1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Taliban lấy nguồn tiền ở đâu để "nuôi" chính phủ mới?

Thành Đạt

(Dân trí) - Sau khi kiểm soát phần lớn lãnh thổ Afghanistan và bắt đầu thành lập chính phủ mới, Taliban đang phải đối mặt với thách thức phát triển nền kinh tế của đất nước.

Taliban lấy nguồn tiền ở đâu để nuôi chính phủ mới? - 1

Tay súng Taliban ở Afghanistan (Ảnh: Getty).

Taliban có những nguồn thu đáng kể để tài trợ cho lực lượng của họ khi giành được quyền kiểm soát đất nước.

Chỉ trong năm tài chính 2019-2020, Taliban đã thu về 1,6 tỷ USD từ nhiều nguồn khác nhau. Trong khoảng thời gian này, Taliban đã kiếm được 416 triệu USD từ việc bán thuốc phiện, hơn 400 triệu USD từ khai thác khoáng sản như quặng sắt, đá cẩm thạch và vàng, ngoài ra còn có 240 triệu USD các khoản đóng góp từ các nhóm và các nhà tài trợ tư nhân.

Cơ quan tình báo Mỹ tin rằng nhiều quốc gia trong đó có Nga, Iran, Pakistan và Trung Quốc đã hỗ trợ tài chính cho Taliban. Với những nguồn lực này, Taliban có thể mua nhiều vũ khí và tăng cường sức mạnh quân sự, từ đó phát triển lực lượng, thực hiện cuộc tiến công chớp nhoáng và lên nắm quyền tại Afghanistan.

Tuy nhiên, việc giành chiến thắng trong một cuộc chiến có thể dễ dàng hơn việc điều hành một đất nước vốn phải đối mặt với nhiều vấn đề.

Afghanistan đang phải hứng chịu đợt hạn hán nghiêm trọng, đe dọa cuộc sống của hơn 12 triệu người - chiếm 1/3 dân số - với nguy cơ mất an ninh lương thực. Giá thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác tăng vọt, trong khi hầu hết ngân hàng bắt đầu mở cửa trở lại nhưng lượng tiền mặt rất hạn chế.

Tương tự nhiều quốc gia khác, nền kinh tế Afghanistan cũng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Nhiều người lo ngại rằng dịch sẽ bùng phát trở lại khi tỷ lệ tiêm chủng giảm, trong khi nhiều cơ sở y tế phải đối mặt với tình trạng thiếu kinh phí trầm trọng.

Taliban cũng phải đối mặt với những thách thức về tài chính. Khoảng 9,4 tỷ USD dự trữ quốc tế của Afghanistan bị đóng băng ngay sau khi Taliban chiếm thủ đô Kabul. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đình chỉ hơn 400 triệu USD dự trữ khẩn cấp và Liên minh châu Âu (EU) tạm dừng kế hoạch phân bổ 1,4 tỷ USD viện trợ cho Afghanistan đến năm 2025.

Phần lớn khoản dự trữ gần 9,5 tỷ USD của Afghanistan đang được gửi tại Cục Dự trữ liên bang New York và các tổ chức tài chính khác ở Mỹ. Taliban được cho là sẽ không thể tiếp cận bất cứ tài sản nào của chính phủ Afghanistan tại Mỹ bởi tổ chức này vẫn nằm trong danh sách trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ. Ngoài ra, Mỹ cũng đã đóng băng "kho tiền" của Afghanistan.

Các nguồn thu cho Taliban

Theo The Conversation, sau khi hoàn tất việc xây dựng chính phủ và lên kế hoạch cho một lộ trình tương lai, Taliban có một số nguồn thu mà họ có thể khai thác để có đủ kinh phí điều hành đất nước.

Hải quan và thuế: Taliban hiện đã kiểm soát hoàn toàn các cửa khẩu và văn phòng chính phủ của Afghanistan, do vậy lực lượng này có thể bắt đầu thu tất cả thuế nhập khẩu và các loại thuế khác.

Ma túy: Taliban từng tuyên bố sẽ không cho phép nông dân Afghanistan trồng cây thuốc phiện nhằm tìm kiếm sự công nhận của quốc tế đối với chính quyền của Taliban. Nhưng nếu Taliban không được công nhận, hoạt động trồng cây thuốc phiện vẫn diễn ra. Trong trường hợp đó, Taliban có thể tiếp tục tạo ra nguồn thu đáng kể từ buôn lậu ma túy. Afghanistan được cho là chiếm khoảng 80% nguồn cung thuốc phiện và heroin toàn cầu.

Khai thác mỏ: Afghanistan ước tính có nguồn khoáng sản trị giá 1.000 tỷ USD, bao gồm những kim loại quan trọng đối với chuỗi cung ứng hiện đại như lithium, sắt, đồng và coban.

Hỗ trợ từ các nước ngoài phương Tây: Một số quốc gia được cho là đã giúp đỡ Taliban về mặt tài chính bao gồm Nga, Qatar, Iran, Pakistan. Taliban gần đây đã tuyên bố Trung Quốc "đối tác chính của họ". Ngày 8/9, Trung Quốc đã viện trợ khẩn cấp cho Afghanistan 31 triệu USD. Ngoài khai thác khoáng sản, Trung Quốc cũng quan tâm đến việc mở rộng Sáng kiến Vành đai và Con đường - một dự án phát triển cơ sở hạ tầng toàn cầu - tới Afghanistan.

Viện trợ của phương Tây: Ngay cả khi có những nguồn thu nhập khác, Taliban vẫn sẽ quan tâm đến việc khôi phục viện trợ từ Mỹ và các nước phương Tây, đồng thời thoát khỏi các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc vốn áp đặt lên nhóm này từ năm 1999.

Sau khi giành quyền kiểm soát đất nước vào tháng trước, Taliban cam kết sẽ thực thi chính sách khác so với giai đoạn cầm quyền vào những năm 1990, bao gồm tôn trọng quyền của phụ nữ và không cho phép những kẻ khủng bố sử dụng lãnh thổ Afghanistan để tấn công nước khác. EU, Mỹ và các nước phương Tây có thể sử dụng viện trợ và nguồn dự trữ tài chính bị đóng băng làm đòn bẩy để buộc Taliban thực hiện những cam kết này.

Trong 20 năm qua, chính phủ Mỹ và các quốc gia khác đã tài trợ cho phần lớn ngân sách phi quân sự của chính phủ Afghanistan. Hầu hết kinh phí dành cho việc phát triển đất nước và xây dựng cơ sở hạ tầng tại Afghanistan kể từ năm 2001 đến từ các quốc gia khác.

Mỹ và các nhà tài trợ quốc tế khác đã chi trả khoảng 75% chi tiêu phi quân sự của chính phủ trong những năm qua. Ngoài ra, Mỹ đã chi 5,8 tỷ USD kể từ năm 2001 cho phát triển kinh tế và cơ sở hạ tầng tại Afghanistan.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm