"Tác dụng phụ" có thể xảy ra với Mỹ khi đánh thuế 180 đối tác thương mại
(Dân trí) - Các mức thuế quan do Tổng thống Donald Trump đặt ra có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ, truyền thông nước này cảnh báo.

Giới quan sát cảnh báo sắc lệnh thuế quan của ông Trump có thể tác động tới ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ (Ảnh: AFP).
Vào ngày 2/4, ông Trump công bố danh sách thuế quan "có đi có lại" trên diện rộng, áp đặt mức thuế tối thiểu 10% đối với hơn 180 nền kinh tế và mức cao hơn đối với các đối tác thương mại lớn như EU.
Politico cảnh báo, các mức thuế có thể làm suy yếu hợp tác quốc phòng quốc tế bằng cách đe dọa các dự án quân sự chung, bao gồm sản xuất máy bay chiến đấu tàng hình F-35, hệ thống phòng không và chế tạo tàu ngầm hạt nhân.
"Sẽ có tình trạng thiếu hụt nguồn cung, các biện pháp trả đũa qua lại, và đồng minh cùng các đối tác khác của chúng ta sẽ phản ứng", Bill Greenwalt, cựu quan chức mua sắm tại Lầu Năm Góc, dự đoán với Politico.
"Một số nguồn cung cấp thiết yếu có thể sẽ trở nên cực kỳ đắt đỏ hoặc thậm chí không thể tiếp cận được", ông bổ sung.
Lầu Năm Góc đã dành nhiều thập kỷ để xây dựng, tài trợ và phát triển một mạng lưới toàn cầu gồm các nhà cung cấp và công ty, nhiều đơn vị trong số đó đang phải đối mặt với thuế quan.
Nếu không có ngoại lệ dành cho quốc phòng, chính quyền Mỹ có thể làm ảnh hưởng tới phần lớn những nỗ lực này, gây trì hoãn hoạt động sản xuất vũ khí của Mỹ cho chính mình và các đối tác khác.
"Chúng tôi từng trông cậy vào Mỹ để có được trang thiết bị tốt nhất. Công suất công nghiệp của châu Âu đã được cải thiện đáng kể, và chúng tôi muốn trở thành nhà cung cấp an ninh chứ không chỉ là người tiêu dùng", một quan chức châu Âu cho biết.
Điều này đồng nghĩa với việc châu Âu sẽ đầu tư nhiều hơn vào sản xuất trong khu vực nhằm giảm phụ thuộc vào các linh kiện và vật liệu của Mỹ trong chế tạo vũ khí, quan chức này nói thêm.
Thượng nghị sĩ Mark Kelly, thành viên cao cấp của Ủy ban Quân vụ Thượng viện, nhấn mạnh sự phức tạp trong sản xuất quốc phòng và lưu ý rằng với các mức thuế mới, có không ít sản phẩm của ngành công nghiệp quân sự Mỹ có thể phải chịu thuế nhiều lần trong quá trình sản xuất.
"Giá cả sẽ tăng lên, và số tiền mà Bộ Quốc phòng Mỹ phải chi trả cũng sẽ tăng. Nếu chúng ta muốn duy trì một lực lượng quân đội như hiện nay, chi phí sẽ trở nên đắt đỏ hơn", ông cảnh báo.
Các mức thuế toàn cầu, bao gồm 20% đối với hàng nhập khẩu từ Liên minh châu Âu và 10% đối với hàng hóa từ Anh và Australia, cũng có khả năng làm gián đoạn các dự án hợp tác quốc phòng đã được coi là mô hình thành công.
Các chương trình này bao gồm máy bay chiến đấu F-35, hiện do 20 quốc gia vận hành trong một quan hệ đối tác độc đáo nhằm đảm bảo rằng các nước tham gia không chỉ có quyền tiếp cận công nghệ mà còn có cơ hội sản xuất linh kiện. Ngoài ra, còn có các dự án quan trọng về tên lửa và hệ thống phòng không với Na Uy và Israel.
Một trong những sáng kiến đặc biệt hứa hẹn dưới thời chính quyền tiền nhiệm - thỏa thuận giữa Australia, Anh và Mỹ (AUKUS) nhằm phát triển tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và chia sẻ công nghệ - có thể bị gián đoạn nếu chi phí linh kiện tăng quá cao.
"Những tác động dây chuyền là rất lớn. Các nhà thầu có thể bị yêu cầu gánh chịu chi phí, hoặc cố gắng phát triển nguồn cung thay thế trong nước, nhưng điều đó cần nhiều năm. Bạn không thể chỉ búng tay là chuỗi cung ứng tự điều chỉnh được. Nó đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc", ông Greenwalt cảnh báo.