1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Số phận "kho tiền" hàng tỷ USD của Afghanistan tại Mỹ khi Taliban nắm quyền

Thành Đạt

(Dân trí) - Các chuyên gia vẫn đang xem xét khả năng Taliban có thể tiếp cận hàng tỷ USD dự trữ của ngân hàng trung ương Afghanistan được cất ở New York, Mỹ.

Số phận kho tiền hàng tỷ USD của Afghanistan tại Mỹ khi Taliban nắm quyền - 1

Thành viên của Taliban tuần tra ở Kabul, Afghanistan (Ảnh: Getty).

Theo Robert Hockett, giáo sư về luật và tài chính tại Đại học Cornell, Taliban "gần như không có cơ hội" tiếp cận khối tài sản dự trữ của Ngân hàng Trung ương Afghanistan, dù lực lượng này đã lên nắm quyền điều hành đất nước.

"Việc tiếp cận là bất khả thi, cả về mặt pháp lý lẫn trên thực tế", ông Hockett nhận định.

Hãng tin Bloomberg ngày 17/8 dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết, theo lệnh của Tổng thống Joe Biden, Washington đã đóng băng gần 9,5 tỷ USD tài sản của Ngân hàng Trung ương Afghanistan, đồng thời ngừng chuyển tiền mặt tới quốc gia này kể từ ngày 15/8, thời điểm Taliban giành quyền kiểm soát thủ đô Kabul. Đa số khoản dự trữ gần 9,5 tỷ USD này đang nằm tại Cục Dự trữ liên bang New York và các tổ chức tài chính khác ở Mỹ.

Trong khi đó, cựu quyền Thống đốc Ngân hàng Trung ương Afghanistan, Ajmal Ahmady, nói với báo New York Times rằng khoảng 7 tỷ USD dự trữ của Ngân hàng Trung ương Afghanistan do Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York nắm giữ, trong khi 1,3 tỷ USD được giữ trong các tài khoản quốc tế .

Quan chức Mỹ khẳng định, Taliban sẽ không thể tiếp cận bất cứ tài sản nào của chính phủ Afghanistan tại Mỹ bởi tổ chức này vẫn nằm trong danh sách trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ. Giáo sư Hockett cũng đồng tình với quan điểm này.

Ông Hockett cho biết về cơ bản việc Taliban tiếp cận với kho dự trữ của Ngân hàng Trung ương Afghanistan là bất khả thi về mặt pháp lý vì Taliban "không được Mỹ công nhận là một chính phủ hợp pháp."

"Mỹ có thẩm quyền pháp lý để đóng băng tài sản của một chính phủ khi chính phủ đó bị thay thế bằng một thực thể phi chính phủ", ông Hockett nói thêm.

Theo ông Hockett, "cách duy nhất" để Taliban có thể tiếp cận hàng tỷ USD dự trữ này là khi "Taliban không còn là Taliban nữa".

"Chỉ khi họ không còn là Taliban nữa, họ mới có thể được coi là chính phủ hợp pháp của Afghanistan", ông Hockett nói.

Ông Hockett nhận định các tài sản của Ngân hàng Trung ương Afghanistan có thể bị đóng băng ở Mỹ "vô thời hạn".

"Không có thời hạn, ngày tháng hay giới hạn nào về thời gian. Về mặt pháp lý, nó có thể kéo dài hàng trăm năm", ông Hockett nói thêm.

Ông Hockett cho biết Afghanistan cũng có tài sản ở các quốc gia khác và các nước đó chắc chắn cũng có động thái tương tự Mỹ.

Trước đó, sau cuộc cách mạng Hồi giáo ở Iran năm 1979, Mỹ đã đóng băng hàng tỷ USD tài sản của Iran và số tài khoản này đã bị đóng băng trong suốt hàng chục năm.

"Với Iran, điều đó đã diễn ra trong nhiều thập niên. Và với Taliban, nó cũng có thể diễn ra trong nhiều thập niên, nếu Taliban vẫn tiếp tục nắm quyền", ông Hockett nói thêm.

Theo ông Hockett, một khả năng khác có thể xảy ra liên quan đến tài sản dự trữ của Afghanistan là số tài sản bị đóng băng sẽ được sử dụng để bồi thường thiệt hại trong các vụ kiện của người tị nạn Afghanistan, những người được Mỹ và đồng minh đưa ra khỏi đất nước, nhằm vào Taliban.

"Tôi nghĩ nhiều khả năng một loạt người tị nạn sẽ đệ đơn kiện Taliban. Tôi có thể dự đoán các vụ kiện tập thể nhằm vào Taliban, hoặc nhằm vào chính phủ Afghanistan do Taliban kiểm soát, tại các tòa án liên bang của Mỹ và đòi bồi thường bằng những tài sản trên", ông Hockett cho biết thêm.

Ngoài ra, ông Hockett cũng để ngỏ khả năng Mỹ sử dụng các tài sản bị đóng băng "làm quân bài mặc cả trong các cuộc đàm phán với Taliban để chiếm ưu thế trước Taliban".

Ngoài việc ngăn Taliban tiếp cận tài sản của chính phủ Afghanistan gửi tại Mỹ, Washington cũng có thể ngăn Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB) viện trợ cho Afghanistan.