Sức mạnh liên minh tình báo ‘Ngũ Nhãn’ đối với lệnh cấm Huawei
Báo chí Úc và New Zealand vừa có các bài viết nói rõ tác động của liên minh tình báo 5 nước Úc, Mỹ, Canada, New Zealand và Anh đối với việc cấm tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei (Hoa Vĩ) tham gia xây dựng mạng không dây 5G ở các nước này cũng như một số quốc gia khác.
"Đó là một buối tối ấm áp hồi tháng 7 vừa qua khi Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngồi cụng li với mạng lưới tình báo hùng mạnh nhất thế giới. Lãnh đạo tình báo cấp cao nhất của các quốc gia thuộc nhóm "Ngũ Nhãn" (5 mắt) tới một khu resort an toàn ở tỉnh ven biển Nova Scotia để gặp mặt không chính thức sau những cuộc họp căng thẳng ở thủ đô Ottawa".
Đó là lời mở đầu bài viết gây tiếng vang của hai cây bút Chris Uhlmann và Angus Grigg đăng trên báo Úc "Australian Financial Review" cuối tuần qua. Bài viết trực tiếp liên hệ một chiến dịch chưa từng có tiền lệ với việc ngăn cản Huawei cung cấp thiết bị cho các mạng không dây 5G của các đối tác "Ngũ Nhãn" đến từ Úc, Mỹ, Canada, New Zealand và Anh.
Trụ sở chính của CIA ở bang Virginia, Mỹ. Ảnh: Carol Highsmith.
Dẫn các nguồn tin rất đáng tin cậy, bài viết trên "Australian Financial Review" trình bày cách thức Úc thúc đẩy "Ngũ Nhãn" kiềm chế Huawei với một cuộc gọi từ Thủ tướng Úc lúc đó là ông Malcolm Turnbull tới Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông Turnbull nói với ông Trump rằng, Úc sẽ đưa Huawei ra khỏi danh sách nhà cung cấp thiết bị mạng 5G ở Úc. Lúc đó, Huawei đã bị cấm ở Mỹ.
Sau đó có nhiều động thái khác. Lãnh đạo lực lượng tình báo của từng thành viên "Ngũ Nhãn" đã công khai cảnh báo về mối nguy hiểm an ninh và gián điệp công nghệ của doanh nghiệp nước ngoài được chính phủ của doanh nghiệp đó tài trợ. Đến nay cũng không có phủ nhận chính thức nào về những lời cảnh báo đó.
New Zealand rồi cũng mạnh tay với Huawei
Một số chuyên gia cho rằng, New Zealand là mắt xích yếu nhất trong "Ngũ Nhãn", nhưng họ cũng phải công nhận rằng, New Zealand là "tai mắt" của 4 mắt xích còn lại trong khu vực Thái Bình Dương nhiều năm qua. Các chuyên gia cho rằng, New Zealand "nhẹ tay" với Trung Quốc là có "truyền thống". Trước đây, New Zealand hỗ trợ Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và là một trong những quốc gia đầu tiên công nhận Trung Quốc có nền kinh tế thị trường.
New Zealand dường như không quyết liệt bằng 4 thành viên còn lại của "Ngũ Nhãn" trong việc cấm triệt để Huawei tham gia các dự án mạng 5G nhưng cuối cùng cũng hành động tương tự.
Ông Mike Burgess, Tổng giám đốc Tổng cục Tín hiệu tình báo an ninh Úc, dùng tài khoản Twitter của mình để trao đổi với một giám đốc điều hành của Huawei – người nói các phần lõi và thiết bị truy cập của mạng 5G ở New Zealand đã được tách rời thành công. Ông Burgess viết: "Cám ơn đã chia sẽ. Trong ngành của tôi, tôi chưa bao giờ thấy thứ gì được cô lập hoàn toàn". Một tuần sau, Huawei bị cấm ở New Zealand.
Ông Burgess cũng cho rằng, hệ thống điện, cấp nước và các cơ sở hạ tầng trọng yếu khác không thể được bảo vệ thích đáng nếu "nhà cung cấp thiết bị nguy cơ cao" được phép xây dựng mạng 5G ở Úc. Với trường hợp Huawei, người ta nghi ngờ rằng, trong trường hợp xung đột, Bắc Kinh đơn giản chỉ việc yêu cầu Huawei sử dụng các "tai mắt" (thiết bị, mạng viễn thông) của tập đoàn này để đem lại lợi thế cho Trung Quốc. Huawei nói rằng, họ chỉ là doanh nghiệp tư nhân, không làm gián điệp cho nhà nước.
Theo các báo cáo gần đây, "Ngũ Nhãn" cũng tác động đến việc một số nước khác như Nhật Bản, Đức… tham gia chiến lược kiềm chế Trung Quốc. Sự lo lắng của liên minh tình báo này đối với Trung Quốc gia tăng sau khi Bắc Kinh có thêm nhiều động thái trên biển Đông, nhật báo New Zealand The New Zealand Herald đưa tin ngày 19/12.
Theo Đông Phong
Tiền Phong