1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Sức hút của "thỏi nam châm" Donald Trump với cử tri Mỹ

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổng thống Donald Trump vẫn là nhân tố thu hút sự quan tâm của cử tri Mỹ. Nhờ ông mà nhiều người Mỹ giờ đây không còn thờ ơ với bầu cử hay chính trị.

Sức hút của thỏi nam châm Donald Trump với cử tri Mỹ - 1

Tổng thống Donald Trump vẫy tay khi bước lên chuyên cơ Không Lực Một tại bang Maryland hồi tháng 12. (Ảnh: Reuters)

"Dù được yêu mến hay bị ghét bỏ, Tổng thống Donald Trump vẫn khiến hầu hết người Mỹ quan tâm mạnh mẽ đến chính trị theo một cách mà hiếm có chính trị gia nào làm được trong thời đại của chúng ta", cây bút Harry Enten bình luận trên CNN ngày 2/1.

Trong 4 năm Tổng thống Trump tại nhiệm, số người Mỹ cảm thấy yêu thích hoặc không ưa ông đều đạt mức kỷ lục. Theo kết quả cuộc khảo sát của Fox News hồi tháng trước, hai tỷ lệ này dành cho ông Trump được ghi nhận ở mức 71%.

Số cử tri cao chưa từng có

Nhiệm kỳ của Tổng thống Trump cũng thúc đẩy số cử tri đi bầu đông kỷ lục và số tiền quyên góp cho các chiến dịch tranh cử cao chưa từng có tại Mỹ - nơi cử tri thường không mấy mặn mà với chính trị.

24 năm trước, sự thờ ơ với chính trị tại Mỹ dường như lên đến kỷ lục. Theo thống kê của Dự án Bầu cử Mỹ, vào thời điểm đó, chỉ 51,7% dân số có đủ điều kiện bầu cử tham gia bỏ phiếu. Đây là mức thấp nhất kể từ khi những người trên 18 tuổi được phép đi bầu trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 1972. Theo tính toán sơ bộ, chỉ hơn 96 triệu cử tri Mỹ đi bỏ phiếu vào năm đó.

Có thể so sánh con số trên với khoảng 160 triệu cử tri Mỹ tham gia cuộc bầu cử năm 2020, tương đương 66,7% dân số đủ tư cách bỏ phiếu theo thống kê của Dự án Bầu cử Mỹ.

Số cử tri tham gia bỏ phiếu năm nay phá vỡ kỷ lục được thiết lập trước đó trong cuộc bầu cử hồi năm 2008 với 61,6%. Năm 2008 cũng là một năm đặc biệt khi có sự xuất hiện của Barack Obama - ứng viên da màu đầu tiên đại diện cho một chính đảng lớn tại Mỹ ra tranh cử tổng thống. Trước năm 2020, số cử tri tham gia bỏ phiếu tại Mỹ chưa bao giờ đạt mức 140 triệu người.

Đại dịch Covid-19 có thể là một trong những lý do dẫn tới số cử tri kỷ lục năm nay. Tuy nhiên, một điều không thể phủ nhận suốt hơn một năm qua là bối cảnh cuộc bầu cử năm 2020 cũng có những yếu tố đặc biệt, trong đó có Tổng thống Donald Trump.

Vào tháng 4/2019, thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát và đảng Dân chủ vẫn chưa bắt đầu bỏ phiếu sơ bộ, viễn cảnh về số người đi bầu kỷ lục đã được dự đoán khi rất nhiều cử tri nói rằng, họ háo hức về việc đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử năm 2020.

Trước cuộc bầu cử năm nay, số cử tri tham gia cuộc bầu cử giữa kỳ Mỹ vào năm 2018 cũng đạt con số kỷ lục, trong đó Tổng thống Trump chính là nhân tố thúc đẩy cử tri.

Một nửa dân số Mỹ đủ điều kiện đi bầu đã tham gia bỏ phiếu hồi năm 2018. Tỷ lệ người đi bầu năm 2018 đạt 50%, cao hơn 13 điểm so với năm 2014 (36,7%). Gần 120 triệu người đã bị bầu vào năm 2018, so với hơn 80 triệu người vào năm 2014. Tỷ lệ cử tri đi bầu năm 2018 cũng là tỷ lệ cao nhất trong một cuộc bầu cử giữa kỳ Mỹ kể từ khi Mỹ cho phép các cử tri trên 18 tuổi được tham gia bầu cử. Trước đó, tỷ lệ này chưa bao giờ vượt 42% trong những năm gần đây.

Các khoản quyên góp kỷ lục

Sức hút của thỏi nam châm Donald Trump với cử tri Mỹ - 2

Ông Trump vận động tranh cử tại bang Florida hồi tháng 9. (Ảnh: Getty)

"Sức hút" của Tổng thống Trump cũng dẫn đến các khoản quyên góp dành cho các ứng viên chính trị cao kỷ lục.

Theo Reuters, chỉ 24 giờ đồng hồ sau khi tuyên bố chiến dịch tái tranh cử vào Nhà Trắng vào ngày 19/6/2019, Tổng thống Trump đã thu về con số kỷ lục 24,8 triệu USD tiền tài trợ.

Tính đến ngày 30/11/2020, Ủy ban bầu cử liên bang Mỹ (FEC) thông báo các ứng viên liên bang, các ủy ban hành động chính trị và các ủy ban đảng chính trị đã quyên được gần 24 tỷ USD trong mùa bầu cử 2020. 

Chưa một năm bầu cử nào đạt được mức quyên góp cao như vậy tại Mỹ. Trong cuộc bầu cử năm 2016, con số này là 9 tỷ USD.

Chỉ tính riêng các ứng viên tổng thống, số tiền quyên góp được đã hơn 4 tỷ USD. Trước đó, con số này chưa bao giờ quá 2 tỷ USD.  

Trong cuộc đua vào Hạ viện Mỹ năm nay, các ứng cử viên đã huy động được 1,9 tỷ USD. Đây tiếp tục là một kỷ lục nữa được thiết lập trong một mùa bầu cử. Kỷ lục trước đó được ghi nhận trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2018, khi Tổng thống Trump vẫn đang nắm quyền tại Nhà Trắng, các ứng viên chạy đua vào Hạ viện quyên được 1,7 tỷ USD. Trước năm 2018, mức kỷ lục chỉ khoảng hơn 1,1 tỷ USD.

Trong cuộc bầu cử lớn cuối cùng của nhiệm kỳ Trump, cuộc chạy đua quyên tiền vẫn chưa dừng lại. Các ứng viên đang cạnh tranh ghế Thượng viện bang Georgia cũng quyên số tiền lớn. Chỉ riêng đảng Dân chủ đã quyên được hàng trăm triệu USD.

Theo New York Times, ông Trump dự kiến sẽ rời Nhà Trắng và trở thành một công dân Mỹ bình thường vào tháng 1/2021 với khoản tiền ủng hộ chiến dịch tranh cử lớn chưa từng thấy và hàng loạt những lựa chọn về việc chi tiêu khoản tiền này. Từ sau ngày bầu cử 3/11, đội ngũ của ông Trump và đảng Cộng hòa đã gây quỹ được hơn 250 triệu USD. 

Giới quan sát cho rằng ông Trump có thể dùng khoản tiền "khủng" để củng cố vị trí trong đảng Cộng hòa, chi trả cho các hoạt động di chuyển và tổ chức tuần hành, thuê nhân viên, trả phí tòa án, thậm chí xây dựng nền tảng cho tham vọng trở lại Nhà Trắng vào 4 năm tới. Khả năng huy động quỹ "chớp nhoáng" cho thấy vị trí vững chắc của Tổng thống Trump trong đảng Cộng hòa, dù ông không thành công trong cuộc đua vào Nhà Trắng. 

Mối quan tâm của người Mỹ trong các cuộc bầu cử suốt 4 năm qua không chỉ xoay quanh Tổng thống Trump, mà còn về mọi thứ xung quanh ông cũng như mọi thứ có thể làm suy giảm hoặc gia tăng quyền lực của ông.

Câu hỏi đặt ra là sau khi ông Trump rời nhiệm sở, mối quan tâm này có còn được tiếp tục duy trì hay không? Điều này sẽ được trả lời theo thời gian.