1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tái “nhận diện” và tìm liên minh phòng chống khủng bố

Đài ABC của Australia mới đây đã đăng bài viết của tác giả Damien Kingsbury, Giáo sư về chính trị quốc tế tại Trường Đại học Deakin ở Melbourne...

... Cho rằng các vụ tấn công khủng bố tại Paris (Pháp) vừa qua mặc dù thể hiện sự thay đổi căn bản về mặt chiến lược của tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS), song mục đích của chúng không có gì mới.

Tái “nhận diện” và tìm liên minh phòng chống khủng bố - 1

Có sự thay đổi lớn trong chính trị quốc tế sau 30 phút khủng bố kinh hoàng ở Paris

Các cuộc tấn công kinh hoàng tại Paris ngày 13/11 một lần nữa khiến giới truyền thông cũng như giới lãnh đạo chính trị ở các nước phương Tây hoảng sợ. Nếu Hồi giáo cực đoan có thể tấn công theo ý muốn ở trung tâm của Paris thì dường như không nơi nào còn an toàn. 

Mục tiêu cơ bản

GS Damien Kingsbury cho rằng, khủng bố không phải là mới và luôn có 3 mục tiêu cơ bản. Cả IS lẫn mạng lưới khủng bố Al-Qaeda cùng có xuất phát điểm từ tư tưởng bạo lực tôn giáo. Hai tổ chức này chia tách năm 2007 do sự khác biệt về chiến lược cơ bản. 

Al-Qaeda luôn coi các cuộc đấu tranh như một trụ cột của Hồi giáo thông qua cuộc đọ sức quyết liệt chống lại thế giới và sau đó tìm kiếm những người theo chủ nghĩa Hồi giáo có xu hướng mong đợi một cuộc chiến toàn cầu. 

Trong khi đó, IS lại muốn xây dựng một nhà nước cụ thể trong một khu vực giới hạn và đang gây được sự chú ý. Cuộc tấn công khủng bố tại Paris thể hiện sự thay đổi trong cách nhìn nhận của IS. Nó phản ánh quan điểm của IS về chính tổ chức này, nhằm khẳng định mình như một “nhà nước” hơn là một nhóm khủng bố chiếm đóng ở vùng lãnh thổ nào đó. 

Mục đích đầu tiên của chủ nghĩa khủng bố - và của các cuộc chiến - rất đơn giản. Tấn công kẻ thù để trừng phạt tội ác của họ. Khi một liên minh tấn công IS gây thiệt hại cho lực lượng này, IS đáp trả bằng cách tấn công vào các nước tham gia liên minh đó. 

Mục đích thứ hai của chủ nghĩa khủng bố là tấn công các mục tiêu cụ thể, thường là các cá nhân, những người được coi là đại diện hoặc là lãnh đạo của kẻ thù. 

Mục đích thứ ba của chủ nghĩa khủng bố, và cũng là mục đích quan trọng nhất, là để tạo ra sự phản ứng dữ dội nhằm đổ lỗi cho bên kia. Cuộc xâm lược do Mỹ đứng đầu ở Iraq tạo ra một phản ứng cực đoan Hồi giáo ở nơi mà trước đó không hề có những phản ứng như vậy. Cuộc tấn công vào Paris lần này nhằm tạo ra một phản ứng dữ dội tương tự, để biến người châu Âu không theo đạo Hồi chống lại người Hồi giáo ở châu Âu và cả các nơi khác, hợp pháp hóa tuyên bố rằng có chiến tranh giữa phương Tây và Hồi giáo. Cánh hữu bài ngoại của châu Âu sẽ gia tăng ảnh hưởng và nạn nhân lớn nhất sẽ là những người chạy trốn khủng bố ở Trung Đông. 

Một mục tiêu nữa của chủ nghĩa khủng bố là để chứng minh rằng khủng bố là một lực lượng cần được tính đến và phương Tây sẽ bị chia rẽ, suy yếu do chính những phản ứng lẫn lộn của mình. 

Theo GS Damien Kingsbury, việc tìm kiếm một giải pháp cho vấn nạn khủng bố không hề đơn giản, đặc biệt là với lực lượng mang tư tưởng Hồi giáo cực đoan. Đó là một cuộc đấu tranh mà rất có thể sẽ kéo dài trong nhiều thập kỷ. Chắc chắn sẽ cần một loạt biện pháp đối phó với nguy cơ này, có thể bao gồm cả hành động tấn công quân sự cụ thể. Trước mắt là những phản ứng chính xác, không được nhầm lẫn giữa các nạn nhân người Hồi giáo của bọn khủng bố và những đối tượng khủng bố. 

Nhiều thay đổi lớn

Trong khi đó, “Nhật báo Phố Wall” ngày 16/11 đăng bài viết của hai nhà báo Stephen Fidler và Julian E. Barners đánh giá về chiến lược của Mỹ cũng như mối quan hệ của Nga với phương Tây trong cuộc chiến chống IS tại Syria. 

Các tác giả cho rằng, 30 phút kinh hoàng trên các đường phố của Paris (Pháp) dường như trở thành chất xúc tác cho sự thay đổi lớn trong chính trị quốc tế, với những tác động có thể kéo dài trong nhiều năm.

Trong những năm qua, phương Tây chủ yếu chỉ quan tâm đến cái mà họ gọi là “mối đe dọa đến từ Nga”. Họ cho rằng chính sách quân sự hung hăng của Nga tại Ukraine và mục tiêu chiến lược xa hơn nữa của nước này mới là mối đe dọa nghiêm trọng đối với lợi ích của Mỹ và phương Tây, còn chủ nghĩa khủng bố là một vấn đề thực sự nhưng có thể kiểm soát được.

Tuy nhiên, thông qua một loạt cuộc tấn công phối hợp nhuần nhuyễn, IS đã đưa các mối đe dọa khủng bố trở lại thành vấn đề trung tâm trong các chương trình nghị sự quốc tế.

Nga - từ một đối thủ được trang bị vũ khí hạt nhân - đã trở thành đối tác của phương Tây, với một kế hoạch trấn áp các mối đe dọa ngay lập tức. Chiến lược của Moskva, ủng hộ chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề IS, ít nhất là trong thời điểm hiện nay. Chính sách này gây khó chịu cho Mỹ và đến nay là Pháp - một trong những nước chỉ trích ông Assad một cách nặng nề nhất, song sau vụ tấn công khủng bố ở Paris, sự khó chịu đó có lẽ sẽ thay đổi.

Sự tàn bạo của cuộc tấn công ngày 13/11 vừa qua đã khiến vị trí địa chính trị của Syria, nơi mà trong gần 5 năm chiến tranh đã khiến hàng trăm nghìn người tị nạn đổ về châu Âu, gia tăng mạnh mẽ. Điều này chắc chắn sẽ khiến phương Tây tăng cường nỗ lực quân sự và ngoại giao ở đó. 

Tại một cuộc họp của Nhóm G-20 ngày 15/11, Tổng thống Mỹ Barack Obama cam kết sẽ “tăng gấp đôi” các chiến dịch quân sự do Mỹ dẫn đầu chống IS cũng như các nỗ lực ngoại giao để đạt được một giải pháp chính trị đối với cuộc chiến tại Syria.

Ngoài ra, sau một cuộc họp tại Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhất trí về một tiến trình toàn diện hơn để giải quyết cuộc chiến tại Syria. Các quan chức Nhà Trắng cho biết có một sự thay đổi đáng kể của Nga qua giọng điệu nhẹ nhàng hơn liên quan đến các nỗ lực quân sự của Nga ở đó. 

Tuy nhiên, theo các quan chức Nhà Trắng, Tổng thống Obama không tìm cách thay đổi đáng kể chiến lược của Mỹ. Ông vẫn phản đối việc Mỹ mở rộng can dự theo cách mà ông thấy là có khả năng đưa Mỹ dính líu vào một cuộc chiến tranh khác tại Trung Đông - chẳng hạn như việc Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước đồng minh đề nghị Mỹ ủng hộ thiết lập vùng cấm bay ở Syria. 

Tái “nhận diện” và tìm liên minh phòng chống khủng bố - 2

Cả IS lẫn Al-Qaeda cùng có xuất phát điểm từ tư tưởng bạo lực tôn giáo 

Chống khủng bố: Cần một liên minh?

Vụ tấn công ở Paris đã khẳng định khả năng của IS có thể mở rộng tấn công từ căn cứ ở Syria và Iraq tới các cường quốc lớn. Vụ tấn công này, cùng với các cuộc tấn công khủng bố trước đó ở Ankara, Beirut và việc cho nổ tung một máy bay của Nga cho thấy lực lượng khủng bố này đã được trang bị tốt như thế nào.

Điện Kremlin cho biết trong cuộc điện đàm ngày 17/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Pháp Francois Hollande đã nhất trí tăng cường hợp tác giữa các cơ quan quân sự và tình báo, đồng thời phối hợp các hành động quân sự trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria.

Đây là lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, Nga và Pháp hợp tác chống kẻ thù chung. 

Theo nguồn tin trên, Tổng thống Putin đã lệnh cho tàu tuần dương Moskva trang bị tên lửa, đang hiện diện ở Địa Trung Hải, bắt đầu hợp tác với quân đội Pháp trong các chiến dịch tại Syria. Ông Putin cho biết một tàu sân bay của Pháp sẽ sớm tiếp cận với tàu Moskva và con tàu tuần dương này của Nga sẽ “phối hợp với quân đội Pháp như với các đồng minh”. 

Văn phòng Tổng thống Pháp cũng cho biết, trong tuần tới, Tổng thống Hollande sẽ công du tới Washington và Moskva để thảo luận về cuộc chiến chống IS và tình hình tại Syria. 

Phát biểu trên Đài Truyền hình CBS của Mỹ, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ - Thượng nghị sỹ Richard Burr - đề nghị Tổng thống Pháp  thúc đẩy hoạt động của NATO nhằm tìm kiếm một liên minh chống khủng bố mới như Mỹ đã làm sau cuộc tấn công khủng bố năm 2001. Ông Burr nhấn mạnh: “Chúng ta có thể tham gia một liên minh quân sự có khả năng tấn công nhóm khủng bố man rợ này ngay trước khi chúng có khả năng thực hiện một cuộc tấn công phối hợp khác”. 

Ông Burr cũng đề nghị phối hợp thu thập thông tin tình báo và thành lập một lực lượng hoạt động đặc biệt ở Syria.

Bên trong châu Âu, một mâu thuẫn lớn hơn đang nảy sinh liên quan đến vấn đề nhập cư và việc thiết lập lại các chốt kiểm tra biên giới tại một vài nơi. Điều này dường như sẽ mang lại một số lựa chọn khó khăn cho chính phủ các nước châu Âu xem có nên bỏ qua mối quan tâm truyền thống về quyền con người hay không. Và liệu họ có cần phải tập trung quá nhiều mối bận tâm vào các cáo buộc liên quan đến quyền riêng tư cá nhân như việc thiết lập quá nhiều hệ thống giám sát điện tử và các biện pháp kỹ thuật khác liên quan hay không.

Ông Marc Pierini - cựu Đại sứ Liên minh Châu Âu tại Trung Đông, hiện làm việc tại Viện Nghiên cứu Carnegie châu Âu (có trụ sở tại Brussel (Bỉ)) - nói: “Sẽ rất khó khăn đối với các chính phủ phương Tây trong việc chống chủ nghĩa khủng bố và duy trì các ưu tiên chính trị cũng như các giá trị phổ quát của họ”.

Moskva rõ ràng đang hy vọng rằng sẽ đạt được một thỏa thuận, trong đó hợp tác về vấn đề Syria sẽ dẫn đến việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga liên quan tới vấn đề Ukraine. Cho đến nay, các quan chức châu Âu vẫn phản đối bất cứ mối liên hệ nào như vậy...

EU tìm cách chặn nguồn tài chính của IS

Hội đồng Ngoại trưởng Liên minh Châu Âu (EU) ngày 17/11 đã nhóm họp tại thủ đô Brussels (Bỉ) nhằm thảo luận việc ngăn chặn các nguồn tài chính tài trợ cho tổ chức IS, trong đó có việc phá hủy các cơ sở lọc dầu của tổ chức khủng bố này ở Iraq và Syria.

Trước đó, các bên tham gia hội nghị quốc tế về Syria tại Vienna đã nhất trí về một lộ trình chính trị tại Syria cũng như cam kết thúc đẩy nỗ lực nhằm chấm dứt xung đột giữa Chính phủ Syria và phe đối lập. Theo lộ trình này, Chính phủ Syria có 6 tháng để soạn thảo hiến pháp mới và tiến hành bầu cử tự do sau đó một năm.

Theo P.Nam –T.Quang (tổng hợp)

Pháp luật Việt Nam

Tái “nhận diện” và tìm liên minh phòng chống khủng bố - 3