1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Taliban chỉ định đại sứ, yêu cầu được phát biểu tại Liên Hợp Quốc

Thanh Thành

(Dân trí) - Taliban đã yêu cầu được phát biểu tại phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đang diễn ra ở New York (Mỹ) và đã chỉ định người phát ngôn Suhail Shaheen tại Doha làm đại sứ Liên Hợp Quốc.

Taliban chỉ định đại sứ, yêu cầu được phát biểu tại Liên Hợp Quốc - 1

Phát ngôn viên của Taliban tại Doha, ông Suhail Shaheen (Ảnh: Reuters).

Ngoại trưởng Taliban Amir Khan Muttaqi đã đưa ra yêu cầu này trong một bức thư gửi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hôm 21/9. Trong đó, phía Taliban yêu cầu được phát biểu trong cuộc họp cấp cao hàng năm kéo dài 1 tuần của Đại hội đồng.

Người phát ngôn của Tổng thư ký Guterres, ông Farhan Haq đã xác nhận bức thư của ông Muttaqi.

Động thái này gây ra một cuộc đối đầu với ông Ghulam Isaczai, đại sứ của chính quyền Afghanistan cũ tại Liên Hợp Quốc. Nội dung bức thư của Taliban cho biết, nhiệm vụ của ông Isaczai "coi như là đã kết thúc và ông này không còn đại diện cho Afghanistan nữa".

Ông Haq cho biết, yêu cầu của Taliban đã được gửi tới ủy ban gồm 9 thành viên gồm có Mỹ, Trung Quốc và Nga. Ủy ban không có khả năng sẽ họp bàn về vấn đề này trước ngày 27/9, thời điểm bế mạc phiên họp, vì vậy khả năng cao là đại sứ do Taliban chỉ định sẽ không thể phát biểu trước phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Theo quy định của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, cho đến khi có quyết định của ủy ban thông tin, ông Isaczai vẫn là đại diện của Afghanistan. Vị đại sứ này dự kiến sẽ có bài phát biểu vào ngày họp bế mạc. Tuy nhiên, không rõ liệu có quốc gia nào sẽ phản đối việc này hay không, nhất là sau khi Taliban đã gửi thư đến Liên Hợp Quốc như vậy.

Khi Taliban cầm quyền lần đầu tiên vào năm 1996-2001, đại sứ của chính phủ Afghanistan bị lật đổ trước đó vẫn là làm đại diện tại Liên Hợp Quốc sau khi ủy ban 9 thành viên trì hoãn quyết định đại diện do Taliban chỉ định.

Trong động thái lần này, việc Liên Hợp Quốc chấp nhận đại sứ của Taliban sẽ là một bước quan trọng trong nỗ lực của nhóm Hồi giáo này để được cộng đồng quốc tế công nhận, động thái có thể giúp mở ra các khoản tiền cần thiết cho nền kinh tế đang thiếu tiền mặt nghiêm trọng của Afghanistan.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Guterres cho rằng, mong muốn được quốc tế công nhận của Taliban là đòn bẩy duy nhất mà các quốc gia khác cần tận dụng để thúc đẩy một chính phủ bao trùm và tôn trọng các quyền, đặc biệt là quyền phụ nữ ở Afghanistan.