1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tại sao thỏa thuận với Iran lại quá quan trọng với ông Obama?

Thỏa thuận sơ bộ giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) ký kết hôm 2/4 vừa qua chính là thuốc thử quan trọng nhất cho học thuyết ngoại giao của ông Obama.

Thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Tehran lần này quả thực là phép thử lớn về quan điểm trọng tâm nhất trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ Barack Obama: Liệu ngoại giao và đối thoại có phải là cách thức tốt nhất để giải quyết những bất đồng với các nước được coi là thù địch với Mỹ?

Tổng thống Barack Obama phát biểu tại Vườn Hồng sau khi Iran và Nhóm P5+1 ký thỏa thuận sơ bộ. (
Tổng thống Barack Obama phát biểu tại Vườn Hồng sau khi Iran và Nhóm P5+1 ký thỏa thuận sơ bộ. (Ảnh: AP)

Ông Obama đã kiểm chứng công cụ này với Myanmar và gần đây là Cuba. Nhưng tầm quan trọng của cả hai bước đi này có lẽ sẽ không thể sánh được với việc ngăn cản một Iran tiến đến sở hữu vũ khí hạt nhân, đưa Iran trở lại cộng đồng thế giới chỉ bằng biện pháp ngoại giao. Với Iran, thành công trong tầm nhìn của ông Obama không chỉ dừng lại ở chỗ kiềm tỏa tham vọng hạt nhân của Tehran. Rộng hơn là lời khẳng định: Liệu đối thoại giữa Washington-Tehran – điều gần như vắng bóng trong gần 4 thập kỉ qua,  có đủ sức để đưa Iran trở thành một nhân tố giúp tạo lập hòa bình, ổn định ở Trung Đông hay không?

Ông chủ Nhà Trắng thừa nhận rằng, cách tiếp cận mới không thể bảo đảm chắc chắn thành công, nhưng kiên quyết bảo lưu quan điểm đối thoại sẽ tốt hơn việc ném bom các cơ sở hạt nhân của Tehran – việc làm chắc chắn sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến tại Trung Đông. Ở phía đối lập, những người chỉ trích ông Obama lo ngại rằng, mong muốn tạo “dấu ấn rõ nét” trong nhiệm kì tổng thống có thể buộc Mỹ phải “xuống nước” quá nhiều trước Iran. Họ cho rằng, một thỏa thuận sẽ giúp đưa Iran trở thành một thành viên của cộng đồng quốc tế là điều phi thực tế.

Nhưng hôm 2/4 vừa qua chính là thời khắc để Tổng thống Mỹ thể hiện rằng, có thể dựa vào giải pháp ngoại giao trước những thách thức nan giải như Iran. Chỉ vài giờ sau khi Ngoại trưởng John Kerry lên tiếng về bản kế hoạch chi tiết, phức tạp nhằm giới hạn, kiểm soát chương trình hạt nhân của Tehran, ông Obama đã phát biểu tại Vườn Hồng rằng “ngoại giao là giải pháp tốt nhất cho tới thời điểm hiện nay”. Mục đích cuối cùng là một thỏa thuận toàn diện vào thời hạn chót ngày 30/6 tới đây, mà nếu đạt được, “chúng ta có thể giải quyết được một trong những mối đe dọa an ninh lớn nhất với nước Mỹ và bằng một cách thức hòa bình”.

Kể từ khi lần đầu tiên đưa ra cách tiếp cận mới về Iran trong bài diễn văn nhậm chức năm 2009, Tổng thống Obama đã phải chịu nhiều chỉ trích trong nước, nhất là từ các nghị sĩ Quốc hội, những người nói rằng ông đã quá chú tâm đến việc “hiểu biết kẻ thù” mà lờ đi những nhu cầu, quan ngại của các nước đồng minh, bạn bè. Quan chức Nhà Trắng thì nói rằng, Tổng thống hiểu rõ được những lo lắng của các đối tác tại khu vực, trấn an rằng việc can dự với Iran không đồng nghĩa với việc Washington bỏ quên các đồng mình.

Trong một nỗ lực làm yên lòng các nước bạn bè tại khu vực, Tổng thống Obama tuyên bố sẽ mời lãnh đạo các nước thuộc Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC), trong đó có cả Saudi Arabia, tới trại David để tham dự một cuộc gặp vào cuối mùa thu này. Ông cũng nói rằng, sẽ có cuộc trao đổi với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Trong bài phát biểu tại Vườn Hồng hôm 2/4, ông chủ Nhà Trắng mô tả thỏa thuận mà mới này là “một thỏa thuận tốt”, “giải pháp tốt nhất”. Từ nay đến 30/6 sẽ là quãng thời gian để ông thuyết phục mọi người tin rằng ngoại giao và đối thoại có thể sẽ là giải pháp phù hợp để giải quyết những thách thức đến từ chương trình hạt nhân của Iran.

Theo Hoài Thanh (Theo Csmonitor)