diễn ra ở mọi nơi trên đất nước, không chỉ trên tivi. Thật khó để nói ai đứng đằng sau tất cả những điều này: Chắc chắn là kẻ thù của Nga, là những bên muốn gây bất ổn để người Nga bắt đầu nghi ngờ rằng liệu họ có được chính phủ bảo vệ hay không".

Người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov, tuần trước cho biết Nga đang ở trong "tình trạng chiến tranh" với Ukraine. Đây là lần đầu Nga sử dụng cụm từ này một cách chính thức, thay vì cách dùng chiến dịch quân sự đặc biệt trong hơn 2 năm qua.

Ông nói: "Nó bắt đầu như một hoạt động quân sự đặc biệt, nhưng ngay khi tập thể phương Tây trở thành bên tham chiến đứng về phía Ukraine, đối với chúng tôi, nó đã trở thành một cuộc chiến tranh".

Ngay sau khi vụ tấn công xảy ra, 5.000 người ở Moscow và khu vực xung quanh đã xếp hàng hiến máu cho những nạn nhân phải nhập viện điều trị. Rạp hát, bảo tàng, rạp phim đóng cửa trên khắp cả nước.

Các tấm bảng lớn có nội dung tưởng nhớ các nạn nhân xấu số xuất hiện, thay thế cho các quảng cáo ở các tòa nhà và ga tàu điện ngầm. Người dân tới hiện trường vụ tấn công để đặt hoa cho những nạn nhân của vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất tại Nga kể từ năm 2004.

Đối với nhiều người Moscow, nỗi đau vẫn nguyên vẹn sau 48 giờ đồng hồ vụ tấn công xảy ra.

Alyona, 39 tuổi, một cư dân Moscow, cho biết: "Tôi rất khó nói về chuyện này. Thành thật mà nói, tôi đã gặp ác mộng".

Trong khi đó, Luật sư Baranovskaya nói: "Mỹ và Anh đã cảnh báo công dân của họ", đề cập đến cảnh báo an ninh ngày 7/3 do một số đại sứ quán phương Tây đưa ra về nguy cơ sắp xảy ra một cuộc tấn công ở thủ đô Nga.

"Câu hỏi đặt ra là tại sao cơ quan an ninh của chúng tôi không biết trước về vụ tấn công khủng bố?", Baranovskaya thắc mắc.

Ba ngày trước khi vụ tấn công diễn ra, ông Putin đã bác bỏ những thông điệp cảnh báo nói trên, cho rằng chúng được đưa ra để làm xã hội Nga bất ổn.

Trên đường phố Nga, một số người dân thừa nhận họ cảm thấy bất an khi ra đường sau vụ tấn công. Aliyev, sinh viên y khoa, nói: "Chúng tôi sẽ phải cẩn thận. Đi vào tàu điện ngầm lúc này có thể không phải là một ý tưởng hay".

Tuy nhiên, anh tin rằng, sau vụ việc, Nga sẽ vượt qua và mạnh mẽ hơn. "Những vụ việc như thế này sẽ đoàn kết chúng tôi lại để vượt qua những trở ngại", anh nhấn mạnh.

Theo AFP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm