1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Taliban giao tranh ác liệt với phe kháng chiến, Mỹ cảnh báo nội chiến

Thành Đạt

(Dân trí) - Tướng Mỹ cảnh báo Afghanistan có nguy cơ xảy ra nội chiến khi cuộc giao tranh giữa Taliban và lực lượng kháng chiến vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Taliban giao tranh ác liệt với phe kháng chiến, Mỹ cảnh báo nội chiến - 1

Các thành viên của lực lượng kháng chiến chống Taliban đứng gác tại một tiền đồn ở Kotal-e Anjuman thuộc huyện Paryan của tỉnh Panjshir vào ngày 23/8, khi Taliban bao vây khu vực này (Ảnh: AFP).

Taliban và lực lượng kháng chiến đã giao tranh trong ngày 4/9 để kiểm soát thung lũng Panjshir phía bắc thủ đô Kabul. Panjshir là thành trì cuối cùng tại Afghanistan chưa rơi vào tay Taliban và là "pháo đài" tập kết lực lượng của phe kháng chiến.

Cả Taliban và phe kháng chiến đều tuyên bố giành ưu thế tại Panjshir, nhưng cả hai đều không thể đưa ra bằng chứng thuyết phục để chứng minh tuyên bố này.

Người phát ngôn Taliban Bilal Karimi cho biết các huyện Khinj và Unabah đã bị chiếm, trao cho lực lượng này quyền kiểm soát 4 trong số 7 huyện của tỉnh Panjshir.

"Mujahideen (các chiến binh Taliban) đang tiến về trung tâm (của tỉnh)", ông Karimi thông báo trên Twitter.

Trong khi đó, Mặt trận Kháng chiến Quốc gia Afghanistan (NRF), nhóm tập hợp các lực lượng trung thành với thủ lĩnh Ahmad Massoud, cho biết họ đã bao vây "hàng nghìn kẻ khủng bố" ở đèo Khawak và Taliban đã phải bỏ lại phương tiện và trang thiết bị trong khu vực Dashte Rewak.

Người phát ngôn NRF Fahim Dashti nói thêm rằng "các cuộc đụng độ ác liệt" đang diễn ra giữa Taliban và phe kháng chiến. Ông Dashti cho biết, khoảng 600 tay súng Taliban đã bị tiêu diệt tại Panjshir hôm 4/9. Ngoài ra, hơn 1.000 tay súng Taliban khác đã bị bắt giữ hoặc đầu hàng.

Emergency, một tổ chức viện trợ y tế của Italy, cho biết Taliban đã tiến sâu hơn vào thung lũng Panjshir vào tối 3/9, đến làng Anabah, nơi nhóm này có các cơ sở y tế.

"Chúng tôi đã tiếp nhận một số người bị thương tại Trung tâm Phẫu thuật Anabah", Emergency cho biết trong một tuyên bố, đồng thời cho biết thêm rằng nhiều người đã bỏ trốn trong những ngày gần đây.

Trong một bài đăng trên Facebook, thủ lĩnh Massoud khẳng định Panjshir "tiếp tục đứng vững". Ông nói rằng các cuộc biểu tình của phụ nữ ở thành phố Herat, trong đó kêu gọi Taliban bảo đảm quyền của phụ nữ, cho thấy người Afghanistan sẽ không từ bỏ đòi hỏi về sự công bằng và "họ không sợ bị đe dọa" trước Taliban.

Phụ nữ Afghanistan biểu tình phản đối Taliban

Ở Kabul, các tay súng Taliban đã trấn áp cuộc biểu tình của hàng chục phụ nữ. Họ kêu gọi Taliban tôn trọng quyền được học tập và làm việc của phụ nữ. Một người biểu tình nói rằng các chiến binh Taliban đã sử dụng hơi cay để giải tán đám đông.

"Taliban cũng dùng súng đánh vào đầu phụ nữ, khiến họ bị chảy máu", một người biểu tình tên Soraya cho biết.

Trong giai đoạn cầm quyền cách đây 20 năm, Taliban đã áp đặt các hình phạt bạo lực, đồng thời cấm phụ nữ và trẻ em gái đến trường và đi làm. Tuy nhiên lần này, sau khi lên nắm quyền ở Kabul, Taliban đã cố gắng xây dựng hình ảnh ôn hòa hơn.

Tướng Mỹ Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, nhấn mạnh tình hình tại Afghanistan hiện rất mong manh.

"Quân đội Mỹ tính toán rằng, các điều kiện (ở Afghanistan) có nguy cơ phát triển một cuộc nội chiến. Tôi không biết liệu Taliban có thể củng cố quyền lực và thiết lập sự cầm quyền hay không", Tướng Milley nói.

Trả lời phỏng vấn Fox News từ căn cứ không quân Ramstein ở Đức, Tướng Milley cho biết nếu Taliban không làm được điều trên sẽ "dẫn đến sự trỗi dậy của al-Qaeda hay sự lớn mạnh của IS hoặc hàng loạt nhóm khủng bố khác" trong 3 năm tới.

Tướng tình báo Faiz Hameed của Pakistan đã tới Kabul hôm 4/9. Hiện chưa rõ chương trình nghị sự của tướng tình báo Pakistan, nhưng một quan chức cấp cao ở Pakistan hồi đầu tuần cho biết Hameed, người đứng đầu cơ quan tình báo quyền lực của Pakistan (ISI), có thể giúp Taliban tổ chức lại quân đội Afghanistan.

Washington cáo buộc Pakistan và ISI hậu thuẫn cho Taliban trong cuộc chiến kéo dài 20 năm của Taliban nhằm chống lại chính phủ do Mỹ hậu thuẫn ở Kabul, mặc dù Pakistan bác bỏ cáo buộc này.